Sạt lở bờ sông Cầu ảnh hưởng nhiều hộ dân
Xóm Thanh Đàm có 5 hộ dân đã bị sạt lở đất với chiều dài khoảng 68m; 13 hộ khác có nguy cơ sạt lở với chiều dài khoảng 800m. |
Căn nhà đang trong quá trình xây dựng của gia đình Bà Hoàng Thị Lan ở xóm Thanh Đàm, xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình. Bà Lan cho biết, trước khi sạt lở xảy ra, từ vị trí gia đình xây kè móng bằng bê tông ra đến mép nước sông cầu vẫn còn vài mét bờ sông, nhưng hiện nay toàn bộ phần bờ đã bị trôi mất.
Bà Hoàng Thị Lan lo lắng: "Rơi hết xuống sông độ 5 mét ở sát bờ sông rồi, tôi thấy sốt ruột lắm, nhỡ nó sụt cả nhà xuống".
Ngay sát bên cạnh là khu vực sinh sống của gia đình bà Bà Dương Thị Loan. Sạt lở đã khiến cho một phần đất bãi bị cuốn trôi và nhiều cây lớn bị gẫy đổ. Hiện nay vị trí sạt lở đã tiến sát đường vào và chuồng trại chăn nuôi của gia đình bà Loan.
Bà Dương Thị Loan, xóm Thanh Đàm, xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình: "Tôi không nghĩ nó sạt lở ghê gớm thế này, vừa rồi nhà tôi phải chặt cây, cưa hết ngọn cây vì sợ mưa nữa cây nó bảy hết vào bờ tường nhà người ta. Tôi nghĩ nếu mà vài trận mưa to như này nữa thì không có cả nhà mà ở...".
Vị trí sạt lở nguy hiểm nhất là khu vực nhà ông Hoàng Công Hưng, cũng ở xóm Thanh Đàm, đợt nước lớn vừa qua một phần kè bê tông phía dưới khu vực sinh sống của gia đình đã bị sạt lở. Hiện nay phần nền của sân có một số vị trí đã xuất hiện vết nứt.
Ông Hoàng Công Hưng, xóm Thanh Đàm, xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình: "Tôi đổ được cái bờ dưới xong để ngăn cái bờ trên để cho đất ở vườn nó khỏi xô xuống, thế nhưng trận mưa lũ vừa rồi đã lở mất một nửa cái bờ xây rồi. Chúng tôi cũng mong muốn được Nhà nước hỗ trợ, chúng tôi cũng xin cảm ơn".
Vị trí sạt lở nguy hiểm nhất ở xóm Thanh Đàm là khu vực nhà ông Hoàng Công Hưng - một phần kè bê tông phía dưới khu vực sinh sống của gia đình đã bị sạt lở |
Tại xóm Thanh Đàm có 5 hộ dân đã bị sạt lở đất với chiều dài khoảng 68m. Ngoài ra, còn 13 hộ gia đình khác có nguy cơ sạt lở với chiều dài khoảng 800m.
Ông ông Lê Văn Khanh, Trưởng xóm Thanh Đàm, xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình kiến nghị: "Bà con nhân dân ở đây ở sát bờ sông là rất khó khăn, dưới có một ít gành thôi còn chủ yếu trên là đất mượn hết. Khi bà con làm nhà cách bờ sông thì cũng tin tưởng là ổn định, thế mà bây giờ hàng cây cũng không trụ được nữa... cũng mong muốn Nhà nước có có phương án xử lý để cho bà con nhân dân yên tâm".
Ngoài khu vực xóm Thanh Đàm, trên địa bàn xóm Nón xã Nhã Lộng cũng có 13 hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở với tổng chiều dài khoảng 750m. Trước việc sạt lở xảy ra tại nhiều vị trí và còn có nguy cơ tiếp diễn, UBND xã Nhã Lộng đã xây dựng phương án kế hoạch phòng chống thiên tai. Trong đó xác định 2 xóm có nguy cơ sạt lở kéo dài khoảng 1.400m, làm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của 51 hộ. Xã đã có kế hoạch Bố trí khu vực nhà văn hóa xóm Hanh, xóm Nón và UBND xã cũ để di tản người dân, sẵn sàng huy động khoảng hơn 100 người từ các tổ chức đoàn thể và nhân dân các xóm lân cận tham gia ứng cứu, sẵn sàng 10 xe ô tô, 5 thuyền máy, 20 thuyền nhỏ phục vụ hỗ trợ khi có tình huống xảy ra.
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình kiến nghị: "Địa bàn Thanh Đàm trước đây cũng sạt lở nhưng không nghiêm trọng như năm nay. Năm nay đợt mưa tháng 7 sạt lở rất nhiều và diễn biến liên tục. Chúng tôi đã có báo cáo lãnh đạo UBND huyện và Phòng Nông nghiệp, chính quyền địa phương có kiến nghị là các cấp có thẩm quyền xem xét nguồn kinh phí đầu tư hỗ trợ để kè bờ sông thì mới ổn định lâu dài được cho nhân dân".
Hiện nay ở các khu vực sạt lở UBND xã Nhã Lộng đã cho cắm biển, căng dây và tuyên truyền vận động người dân tránh xa các vị trí đã sạt lở để phòng tránh tai nạn. Xã cũng tuyên truyền người dân nâng cao cảnh giác, theo dõi sát diễn biến của thời tiết và mức nước sông Cầu, nếu mực nước tiếp tục dâng cao thì chủ động sơ tán người và tài sản tránh xa các vị trí sạt lở, hạn chế thấp nhất những thiệt hại mà thiên tai có thể gây ra./.