Phát huy giá trị văn hóa tết hàn thực trong văn hóa người Việt
Nhịp sống hiện đại, bận rộn nên Tết Hàn thực, nhiều gia đình chọn mua bánh trôi, bánh chay làm sẵn

Theo nghĩa chữ Hán, tết hàn thực nghĩa là tết ăn đồ lạnh. Phong tục cổ truyền này có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tuy nhiên, khác với Tết Hàn thực ở Trung Quốc, Tết Hàn thực của người Việt luôn có nét riêng, mang đậm bản sắc dân tộc. Vào ngày mùng 3/3 âm lịch hằng năm, người dân đều ăn đồ nấu chín để nguội với tấm lòng thành kính nhất nhằm tưởng nhớ đến công ơn tổ tiên.

Bà Vũ Thị Hoa, phường Tân Long, thành phố Thái Nguyên cho biết: “Năm nào cũng vậy, cứ đến mùng 3 tháng 3 cứ tổ chức như này để con cháu tập trung cho vui. Mình chuẩn bị làm trước rồi ra mộ thắp hương, mời các cụ về ăn thanh minh mùng 3, tháng 3”.

Trước đây, Tết Hàn thực được các gia đình tự tay xay gạo và làm bánh tại nhà. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại bận rộn như ngày nay thì nhiều người đa phần sẽ lựa chọn đi mua bánh trôi bánh chay. Từ sáng sớm. Không đơn thuần là những loại bánh quen thuộc trong tết Hàn thực, với mỗi người Việt, bánh trôi, bánh chay còn là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp luôn được trân trọng, gìn giữ và phát huy.

Phát huy giá trị văn hóa tết hàn thực trong văn hóa người Việt
Bánh trôi, bánh chay là vật phẩm dâng cúng, tưởng nhớ ông bà, tổ tiên của nhiều gia đình Việt trong ngày 3 tháng 3 âm lịch

Bà Phạm Thị Hoa Xuân, Phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên chia sẻ: “Ngày này là tôi đi mua bột về để làm cho con cái, họ hàng quây quần vui vẻ”.

Bà Nguyễn Thị Hương, Phường Quang Vinh, thành phố Thái Nguyên thì cho rằng: “Ngày này như là ngày tết cổ truyền rồi. Nó là ngày gặp mặt con cháu, ông bà, tổ tiên. Ngày gặp mặt vui vẻ”.

Không chỉ với người lớn, hoạt động tổ chức tết hàn thực cho các em nhỏ ngay tại bậc học mầm non cũng được các trường quan tâm. Những giờ học ngoại khóa này góp phần giáo dục trẻ về những nét văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Là cơ hội để trẻ được trải nghiệm thực tế với các các sự vật, hiện tượng, sự kiện gần gũi xung quanh khi chính tay các em tạo ra những chiếc bánh trôi, bánh chay.

Cô giáo Trần Thị Hồng Hạnh, Hiệu trưởng Trường mầm non Quang Trung, thành phố Thái Nguyên thông tin về ngày này trong kế hoạch giáo dục của nhà trường: “Ngay từ đầu năm học, khi xây dựng kế hoạch giáo dục thì Ban giám hiệu đã tư vấn cho giáo viên đưa các ngày hội, ngày lễ vào để đưa các kỹ năng đơn giản vào trong các hoạt động giáo dục trẻ. Và một trong số đó có tết Hàn thực”.

Tết Hàn thực là nét đẹp truyền thống này đã ăn sâu vào tiềm thức người Việt. Đây không chỉ là một nét đẹp văn hóa mà còn là nét đẹp trong nghệ thuật ẩm thực, có giá trị lớn lao về tinh thần, rất cần được các thế hệ người Việt tiếp tục gìn giữ và phát huy.