Khẩn trương bảo vệ lúa xuân
Cây lúa xanh tốt nên bà con nông dân rất khó phát hiện được tình trạng bệnh ở phía dưới gốc của cây

Thực tế cho thấy, rầy các loại mật độ trung bình 300 - 500 con/m2 , nơi cao 800 - 1.200 con/m2, cục bộ 3.000 - 5.000 con/m2 đã gây cháy chòm cục bộ; Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn cũng đã xuất hiện tỷ lệ bệnh trung bình 1-3%, nơi cao 5-10% lá bị hại. Đáng lưu ý là với hình thái thời tiết hiện nay cũng gây khó khăn nhất định trong công tác xử lý sâu bệnh hại.

Nhìn cây lúa xanh tốt thì bà con nông dân khó có thể phát hiện được tình trạng bệnh ở phía dưới gốc của cây lúa. Các cơ quan chuyên môn đã phải rất kỹ lưỡng trong việc đánh giá cũng như là kiểm tra tình trạng bệnh để có khuyến cáo sát nhất, tránh thiệt hại cho bà con nông dân.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Đội 5, xóm Thác Vạn, xã An Khánh, huyện Đại Từ chia sẻ: "Cán bộ Khuyến nông về thăm đã báo cho Trưởng xóm, Trưởng xóm phát hiện báo cho bà con nên tập trung đi làm. Hôm nay trời nắng nên tranh thủ đi làm".

Ông Dương Văn Quyền, Trưởng xóm Làng Mon, xã Thịnh Đức, TP Thái Nguyên cho biết: "Riêng rày nâu thì phải có thuốc đặc trị thì mới được. Hiện nay theo dự báo thì từ ngày mùng 3 đến ngày mùng 5/5 này có một đợt sâu cuốn lá và sâu đục thân nở rộ thì tôi đã thông báo cho bà con nắm được rồi chắc khoảng 2 đến 3 ngày nữa là có thể bà con sẽ phun thuốc đồng loạt".

Khẩn trương bảo vệ lúa xuân
Ngành nông nghiệp tỉnh đã đề nghị các địa phương và bà con nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng phát hiện sớm ổ bệnh
Khẩn trương bảo vệ lúa xuân
Giai đoạn cây lúa đang ôm đòng (trước trỗ) có thể sử dụng các loại thuốc lưu dẫn nội hấp phun ở trên bề mặt của cây lúa

Để đảm bảo kế hoạch vụ Xuân, ngành nông nghiệp tỉnh đã đề nghị các địa phương và bà con nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng phát hiện sớm ổ bệnh, chú ý sau mỗi trận mưa giông lớn, phun thuốc khi bệnh xuất hiện kết hợp với các biện pháp như: dừng ngay bón phân đạm, không phun các chất kích thích sinh trưởng, phân bón lá và luôn giữ đủ nước trong ruộng. Sử dụng các loại thuốc đặc hiệu có trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam để phun trừ.

Bà Hoàng Thị Kim Oanh, Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch thực vật nội địa, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Với giai đoạn cây lúa đang ôm đòng tức là trước trỗ thì chúng ta có thể sử dụng các loại thuốc lưu dẫn nội hấp và phun ở trên bề mặt của cây lúa, còn với giai đoạn mà cây lúa đã trỗ bông và chắc xanh thì khi này mật độ rày cao, chúng ta cần phải rẽ hàng".

Vụ xuân năm 2024, tỉnh Thái Nguyên gieo cấy hơn 28.100ha lúa, với dự ước năng suất bình quân đạt hơn 55 tạ/ha, sản lượng đạt hơn 157.000 tấn. Vì vậy đây là vụ quan trọng của năm và là tiền đề để thực hiện các vụ tiếp theo, đảm bảo kế hoạch sản xuất của tỉnh.

Theo ông Nguyễn Tá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Thái Nguyên: "Từ đầu năm, trong khung cơ cấu mùa vụ đã xác định là làm sao phải có một vụ xuân sản xuất làm sao tốt nhất để tạo điều kiện cho khung thời vụ của vụ mùa đạt được 50% mùa sớm, tạo ra quỹ đất để làm vụ ba là vụ đông. Đến thời điểm này tất cả khung thời vụ cũng như là các biện pháp chỉ đạo của các địa phương đang phối hợp rất là nhịp nhàng, rất là tốt và hứa hẹn một mùa vụ lại bội thu".

Cùng với việc tích cực, chủ động phòng trừ sâu bệnh, ngành chuyên môn cũng khuyến cáo địa phương và bà con nông dân tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của ngành nông nghiệp để bảo vệ vụ Xuân do tình hình biến đổi khí hậu và diễn biến khó lương của thời tiết hiện nay./.