Sri Lanka chưa hết bất ổn sau loạt vụ khủng bố đẫm máu
Ngày 25/4, Bộ trưởng Quốc phòng Sri Lanka Hemasiri Fernando đã gửi đơn xin từ chức tới Tổng thống Maithripala Sirisena. Lá đơn từ chức được ông Fernando đưa ra 4 ngày sau khi Sri Lanka hứng chịu một loạt vụ tấn công khủng bố, khiến hàng trăm người thương vong.
An ninh đang được thắt chặt tại Sri Lanka. Ảnh: Getty |
Theo ông Fernando, với cương vị người đứng đầu lực lượng quốc phòng, ông phải chịu một phần trách nhiệm khi không thể ngăn chặn loạt vụ tấn công đẫm máu này. Mặc dù vậy, ông Fernando cũng khẳng định các cơ quan an ninh Sri Lanka đã phản ứng nhanh chóng trước các thông tin về nguy cơ xảy ra tấn công trước khi các vụ đánh bom thực sự xảy ra.
Trước đó, ngày 24/4, Tổng thống Sirisena đã yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng Fernando và Cảnh sát trưởng quốc gia Pujith Jayasundara từ chức vì hai quan chức này đã không ngăn chặn được thảm kịch dù đã nhận được các tin tình báo cảnh báo trước về nguy cơ khủng bố.
Hôm 11/4, các thông tin tình báo nước ngoài đã cảnh báo về khả năng xảy ra các vụ đánh bom liều chết do nhóm Hồi giáo tại Sri Lanka là National Thowheeth Jama'ath (NTJ) tiến hành nhằm vào các nhà thờ nổi tiếng tại nước này. Tuy nhiên, thông tin này đã không được báo cáo với Thủ tướng Sri Lanka hay các bộ trưởng khác. Điều này dẫn tới tranh cãi về việc cơ quan an ninh Sri Lanka đã không có hành động ngặn vụ tấn công mặc dù đã nhận được thông tin cảnh báo trước đó.
Nhằm đảm bảo an ninh, hôm 25/4, các quan chức an ninh Sri Lanka đã ra lệnh đóng cửa Ngân hàng Trung ương nước này do lo ngại xảy ra đánh bom. Ngoài ra, nhà chức trách Sri Lanka thông báo toàn bộ nhà thờ Thiên Chúa giáo trên lãnh thổ cả nước đã tạm ngừng hoạt động cho đến khi an ninh được cải thiện.
Cho đến nay, nhà chức trách Sri Lanka đã bắt giữ hàng chục kẻ tình nghi có liên quan đến các vụ tấn công. Tất cả các đối tượng thực hiện các vụ đánh bom được cho là thành viên nhóm Hồi giáo cực đoan National Thowheeth Jama'ath (NTJ) nhằm trả đũa các vụ xả súng vào hai nhà thờ Hồi giáo ở New Zealand hồi tháng 3/2019.
Ông Gunesekara, người phát ngôn lực lượng cảnh sát Sri Lanka cho biết: "Chúng tôi đã bắt giữ hơn 70 nghi phạm trong các cuộc truy quét ở nhiều khu vực khác nhau trên cả nước. Trong số 70 nghi phạm có 33 người đang bị Cục Điều tra Hình sự (CID) giam giữ và đang bị thẩm vấn. 4 trong số 33 người này, trong đó có 1 nữ đã bị Cơ quan điều tra khủng bố giam giữ và thẩm vấn".
Ngoài ra, lực lượng quân đội cũng được tăng cường tại khắp các địa điểm công cộng trên cả nước.
Ông Atapatu, người phát ngôn quân đội Sri Lanka cho biết: "Chúng tôi đã triển khai gần 10.000 binh sỹ trên khắp cả nước. Nếu bạn bước ra khỏi nhà, bạn sẽ thấy 3 lực lượng vũ trang đã triển khai. Nỗ lực của chúng tôi là tiêu diệt những kẻ khủng bố cực đoan và bắt giữ những người giúp đỡ và hỗ trợ chúng."
Hiện một số nguồn tin cho biết, 2 trong số những kẻ đã đánh bom liều chết ở Sri Lanka là hai anh em thuộc một gia đình giàu có và được đào tạo ở nước ngoài. Không chỉ có vậy, người đứng đằng sau những kẻ này là một phần tử Hồi giáo cực đoan mà cộng đồng người theo đạo Hồi ở Sri Lanka đã cảnh báo với các cơ quan an ninh của nước này nhưng không có bất kỳ hành động phòng ngừa nào được tiến hành.
Trong thông tin liên quan, giới chức Sri Lanka vừa sửa đổi số liệu về người thiệt mạng trong loạt vụ đánh bom vào hôm 22/4 xuống còn 253 người không phải là 359 người như ban đầu với lí do gặp khó khăn trong việc xác định các phần của thi thể nạn nhân./.