Phát triển hạ tầng giao thông gắn với vùng thủ đô Hà Nội
Thị xã Phổ Yên đã và đang tập trung các nguồn lực từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông |
Xác định giao thông là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, thị xã Phổ Yên đã tập trung huy động các nguồn lực từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông. Hiện nay, ngoài cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đi qua với chiều dài 18 km; Quốc lộ 3 (cũ) dài 18 km, trên địa bàn thị xã còn có trên 47 km đường tỉnh lộ; trên 72 km đường do địa phương quản lý; gần 300 km đường xã và gần 100 km đường liên thôn, xóm…Kết cấu hạ tầng giao thông từng bước được hoàn thiện đã giúp người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong việc thúc đẩy sản xuất kinh doanh và thu hút đầu tư.
Ông Bùi Văn Lương, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Phổ Yên cho biết: “ Xây dựng các công trình, dự án giao thông, kết nối liên vùng do vậy trách nhiệm của thị xã Phổ Yên sẽ phối hợp với các ngành, tham mưu cho tỉnh, tập trung tranh thủ các nguồn vốn trong tổ chức thực hiện các nội dung.”
Dự án đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội đang được tập trung thực hiện, là công trình giao thông trọng điểm của Thái Nguyên |
Một điểm nhấn quan trọng trong phát triển giao thông của Thái Nguyên giai đoạn 2015-2020 đó là dự án đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội. Đây là công trình giao thông trọng điểm của địa phương, sau khi hoàn thành sẽ là trục liên kết Khu tổ hợp Yên Bình với quốc lộ 37 và cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, rút ngắn quãng đường từ huyện Phú Bình xuống đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên hiện gần 30 km sẽ còn 10 km.
Ông Dương Đại Đồng, Trưởng Ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng huyện Phú Bình cho biết: “100% các hộ dân của đường vành đai 5 vùng thủ đô Hà Nội đã nhận tiền, hiện nay còn 4 hộ nữa chưa có lộ trình bàn giao cho chủ đầu tư, chúng tôi sẽ đốc thúc các hộ di chuyển ra khu tái định cư và làm nhà tạm để di chuyển, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư theo đúng kế hoạch đã đề ra.”
Đến nay Thái Nguyên có trên 4.800 km đường bộ, với nhiều dự án giao thông quan trọng |
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, trong 5 năm qua, tổng nguồn vốn huy động thực hiện các dự án đầu tư công của ngành Giao thông tỉnh Thái Nguyên là trên 1.200 tỷ đồng; chiều dài đường bộ tăng từ trên 4.400 km trong năm 2004 lên trên 4.800 km hết năm 2020. Ngoài dự án đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội đang gấp rút được hoàn thành, nhiều dự án quan trọng đã được triển khai như: đường 47m, đường gom nối Khu công nghiệp Yên Bình và Khu công nghiệp Điềm Thụy, đường 36 m từ nút giao Sông Công vào KCN Sông Công II và nhiều dự án nâng cấp, cải tạo các tuyến tỉnh lộ, đường nội thị đã góp phần kết nối giao thương trong và ngoài tỉnh, đưa Thái Nguyên trở thành một trong những điểm sáng về thu hút đầu tư.
Ông Đoàn Như Hải, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Technology Thái Nguyên cho biết: “Chúng tôi đã đầu tư vào Thái Nguyên từ năm 2016, mạng lưới giao thông nối các tỉnh khác như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Phòng,...đều khá thuận tiện.”
Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020- 2025 xác định: tỉnh sẽ tập trung phát triển hạ tầng giao thông và khu công nghiệp gắn kết với sự phát triển của vùng thủ đô Hà Nội. Đây là một chủ trương lớn và cần sớm được hiện thực hóa. Do vậy, tỉnh cần tiếp tục có những chính sách để thu hút đầu tư các dự án giao thông cũng như phát triển hạ tầng giao thông mang tính chất liên kết vùng, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2030./.