Facebook Zalo youtube Tiktok

Tin 24h ngày 14/4/2025

Việt Nam
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.
aa
Chú thích ảnh
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Trưa 14/4, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình đã tới Hà Nội, bắt đầu thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam trong hai ngày 14 - 15/4, theo lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm và Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Lương Cường.

Chủ tịch nước Lương Cường ra Sân bay quốc tế Nội Bài đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Đoàn đại biểu cấp cao Trung Quốc.

Cùng đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Đoàn đại biểu Trung Quốc tại sân bay có các đồng chí: Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; Nguyễn Minh Vũ, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao; Phạm Thanh Bình, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc.

Tháp tùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam có các đồng chí: Thái Kỳ, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư, Chánh Văn phòng Trung ương; Vương Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ðối ngoại Trung ương, Bộ trưởng Ngoại giao; Vương Tiểu Hồng, Bí thư Ban Bí thư, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Công an; Lưu Kiến Siêu, Ủy viên Trung ương Ðảng, Trưởng Ban Liên lạc đối ngoại Trung ương; Đổng Quân, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bộ trưởng Quốc phòng; Trịnh San Khiết, Ủy viên Trung ương Ðảng, Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia; Vương Văn Ðào, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bộ trưởng Thương mại; Đường Phương Dụ, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Nghiên cứu chính sách Trung ương; Hà Vĩ, Ðại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam; Tôn Vệ Đông, Thứ trưởng Ngoại giao; Chiếu Huy, Cục trưởng Cục Hợp tác phát triển quốc tế.

Chào đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Đoàn đại biểu cấp cao Trung Quốc tại Sân bay quốc tế Nội Bài là các tiết mục trống hội đặc sắc do 200 nghệ sỹ thuộc Đoàn Nghệ thuật trống hội biểu diễn cùng với các tiết mục múa chào mừng của 54 thiếu nữ trong trang phục đại diện cho các dân tộc Việt Nam.

Đông đảo các tầng lớp nhân dân Việt Nam, người Trung Quốc tại Việt Nam; cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam cầm cờ hai nước và các băng rôn thể hiện tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước nồng nhiệt chào đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Đoàn đại biểu cấp cao Trung Quốc.

Đây là chuyến thăm cấp Nhà nước lần thứ 4 của đồng chí Tập Cận Bình đến Việt Nam trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc; càng đặc biệt hơn khi đây là chuyến thăm lần thứ hai của nhà lãnh đạo Trung Quốc tới Việt Nam trong cùng một nhiệm kỳ.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh năm 2025 là năm đặc biệt, kỷ niệm 75 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (18/1/1950 - 18/1/2025). Chuyến thăm lần này góp phần thúc đẩy và làm sâu sắc hơn khuôn khổ quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, đưa quan hệ hai nước phát triển lên một tầm cao mới.

Kể từ khi hai nước thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện năm 2008 đến nay, đặc biệt là sau các chuyến thăm lẫn nhau mang ý nghĩa lịch sử của Lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước những năm gần đây, quan hệ song phương đã có những bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện và vượt bậc trên nhiều lĩnh vực. Hai Đảng, hai nước luôn nỗ lực vun đắp cho quan hệ song phương, tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược”. Hai nước đã đề ra phương hướng “6 hơn” bao gồm: Tin cậy chính trị cao hơn; hợp tác quốc phòng-an ninh thực chất hơn; hợp tác thực chất sâu sắc hơn; nền tảng xã hội vững chắc hơn; phối hợp đa phương chặt chẽ hơn; bất đồng được kiểm soát, giải quyết tốt hơn. Hai bên đánh giá quan hệ hai nước đang ở mức độ sâu sắc, toàn diện và thực chất nhất từ trước tới nay.

Diễn ra chưa đầy một năm sau chuyến thăm cấp Nhà nước đến Trung Quốc của Tổng Bí thư Tô Lâm, chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình là sự kiện chính trị đối ngoại quan trọng của hai Đảng, hai nước, có ý nghĩa chiến lược, tác động lâu dài đến sự phát triển của quan hệ Việt - Trung trong bối cảnh hai nước đều đang bước vào kỷ nguyên mới, thời đại phát triển mới. Chuyến thăm mang ý nghĩa và tính biểu tượng quan trọng đối với quan hệ hai nước, qua đó tiếp tục duy trì xu thế phát triển tích cực, lan tỏa mạnh mẽ đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, hình thành không khí hợp tác sôi động, hiệu quả, thiết thực.

Dự kiến trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có các cuộc hội đàm, hội kiến quan trọng với Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; đi sâu trao đổi về việc tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ song phương, bao gồm phát huy truyền thống giao lưu trao đổi cấp cao thường xuyên, củng cố hơn nữa tin cậy chính trị, thúc đẩy triển khai hiệu quả nhận thức chung cấp cao và các thỏa thuận đã ký kết, mở rộng và nâng cao hiệu quả, chất lượng các lĩnh vực hợp tác theo định hướng “6 hơn”, đưa hợp tác thực chất đi vào chiều sâu, đạt nhiều thành quả thiết thực và điểm sáng mới.

Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình

Chú thích ảnh
Tổng Bí thư Tô Lâm đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Lương Cường, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình đã đến Thủ đô Hà Nội, bắt đầu thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 14 - 15/4/2025.

Chiều 14/4, Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch theo nghi thức cao nhất dành đón Nguyên thủ quốc gia.

Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Lễ đón.

Tham dự Lễ đón có các đồng chí: Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Trần Lưu Quang, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương; Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt - Trung; Lê Khánh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương; Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính; Trần Hồng Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Chính sách, Chiến lược Trung ương, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt -Trung; Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; Tô Ân Xô, Trợ lý Tổng Bí thư, Phụ trách Văn phòng Tổng Bí thư; Nguyễn Minh Vũ, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao; Phạm Thanh Bình, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc.

Đông đảo các cháu thiếu nhi và quần chúng nhân dân Thủ đô tay cầm cờ hoa nồng nhiệt chào đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cùng Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Trung Quốc.

Đoàn xe chở Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tiến vào Phủ Chủ tịch. Tổng Bí thư Tô Lâm nồng nhiệt chào đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình dẫn đầu Đoàn cấp cao Đảng và Nhà nước Trung Quốc thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.

Trong tiếng nhạc chào mừng, Tổng Bí thư Tô Lâm mời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bước lên bục danh dự. Quân nhạc cử Quốc thiều Trung Quốc và Việt Nam đồng thời 21 phát đại bác chào mừng được bắn từ Hoàng thành Thăng Long trong Lễ đón. Sau khi nghe Quốc thiều hai nước, Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình rời bục danh dự, bước tới cúi chào quân kỳ và duyệt Đội Danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam. Tiếp đó, hai nhà lãnh đạo giới thiệu thành phần Đoàn cấp cao hai nước tham dự Lễ đón.

Việt Nam - Trung Quốc là láng giềng gần gũi, núi liền núi, sông liền sông, nhân dân hai nước có tình hữu nghị truyền thống lâu đời. Kể từ khi hai bên thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện năm 2008 đến nay, đặc biệt là sau các chuyến thăm lẫn nhau mang ý nghĩa lịch sử của Lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước những năm gần đây, quan hệ song phương đã có những bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện và vượt bậc trên nhiều lĩnh vực.

Chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình là sự kiện chính trị đối ngoại quan trọng của hai Đảng, hai nước, có ý nghĩa chiến lược, tác động lâu dài đến sự phát triển của quan hệ Việt - Trung trong bối cảnh hai nước đều đang bước vào kỷ nguyên mới, thời đại phát triển mới. Đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ tư của đồng chí Tập Cận Bình trên cương Lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước Trung Quốc và là chuyến thăm lần thứ hai trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc; đặc biệt là diễn ra trong “Năm giao lưu nhân văn”, kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc (1950 - 2025).

Sau Lễ đón trọng thể, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiến hành hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, tại Trụ sở Trung ương Đảng.

Khai mạc phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc Phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Sáng 14/4, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 44.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chia thành 2 đợt, đợt 1 (3,5 ngày): từ ngày 14/4 đến ngày 17/4/2025 (nghỉ họp sáng ngày 16/4) và dự phòng từ 18 - 21/4/2025; đợt 2 (5,5 ngày): từ ngày 22 đến sáng ngày 28/4 (nghỉ họp ngày chủ nhật 27/4) và dự phòng chiều ngày 28 và ngày 29/4, tập trung giải quyết khối lượng công việc rất lớn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến, xem xét, quyết định 42 nhóm nội dung tại phiên họp, bao gồm: 24 nhóm nội dung về công tác lập Hiến, lập pháp, 10 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng và 8 nội dung thuộc thẩm quyền; đồng thời, cho ý kiến, xem xét, quyết định bằng văn bản đối với 5 nhóm nội dung khác.

Đặc biệt, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về hồ sơ đề nghị: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc sửa đổi Hiến pháp là nhiệm vụ đặc biệt hệ trọng với khối lượng công việc rất lớn, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, gắn với chủ trương tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, theo Kết luận số 126, 127 của Bộ Chính trị và Ban Chỉ đạo Trung ương.

Bên cạnh những nội dung chính thức đã được đưa vào chương trình, còn nhiều nội dung trong chương trình dự phòng cần xem xét để phục vụ sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, sắp xếp các đơn vị hành chính, xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Thực hiện yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phục vụ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, tháo gỡ các "điểm nghẽn" để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội...

Trong phiên họp sáng 14/4, sau phát biểu của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về: dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi); Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 3/2025.

Thời tiết ngày 14/4: Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tiếp tục rét về đêm và sáng

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 14/4, khối không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến khu vực Trung Trung Bộ, gây ra hiện tượng thời tiết lạnh về đêm và sáng sớm tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Trên đất liền, gió Đông Bắc hoạt động ở cấp 3, vùng ven biển mạnh hơn, ở cấp 3-4. Thời tiết tại các tỉnh phía Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời lạnh, đặc biệt về đêm và sáng sớm trời rét. Nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 16-19 độ C, riêng vùng núi cao của Bắc Bộ có nơi dưới 14 độ C. Thủ đô Hà Nội sáng sớm se lạnh, nhiệt độ dao động trong khoảng 17-19 độ C.

Trên biển, do ảnh hưởng của không khí lạnh, khu vực ven biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi tiếp tục có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, biển động mạnh, sóng biển cao phổ biến từ 2-3m. Tuy nhiên, dự báo trong ngày gió sẽ có xu hướng giảm dần, giúp tình hình trên biển bớt nguy hiểm hơn vào cuối ngày.

Dự báo thời tiết các khu vực trên cả nước:

Thủ đô Hà Nội nhiều mây, có mưa vài nơi, trưa chiều giảm mây hửng nắng. Gió đông bắc đến đông cấp 2-3. Sáng và đêm trời rét. Nhiệt độ thấp nhất 18-20 độ C. Nhiệt độ cao nhất 25-27 độ C.

Khu vực phía Tây Bắc Bộ nhiều mây, có mưa rào và dông vài nơi. Gió nhẹ. Sáng và đêm trời rét. Nhiệt độ thấp nhất 16-19 độ C, có nơi dưới 15 độ C. Nhiệt độ cao nhất 22-25 độ C, có nơi trên 25 độ C.

Các tỉnh phía Đông Bắc Bộ nhiều mây, có mưa vài nơi, trưa chiều giảm mây hửng nắng. Gió đông bắc đến đông cấp 2-3. Sáng và đêm trời rét. Nhiệt độ thấp nhất 17-20 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 14 độ C. Nhiệt độ cao nhất 24-27 độ C.

Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Huế nhiều mây, phía Bắc có mưa vài nơi, trưa chiều giảm mây hửng nắng; phía Nam có mưa rào và dông vài nơi. Gió bắc đến tây bắc cấp 2-3. phía Bắc đêm và sáng trời rét. Nhiệt độ thấp nhất 17-20 độ C. Nhiệt độ cao nhất 24-27 độ C.

Khu vực Đà Nẵng đến Bình Thuận phía Bắc nhiều mây, có mưa rào và dông vài nơi; phía Nam có mây, ngày nắng, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi. Gió đông bắc cấp 2-3. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 22-25 độ C. Nhiệt độ cao nhất phía Bắc 26-29 độ C, phía Nam 30-33 độ C.

Các tỉnh Tây Nguyên có mây, có mưa rào và dông vài nơi, ngày nắng, riêng phía Nam chiều tối có mưa rào rải rác và có nơi có dông. Gió nhẹ. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 20-23 độ C. Nhiệt độ cao nhất 31-34 độ C.

Nam Bộ có mây, ngày nắng, có nơi nắng nóng; chiều tối có mưa rào rải rác và có nơi có dông; đêm có mưa rào và dông vài nơi. Gió nhẹ. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 24-27 độ C. Nhiệt độ cao nhất 32-35 độ C, có nơi trên 35 độ C.

78 người “săn mây” ở Đắk Nông bị công an giữ phương tiện

Tin 24h ngày 14/4/2025
Nhiều người bị xử lý vì nẹt pô xe khi đi săn mây. Ảnh: N.D

Công an tỉnh Đắk Nông vừa xử lý 78 người "săn mây” vì hành vi nẹt pô xe, gây mất an ninh, trật tự, tạm giữ phương tiện.

Ngày 14/4, Công an tỉnh Đắk Nông vẫn đang tạm giữ 78 phương tiện và tiếp tục củng cố hồ sơ, xử lý 78 người liên quan.

Trước đó, tại khu vực đồi thông thôn 10, xã Nâm N’Jang thường xuyên xuất hiện mây mù lúc sáng sớm, tạo nên khung cảnh đẹp, thơ mộng và được ví von như Đà Lạt.

Vì thế, nhiều thợ "săn mây” tụ tập về khu vực này để chụp hình, quay video sống ảo trên mạng xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình “săn mây”, nhiều thanh thiếu niên điều khiển xe máy lạng lách, đánh võng, nẹt pô...gây mất an ninh trật tự, gây bức xúc trong người dân.

Để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý ngay từ ban đầu, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Đắk Nông đã đề xuất lãnh đạo Công an tỉnh này kế hoạch xử lý.

Ngày 13/4, lực lượng của Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp cùng công an các xã Nâm N’jang, thị trấn Đức An…triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để xử lý những thanh thiếu niên có vi phạm về giao thông đường bộ.

Kết quả, trong ngày 13/4, công an đã lập biên bản xử lý 78 người "săn mây” từ 15 đến 30 tuổi, với các lỗi vi phạm như: Điều khiển phương tiện khi chưa đủ độ tuổi; tự ý thay đổi khung máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe; không có giấy phép lái xe; không gắn biển số xe...

Việc công an kịp thời xử lý những người "săn mây" vi phạm khiến người dân địa phương rất hài lòng. Nhiều người đã quay, đăng tải video công an xử lý vụ việc đăng tải lên mạng để cảnh báo, nhắc nhở những thanh niên có nhu cầu "săn mây", sống ảo chấp hành tốt quy định của pháp luật.

Lào Cai: Khắc phục sạt lở gây tắc nghẽn giao thông

Chú thích ảnh
Mưa lũ đã làm tuyến Tỉnh lộ 160 từ xã Cốc Lầu đi xã Bản Cái (Bắc Hà) bị sạt lở nghiêm trọng gây chia cắt giao thông. Ảnh: TTXVN phát

Qua rà soát đến thời điểm 16 giờ chiều 13/4, trên địa bàn xã Nậm Lúc, Bản Cái, Lào Cai không có hộ dân bị ảnh hưởng về nhà ở do mưa lũ, sạt lở. Các tuyến đường giao thông cơ bản vẫn an toàn trước ảnh hưởng của đợt mưa từ ngày 12/4 đến sáng 13/4/2025.

Trước đó, tại huyện Bắc Hà, Lào Cai đã xảy ra sạt lở taluy dương, taluy âm gây tắc nghẽn giao thông ở nhiều vị trí trên Tỉnh lộ 160 địa phận xã Nậm Lúc, xã Bản Cái. Các cơ quan chức năng đã khẩn trương triển khai khắc phục, nhanh chóng thông tuyến bước 1 phục vụ người dân đi lại.

Qua đánh giá sơ bộ của Sở Xây dựng tỉnh Lào Cai, tuyến có 10 vị trí sạt lở, với khối lượng khoảng 3.000 m3. Nhiều vị trí trên đường tỉnh 160, mưa lũ gây xói trôi nền mặt đường, đất tràn rãnh. Riêng tại khu vực thủy điện Nậm Lúc (Km64+700) sạt lở gần 200m đường, gây tắc đường hoàn toàn từ sáng 13/4.

Ngay sau khi mưa lũ gây ra sạt lở đất đá trên Tỉnh lộ 160, các đơn vị chức năng của Sở Xây dựng đã có mặt tại hiện trường để xác định khối lượng và lên phương án điều động máy móc, nhân lực nhằm thông tuyến sớm nhất.

Ông Trần Xuân Hiện, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, ngay sau khi nắm bắt thông tin, Sở đã có mặt tại hiện trường chỉ đạo khắc phục, huy động 3 máy xúc hót dọc đất đá sạt xuống đường từ 8 giờ sáng 13/4. Đến 10 giờ 35 phút cùng ngày đã thông tạm 1 làn xe. Riêng đối với các vị trí sạt lở taluy dương, dự kiến ngày mai sẽ hoàn tất việc dọn dẹp đất đá sạt lở trên toàn tuyến. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 1 tỷ đồng.

Ngoài ra, tại Nhà máy Thủy điện Nậm Lúc, mưa lớn đã làm một số hạng mục nhỏ của nhà máy bị hư hỏng, rất may, dòng nước và đất đá chảy ngoài khu vực để máy móc thiết bị nên thiệt hại không lớn lắm.

Đóng BHXH chưa đủ 15 năm, người lao động nên làm gì để hưởng lương hưu?

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi năm 2024, sẽ có hiệu lực từ 1/7/2025, đã thay đổi quy định về điều kiện hưởng lương hưu so với Luật BHXH 2014. Theo đó, người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên, sẽ được hưởng lương hưu hằng tháng và được cấp thẻ BHYT miễn phí để chăm sóc sức khỏe trong suốt quá trình hưởng lương hưu.

Theo BHXH Việt Nam, quy định này được áp dụng đối với cả những người đã tham gia BHXH từ trước ngày Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực.

Đóng BHXH 15 năm được hưởng lương hưu

Luật BHXH năm 2024 quy định, người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên, được hưởng lương hưu hằng tháng. Quy định này nhằm tạo cơ hội cho những người bắt đầu tham gia BHXH muộn, hoặc tham gia không liên tục, có cơ hội tích lũy đủ 15 năm đóng (thay vì 20 năm như quy định tại Luật BHXH 2014) để được hưởng lương hưu hằng tháng thay vì nhận BHXH một lần.

Trường hợp người lao động có thời gian đóng BHXH dài hơn 15 năm thì được hưởng lương hưu với tỷ lệ hưởng cao hơn do đóng BHXH thời gian dài. Cụ thể, về mức lương hưu hằng tháng, đối với lao động nữ bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH quy định tương ứng 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%. Đối với lao động nam bằng 45% mức bình quần tiền lương làm căn cứ đóng BHXH quy định tương ứng 20 năm đóng BHXH, sau đó cứ mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%. Trường hợp lao động nam có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm, mức lương hưu hằng tháng bằng 40% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH quy định, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 1%.

Mặt khác, quy định này của Luật BHXH sửa đổi còn hấp dẫn, khuyến khích người lao động duy trì thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu, góp phần giảm số người rút BHXH một lần. Từ đó, tạo cơ hội cho tất cả người lao động khi hết tuổi lao động đều có nguồn thu nhập ổn định từ lương hưu và có thẻ BHYT miễn phí để chăm sóc sức khỏe.

Làm gì khi đóng chưa đủ 15 năm

Thứ nhất, trường hợp người lao động chưa đủ điều kiện nghỉ hưu (chưa đủ 15 năm đóng BHXH) nên tiếp tục tham gia BHXH để có cơ hội được thụ hưởng các quyền lợi cao hơn như: Khi tiếp tục tham gia BHXH, người lao động được hưởng các chế độ với mức hưởng cao hơn do các chế độ đều tính theo thời gian đóng như chế độ ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…

Được hưởng lương hưu với điều kiện dễ dàng hơn (về điều kiện số năm đóng tối thiểu để hưởng lương hưu là 15 năm thay vì 20 năm như quy định hiện hành);

Trong thời gian hưởng lương hưu, người hưởng còn được quỹ BHXH đóng BHYT, chi trả các khoản phí khám bệnh, chữa bệnh để chăm sóc sức khỏe khi về già.

Thứ hai, trường hợp người tham gia BHXH đã đủ tuổi nghỉ hưu (nhưng chưa đủ 15 năm đóng BHXH để hưởng lương hưu) và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, nếu không hưởng BHXH một lần và không bảo lưu thời gian đã đóng BHXH mà có yêu cầu thì được hưởng chế độ như sau: Hưởng trợ cấp hằng tháng từ chính khoản đóng BHXH của mình. Thời gian hưởng, mức hưởng trợ cấp hằng tháng được xác định căn cứ vào thời gian đóng và tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động. Mức trợ cấp hằng tháng thấp nhất bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội.

Trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng, người hưởng được ngân sách nhà nước đóng BHYT; khi chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp một lần cho những tháng chưa nhận và trợ cấp mai táng nếu đủ điều kiện theo quy định.

Giá vàng sáng 14/4 tăng mạnh, vàng miếng SJC lập đỉnh vượt 107 triệu đồng/lượng

Sáng 14/4, giá vàng trong nước đồng loạt tăng mạnh, vàng miếng SJC thiết lập đỉnh mới, vượt 107 triệu đồng/lượng.

Mở cửa phiên sáng đầu tuần, Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 104,5 - 107 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 1.500.000 đồng/lượng ở chiều mua vào, và tăng 500.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với giá chốt phiên cuối tuần trước. Đây là mức bán ra vàng miếng SJC cao nhất trong lịch sử.

Trong khi đó, giá vàng nhẫn tròn trơn giao dịch tại Bảo Tín Minh Châu ở mức 102,1 - 105,6 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 500.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào, bán ra so với giá chốt phiên cuối tuần qua.

Tại các thương hiệu vàng khác như Công ty CP Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, nhẫn tròn trơn giao dịch quanh mức 101,2 - 104,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra); Công ty CP đầu tư vàng Phú Quý giao dịch vàng nhẫn ở mức 101,4 - 104,9 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Các chuyên gia tài chính lưu ý người mua vàng thời điểm này cần theo dõi sát thị trường trước khi quyết định mua vào, vì hiện nay chênh lệch mua vào - bán ra ở mức cao, gần 3 triệu đồng/lượng, đẩy rủi ro về phía người mua vàng. Bên cạnh đó, khi nhu cầu mua vàng tăng, số lượng bán có hạn, sẽ xuất hiện tình trạng lừa đảo, bán vàng giả để chuộc lợi.

Trong sáng 14/4 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới có lúc giảm về mức 3.212 USD/Ounce, sau đó bật tăng trở lại. Lúc 9 giờ, vàng thế giới giao dịch ở mức 3.240 USD/Ounce, nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, mỗi lượng vàng thế giới hiện có giá khoảng 101,2 triệu đồng/lượng. Như vậy, giá vàng miếng trong nước vẫn cao hơn giá vàng thế giới khoảng 6 triệu đồng/lượng.

Trong tuần trước, giá vàng thế giới đã thiết lập đỉnh lịch sử mới, vượt mức 3.200 USD/Ounce khi tâm lý lo sợ về cuộc chiến thương mại toàn cầu tăng cao sau quyết định áp thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump, khiến giới đầu tư đổ xô vào vàng để tìm nơi trú ẩn an toàn.

Theo các chuyên gia tài chính ngân hàng, đồng USD đang có xu hướng giảm và những bất ổn sẽ hỗ trợ vàng trong thời gian tới, tuy nhiên, vàng cũng không tránh khỏi một đợt chốt lời trong ngắn hạn.

Tuần này, thị trường sẽ tập trung vào diễn biến các cuộc họp chính sách cũng như quyết định của các Ngân hàng Trung ương. Ngoài ra, giới đầu tư cũng chờ đợi những phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell tại Câu lạc bộ Kinh tế Chicago để biết thêm về đường hướng chính sách của Ngân hàng Trung ương Mỹ.

TP Hồ Chí Minh: Đã xác minh được danh tính người đàn ông “hít xà đơn” trên tàu metro số 1

Chú thích ảnh
Người đàn ông đu người "hít xà đơn" trên tàu metro số 1 vào chiều ngày 12/3 gây bức xúc trong dư luận. Ảnh:PC08

Công an TP Hồ Chí Minh cho biết hiện đã xác minh được danh tính người đàn ông đu người "hít xà đơn" trên toa tàu metro số 1 xảy ra hồi tháng 3/2025, đồng thời cho biết sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngày 14/4, đại diện Phòng Cảnh sát giao thông (PC08) Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, vụ việc xảy ra khoảng 17 giờ 10 phút ngày 12/3, trên chuyến tàu hướng từ ga Nhà hát Thành phố (Quận 1) đến ga Bình Thái (thành phốThủ Đức). Một người đàn ông đã bất ngờ đu bám lên tay nắm và thanh sắt trên trần toa để thực hiện động tác "hít xà đơn". Dù nhiều hành khách đã lên tiếng nhắc nhở, người này vẫn tiếp tục hành động gây khó chịu, nguy hiểm cho những người xung quanh.

Ngay khi nắm được thông tin phản ánh, PC08 đã phối hợp với Công an phường Trường Thọ (thành phố Thủ Đức) tiến hành xác minh. Qua đó, xác định được hành khách nói trên tên N.V.T.T (SN 1989, ngụ tại thành phố Thủ Đức), hiện đang định cư tại nước ngoài.

Theo PC08, việc ông T. có hành động đu treo cơ thể trên thanh dọc sát trần toa tàu metro số 1 khi tàu đang vận hành, là hành vi “gây rối trật tự công cộng”. Tuy nhiên, do ông T. đã rời Việt Nam sau sự việc, cơ quan Công an chưa thể làm việc với đối tượng. Khi người này nhập cảnh trở lại, sẽ bị mời làm việc và xử lý theo quy định pháp luật.

PC08 cũng cảnh báo việc "hít xà đơn" trên tàu metro là hành vi thiếu ý thức, gây nguy hiểm cho bản thân và người xung quanh. Trong trường hợp tàu phanh gấp, hành vi này có thể dẫn đến chấn thương nghiêm trọng, thậm chí gây tai nạn cho các hành khách khác.

Ngoài ra, các thiết bị như tay vịn, thanh nắm trên tàu được thiết kế để hỗ trợ hành khách giữ thăng bằng, không phải để trình diễn hay tập thể dục. Việc sử dụng sai mục đích không chỉ gây mất an toàn mà còn có thể làm hỏng thiết bị, ảnh hưởng đến tài sản công.

Theo cơ quan chức năng, các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông trên phương tiện công cộng sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ. Việc tuân thủ các quy định không chỉ giúp đảm bảo an toàn cá nhân mà còn góp phần xây dựng hình ảnh đô thị văn minh, hiện đại.

Dân số Nhật Bản giảm mạnh nhất kể từ năm 1950

Ngày 14/4, Chính phủ Nhật Bản công bố dân số nước này đã giảm xuống còn 120,3 triệu người tính đến tháng 10/2024, giảm kỷ lục 898.000 người so với năm trước. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ khi có dữ liệu so sánh được vào năm 1950.

Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản cho biết tổng dân số nước này, bao gồm cả cư dân nước ngoài, cũng giảm 550.000 người xuống còn 123,8 triệu người tính đến ngày 1/10/2024, đánh dấu năm thứ 14 liên tiếp giảm.

Sự suy giảm này chủ yếu do già hóa dân số và tỷ lệ sinh sản thấp.

Sự sụt giảm mạnh nhất về dân số Nhật Bản xảy ra khi số người trong độ tuổi từ 14 trở xuống giảm 343.000 xuống còn 13,83 triệu người, chiếm mức thấp kỷ lục là 11,2% tổng dân số.

Ngược lại, dân số từ 65 tuổi trở lên tăng 17.000 lên 36,24 triệu người, đạt mức cao kỷ lục là 29,3%. Dân số trong độ tuổi lao động, hoặc những người từ 15 đến 64, đã giảm 224.000 xuống còn 73,73 triệu người, chiếm 59,6%./.

Thainguyentv.vn

Tin mới hơn

Tin 24h ngày 26/4/2025

Miền Bắc hửng nắng trước khi đón không khí lạnh yếu

Tin 24h ngày 25/4/2025

Sau 2 lần tổng hợp luyện, tối ngày 25/4, trên tuyến đường Lê Duẩn, Quận 1, TP.HCM sẽ diễn ra buổi sơ duyệt diễu binh, diễu hành cấp Nhà nước chuẩn bị cho đại lễ 30/4 sắp tới.

Tin 24h ngày 24/4/2025

Chủ tịch nước Lương Cường đến Viêng Chăn, bắt đầu thăm cấp Nhà nước đến Lào.

Tin 24h ngày 23/4/2025

* Danh sách 12 loại sữa được xác định là hàng giả

Tin 24h ngày 22/4/2025

Ngày 22/4, cả nước nắng nóng, chiều tối có mưa

Tin bài khác

Tin 24h ngày 21/4/2025

Tin 24h ngày 21/4/2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có công điện gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội tháng 5 năm 2025.
Tin 24h ngày 20/4/2025

Tin 24h ngày 20/4/2025

Chỉ đạo mới nhất về tổ chức chính quyền 2 cấp
Tin 24h ngày 19/4/2025

Tin 24h ngày 19/4/2025

Bộ Y tế cho biết, hầu hết các tỉnh có số mắc tăng nằm ở khu vực phía Bắc. Độ tuổi mắc bệnh đã bắt đầu có sự thay đổi theo nhóm tuổi sau thời điểm hạn kết thúc chiến dịch tiêm vaccine.
Tin 24h ngày 18/4/2025

Tin 24h ngày 18/4/2025

Một cán bộ Công an Quảng Ninh hy sinh khi triệt phá đường dây ma túy lớn
Tin 24h ngày 17/4/2025

Tin 24h ngày 17/4/2025

* Giá vàng thế giới lập đỉnh mới, tiệm cận mốc 3.333 USD/ounce
Xem thêm

Đọc nhiều

Cách dịch biển số xe xấu-đẹp tại Việt Nam

Cách dịch biển số xe xấu-đẹp tại Việt Nam

Có rất nhiều cách luận biển số tại Việt Nam, trong đó dựa trên phát âm và giá trị là hai cách phổ biến nhất. Quan niệm xấu, đẹp về biển số tại Việt Nam có ...
Tự soi mình theo Nghị quyết Trung ương 4 để liên hệ, kiểm điểm, khắc phục

Tự soi mình theo Nghị quyết Trung ương 4 để liên hệ, kiểm điểm, khắc phục

Vì sinh mệnh chính trị của Đảng, vì sự nghiệp đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, các cấp ủy đảng từ Trung ương ...
[Megastory] Phát hiện 11 ca nhiễm COVID-19, Thái Nguyên nâng cao các giải pháp ứng phó

[Megastory] Phát hiện 11 ca nhiễm COVID-19, Thái Nguyên nâng cao các giải pháp ứng phó

Trong 3 ngày qua, Thái Nguyên phát hiện 11 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, gồm 3 trường hợp tại huyện Đồng Hỷ (ngày 31/10, cách ly từ khi trở về Thái Nguyên), 8 trường ...
Khu cách ly tập trung đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên sẵn sàng hoạt động

Khu cách ly tập trung đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên sẵn sàng hoạt động

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona gây ra,cùng với cả nước, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ ...
Thái Nguyên: 99 ca nghi nhiễm Covid-19, ghi nhận 57 ca mắc Covid-19 (ngày 30/11)

Thái Nguyên: 99 ca nghi nhiễm Covid-19, ghi nhận 57 ca mắc Covid-19 (ngày 30/11)

Thái Nguyên công bố 99 ca nhiễm Covid-19 mới, cập nhật sáng 30/11. Tổng số ca mắc Covid-19 lũy tích từ 01/01/2021 đến nay: 410 ca
Xem trên
Khai mạc Giải Đua thuyền truyền thống và Giải Ván chèo đứng Quốc gia năm 2025

Khai mạc Giải Đua thuyền truyền thống và Giải Ván chèo đứng Quốc gia năm 2025

Ngày 26-4, tại Khu Du lịch Hồ Núi Cốc, Cục Thể dục Thể thao Việt Nam (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), Liên đoàn Đua thuyền Việt Nam phối hợp với UBND ...
[Photo] Thái Nguyên rực rỡ cờ hoa mừng đại lễ 30/4

[Photo] Thái Nguyên rực rỡ cờ hoa mừng đại lễ 30/4

Hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), những ngày này, khắp các tuyến phố, khu dân cư, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Thái ...
[Photo] Giao lưu võ thuật Việt Nam - Triều Tiên và Khai mạc Giải Vô địch các Câu lạc bộ Võ cổ truyền quốc gia

[Photo] Giao lưu võ thuật Việt Nam - Triều Tiên và Khai mạc Giải Vô địch các Câu lạc bộ Võ cổ truyền quốc gia

Tại Nhà Thi đấu Thể dục Thể thao tỉnh Thái Nguyên, Cục Thể dục Thể thao phối hợp với Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ...
[Photo] Độc đáo quy trình làm trà ướp hoa sói

[Photo] Độc đáo quy trình làm trà ướp hoa sói

Với mong muốn đa dạng các sản phẩm trà, bên cạnh các sản phẩm trà truyền thống, người dân trồng và chế biến chè Thái Nguyên đã học hỏi kinh nghiệm, sáng tạo và đưa ...
[Photo] Khởi công gói thầu số 2 - Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Sông Công II giai đoạn 2

[Photo] Khởi công gói thầu số 2 - Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Sông Công II giai đoạn 2

Ngày 19/4, Tổng Công ty Viglacera - CTCP tổ chức Lễ khởi công gói thầu số 2 - Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) ...
[Photo] Những hình ảnh tại Lễ khởi công Dự án khu công nghiệp Yên Bình 3

[Photo] Những hình ảnh tại Lễ khởi công Dự án khu công nghiệp Yên Bình 3

Sáng ngày 19/4/2025, tại huyện Phú Bình diễn ra Lễ động thổ Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Yên Bình 3. Đây là một trong ...
[Photo] Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng Đại học Thái Nguyên - Bước III giai đoạn 2021-2025

[Photo] Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng Đại học Thái Nguyên - Bước III giai đoạn 2021-2025

Sáng 19/4, tại điểm cầu trung tâm Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TPHCM), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì lễ khởi công, khánh thành các công ...