Gắn bó với nghề trồng đào hơn 20 năm nay, theo anh Lê Quý Long ở tổ 7 phường Cam Giá, TP. Thái Nguyên trồng đào tuy vất vả, phụ thuộc nhiều vào thời tiết nhưng so với trồng rau màu thì thu nhập cao hơn nhiều lần. Với trên 4000 mét vuông diện tích trồng đào, và hơn 200 cây đào cổ thụ, đào thế, đào bonsai… mỗi năm, gia đình anh thu về hàng trăm triệu đồng.Cùng với những kinh nghiệm trồng, chăm sóc hoa đào, anh Long đã đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị của sản phẩm.

Phát triển thương hiệu đào Cam Giá
Đến nay, làng nghề trồng đào Cam Giá đã phát triển lên trên 200 hộ trồng, kinh doanh hoa đào với diện tích 15 ha

Anh Lê Quý Long, tổ 7, phường Cam Giá, TP Thái Nguyên cho biết: "Cây đào nhà tôi vẫn nở theo chu kì phục vụ bà con đón xuân"

Những năm gần đây, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, hoạt động kinh doanh của bà con cũng gặp không ít khó khăn nhưng người trồng đào vẫn nỗ lực vượt khó, thích ứng để kinh doanh đạt hiệu quả. Ngoài giống đào của địa phương, người trồng đào ở Cam Giá còn đi các tỉnh vùng sâu, vùng xa như: Cao Bằng, Sơn La, Lạng Sơn… để mua những gốc đào rừng về tiến hành ghép mắt đào phai, đào bích cung cấp cho thị trường. Tiếp tục mở rộng quy mô trồng đào, quảng bá thương hiệu đào Cam Giá rộng rãi đến thị trường trong nước là mục tiêu mà các hộ trồng đào hướng đến. Anh Lê Mạnh Hùng, tổ 8 phường Cam Giá, TP Thái Nguyên cho biết thêm: " Bà con trong làng đào rất mong chính quyền quan tâm phát triển rộng rãi ra các tỉnh lân cận nhiều hơn nữa"

Đến nay, Làng nghề đã phát triển lên trên 200 hộ trồng, kinh doanh hoa đào với diện tích 15ha, tạo việc làm cho trên 700 lao động trực tiếp và 600 lao động thời vụ. Từ năm 2016, hoa đào ở đây được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể “Hoa đào Cam Giá”; từ năm 2017 đến năm 2020, hoa đào Cam Giá được Hội Nông dân tỉnh công nhận là sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu. Tại làng nghề hiện có những cây đào cổ thụ được bán với giá vài chục triệu đồng/cây. Với sự cố gắng nỗ lực của mỗi thành viên trong Làng nghề đã góp phần đưa hoa đào trở thành cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế cao tại địa phương, góp phần nâng cao đời sống người dân. Bà Nguyễn Thị Loan, chủ tịch Hội nông dân phường Cam Giá, TP Thái Nguyên chia sẻ: " Hàng năm chúng tôi phối hợp với trung tâm dịch vụ nông nghiệp thành phố, phòng kinh tế thành phố, các hợp tác xã tổ chức tập huấn cho bà con kĩ thuật chăm sóc và phát triển hoa đào. Từ hộ khó khăn về kinh tế đã vươn lên để thoát nghèo. Mong là các cấp các ngành quan tâm tổ chức chợ hoa để nhân dân có nơi để tiêu thụ hoa đào trong dịp giáp Tết"

Với người trồng đào, dịp Tết là thời điểm quan trọng nhất trong năm để thu về thành quả của một năm lao động miệt mài vất vả. Nhưng ẩn bên trong sự vất vả đó là hy vọng, niềm vui khi những cây đào hứa hẹn mang lại một mùa bội thu.