peru khong chap thuan viec pho tong thong araoz xin tu chuc

Phó Tổng thống Peru Mercedes Araoz. (Nguồn: Reuters)

Việc Phó Tổng thống Peru Mercedes Araoz xin từ chức sẽ không được chấp thuận bởi vì nhà lãnh đạo này đã đệ trình đơn từ chức lên một quốc hội “không còn tồn tại,” sau khi cơ quan lập pháp này đã bị tổng thống tuyên bố giải tán để tổ chức một cuộc bầu cử mới.

Phát biểu ngày 2/10, Thủ tướng Peru Vicente Zeballos nêu rõ xét về khía cạnh chính trị và hiến pháp, bà Araoz vẫn là Phó Tổng thống Peru và hiện chỉ còn một ủy ban thường trực hoạt động hợp pháp cho tới khi diễn ra cuộc bầu cử quốc hội mới.

Chủ tịch Quốc hội Pedro Olaechea không có quyền xem xét đơn từ chức của bà Araoz kể từ sau khi Tổng thống Martin Vizcarra quyết định chấm dứt vai trò của cơ quan lập pháp này.

Cũng theo Thủ tướng Zeballos, Tổng thống Vizcarra vẫn mong muốn giữ quan hệ tốt và đối thoại thẳng thắn với Phó Tổng thống Araoz bất chấp việc bà này đã nhậm chức “Tổng thống lâm thời” theo đề nghị của quốc hội trong ngày cơ quan này bị giải thể và tự tổ chức bỏ phiếu đình chỉ chức vụ của tổng thống.

Trước đó, Phó Tổng thống Araoz đã đệ đơn xin từ chức lên Chủ tịch Quốc hội Olaechea vì cho rằng trật tự hiến pháp đã bị phá vỡ và bày tỏ hy vọng quyết định của mình sẽ mở đường cho một cuộc tổng tuyển cử trong thời gian sớm nhất vì sự ổn định của đất nước.

Bà Araoz cũng xin từ chức “Tổng thống lâm thời” và thừa nhận đã nhậm chức trong một hoạt động mang tính chính trị chứ không có hiệu lực trong việc điều hành đất nước.

Chính trường Peru đã rơi vào khủng hoảng trong bối cảnh mâu thuẫn giữa Tổng thống Vizcarra với phe đối lập leo thang nghiêm trọng, đỉnh điểm là việc ông Vizcarra tuyên bố giải tán quốc hội vì lý do cơ quan này "bất tuân" những cảnh báo của ông và phe đối lập đã đáp trả bằng việc đình chỉ chức vụ tổng thống.

Phe đối lập nhất trí đề cử Phó Tổng thống Araoz nhậm chức "Tổng thống lâm thời" với lập luận điều này theo đúng quy định của hiến pháp. Trong khi đó, ông Vizcarra cáo buộc phe đối lập lợi dụng quốc hội và tòa án để né tránh các cuộc điều tra hình sự nhằm vào họ.

Việc giải tán quốc hội đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân Peru khi các nghị sỹ bị tình nghi dính líu tới các vụ bê bối tham nhũng và nhận hối lộ, làm xói mòn niềm tin của công chúng đối với các đảng chính trị và thể chế. Tuy nhiên, hàng chục thành viên của đảng đối lập cho rằng đây là "cuộc đảo chính" và từ chối rời khỏi quốc hội./.

Hoài Nam (TTXVN/Vietnam+)