Mường Thanh - cây cầu “tiến quân lịch sử”
Cầu Mường Thanh bây giờ vẫn nguyên vẹn hình dáng như hơn 70 năm trước.

Cầu Mường Thanh là cây cầu giã chiến bắc qua sông Nậm Rốm do người Pháp xây dựng sau cuộc nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ. Cuối cùng cây cầu này lại trở thành phương tiện dẫn đường cho quân ta cắm lá cờ quyết chiến quyết thắng lên nóc hầm của viên bại tướng Đờ-cát. Ngày nay cầu Mường Thanh vẫn được giữ nguyên bản khi mới khởi dựng và mãi là cây cầu tiến quân lịch sử trong trang vàng của Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Trước khi diễn ra trận chiến, ngoài đường hàng không thì cây cầu Mường Thanh mang sứ mệnh đặc biệt quan trọng bởi đó là đường di chuyển độc nhất, thuận lợi nhất của quân Pháp lúc bấy giờ tại Điện Biên. Và người Pháp gọi cầu Mường Thanh bằng cái tên mỹ miều là “Bailey”.

Cầu Mường Thanh còn là nơi từng chứng kiến bước chân hành quân thần tốc của quân đội ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ với các Trung đoàn thuộc Đại đoàn 308, Đại đoàn 312.

Mường Thanh - cây cầu “tiến quân lịch sử”
Ông Bùi Kim Điều, Chiến sĩ Đại đoàn 312, Chiến dịch Điện Biên Phủ

14 giờ ngày 7/5, Trung đoàn 209 thuộc Đại đoàn 312 đã mở cuộc tấn công và tiêu diệt các cứ điểm 507, 508 và 509 ở đầu cầu Mường Thanh. 17 giờ 15 phút ngày 7/5/1954, một cánh quân của Đại đoàn 312 vượt cầu Mường Thanh tiến vào sở chỉ huy của quân đội viễn chinh Pháp.

Ông Bùi Kim Điều, Chiến sĩ Đại đoàn 312, Chiến dịch Điện Biên Phủ kể lại: "Chiều ngày mùng 7/5/1954, Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật biết tiếng Pháp đã chỉ huy một đại đội vượt qua cầu Mường Thanh này tiến thẳng lên hầm Đờ-cát, nhảy lên nóc hầm và hô: các ông đã thua ra hàng để được khoan hồng... phút chốc sau thì tướng Đờ-cát cùng các tướng lĩnh lũ lượt ra hàng. Lúc đó quân ta rồi cả dân công hỏa tuyến ở các nơi ào ra vây quanh hầm Đờ-cát nhảy múa vào hô vang ta đã thắng địch đã thua".

Cầu Mường Thanh bây giờ vẫn nguyên vẹn hình dáng như hơn 70 năm trước. Hằng ngày cầu vẫn đón hàng vạn lượt người và xe máy, xe đạp chở hàng hóa qua lại hai bên bờ sông Nậm Rốm.

Và cầu Mường Thanh vẫn luôn là cây cầu "chở tải" câu chuyện lịch sử hào hùng, nơi lưu giữ ký ức, nối liền thời khắc lịch sử với hiện tại… và mãi mãi là cây cầu “tiến quân lịch sử” của quân và dân ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ./.