Ô nhiễm môi trường từ bãi tập kết rác thải
Rác thải sinh hoạt tồn đọng dọc 2 bên tuyến đường 266 (đoạn giữa trung tâm xã Điềm Thụy, huyện Phú Bình)

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của xã hội thì tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt càng trở nên phổ biến. Điềm Thụy là địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất trên địa bàn huyện Phú Bình, trong những năm qua trên địa bàn xã hình thành các khu, cụm công nghiệp thu hút hàng trục nghìn công nhân đến sinh sống và làm việc. Việc tăng dân số cơ học nhanh chóng, trong khi đó việc quy hoạch các bãi tập kết rác thải tập trung tại địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu, khiến cho việc xử lý rác thải sinh hoạt gặp nhiều khó khăn, bất cập. Ngay trên trục đường 266, cách Ủy ban nhân dân xã Điềm Thụy vài trăm mét rác thải chất thành đống tràn cả ra lòng đường khiến cho việc đi lại của mọi người gặp nhiều khó khăn. Không những vậy, mùi hôi thôi từ những đống rác thải bốc lên gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân ở khu xung quanh.

Ô nhiễm môi trường từ bãi tập kết rác thải
Xe chở rác hoạt động hàng ngày nhưng vẫn không giải quyết hết số rác thải bị vứt bừa bãi

Bà Dương Thị Dung, xóm Thuần Pháp, xã Điềm Thụy, huyện Phú Bình phản ánh: “Cuộc họp nào các cô cũng đề nghị lên trưởng xóm, bí thư để đề đạt lên cấp trên để chuyển đống rác này đi, để nơi đồi núi vắng người cơ. Chúng tôi là dân ở sát khu này phải chịu mùi hôi thối, ròi bọ, kể cả phun thuốc cũng không khử trùng được hết”.

Để khắc phục tình trạng này, một số người dân địa phương ra cuốc, chôn lấp thậm chí có người còn san lấp đất ở hai bên lề đường để trồng rau tránh việc người dân vứt rác thải bừa bãi. Song xem ra cũng không mấy hiệu quả, bởi lượng rác hàng ngày thải ra môi trường quá lớn.

Bà Dương Thị Thái, Xóm Thuần Pháp, xã Điềm Thụy, huyện Phú Bình cho biết: “Đoạn này, từ hôm người ta khơi mương thì chúng tôi bảo đành trồng cây, trồng rau như này cho người ta đỡ vứt. Sau này nếu mà đường người ta dùng đến mình lại trả. Thời gian vừa rồi thì chúng tôi có thấy công an xã xuống tuần tra, trông nom”.

Theo người dân, tại điểm tập kết rác thải tự phát này mỗi ngày có đến gần 20 xe rác thải được thu gom đưa về đây. Mặc dù chính quyền địa phương đã thành lập tổ thu gom rác, tuy nhiên do số lượng người hạn chế, kinh phí cho việc thu gom ít nên không đáp ứng được, khiến cho lượng rác thải sinh hoạt luôn bị tồn ứ nhiều ngày phát sinh mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường.

Ô nhiễm môi trường từ bãi tập kết rác thải
Người dân hai bên tuyến đường đã từ lâu phải "sống chung với rác"

Theo đại diện lãnh đạo UBND xã Điềm Thụy, hiện nay xã chỉ có thể dành 90 triệu đồng để hợp đồng với Trạm Dịch vụ cấp nước và Môi trường huyện thu gom rác thải tại các điểm với tần suất 15 chuyến xe/tháng. Trung bình 1 chuyến xe chỉ tải được khoảng 6,5 m3 rác, trong khi đó, mỗi ngày tại các điểm tập kết trên có khoảng trên 4 m3 rác thải dồn về... Để khắc phục tạm thời tình trạng ô nhiễm tại các điểm tập kết trên, hằng năm, xã cũng tổ chức nhiều buổi ra quân thu dọn rác thải tại các điểm tập kết. Ngoài ra, xã cũng đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức trong nhân dân; phân công lực lượng trực chốt tại các điểm, qua đó phát hiện, nhắc nhở và xử phạt hành chính một số trường hợp vứt rác trộm, không đúng nơi quy định. Hiện để có thể di dời các điểm tập kết này đến vị trí khác là rất khó khăn, bởi đa phần đất trống trên địa bàn nằm trong quy hoạch các dự án.

Ông Dương Ngọc Thơm, Chủ tịch UBND xã Điềm Thụy, huyện Phú Bình khẳng định: “Chúng tôi đã nhiều lần tổ chức các đợt phát động toàn dân trong đó có “ngày chủ nhật xanh” vào trung tuần hai tháng 1 lần. Ra quân với toàn bộ các ban, ngành, tổ chức hội, đoàn thể và người dân làm sạch đường làng, ngõ xóm, xây dựng lò đốt rác tại gia đình. Tuy nhiên, lượng công nhân ở đây rất lớn, nhiều người còn thiếu ý thức, hay vứt trộm, đổ rác trộm. Việc chuyển địa điểm đổ rác về huyện cũng là một khó khăn với địa phương. Thứ 2 là chúng tôi đã kêu gọi các doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã dùng dùng máy múc rồi xe chuyên dụng chở về huyện. Nhưng với mức độ phát triển bây giờ, mỗi tháng hỗ trợ được 15 xe thì không đảm bảo vận chuyển được hết lượng rác thải cho đến thời điểm này. Về giải pháp, chúng tôi sẽ đề nghị với huyện đầu tư tăng chuyến chở rác, hỗ trợ thêm kinh phí. Vì mỗi năm ngân sách của xã bỏ ra để xử lý rác thải là trên 100 triệu, huyện chỉ cấp bù có 25 triệu. Tiếp nữa chúng tôi sẽ không để các điểm tập kết rác dọc tỉnh lộ. Chúng tôi sẽ đưa vào những nơi đảm bảo xa khu dân cư, và có xe chuyên dụng thu gom định kỳ mỗi ngày”.

Bên cạnh việc cần sớm quy hoạch các khu tập kết rác thải tập trung trên địa bàn xã thì thực tế cũng cho thấy, hiện nay, vẫn còn nhiều người dân chưa có ý thức trong việc bảo vệ môi trường, còn xả rác bừa bãi không đúng nơi quy định. Bởi vậy, ngoài sự nỗ lực nêu trên, thiết nghĩ chính quyền địa thời gian tới cần chú trọng hơn nữa đến công tác giáo dục, tuyên truyền, vận động mọi người dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường./.