Ô nhiễm môi trường nguồn nước thải sinh hoạt
Mương nước thải sinh hoạt chảy qua xóm Thành Lập bị ô nhiễm nặng

“Xóm thối” đó là 2 từ mà người dân thuộc tổ dân phố Thành Lập, phường Ba Hàng, thị xã Phổ Yên tự nhìn nhận về nơi mình đang sinh sống. Sở dĩ như vậy là do mương nước thải sinh hoạt chảy qua xóm bị ô nhiễm nặng bốc mùi hôi thối không thể chịu được.

Hầu hết các nhà của các hộ dân sinh sống ở khu vực này đều phải làm 2 lớp cửa, lớp ngoài cửa gỗ lớp trong cửa kính kín nhằm ngăn mùi hôi thối của mương nước thải xâm nhập vào trong. Cũng theo người dân nơi đây cho biết mặc dù người dân đã có nhiều ý kiến lên chính quyền thị trấn, thị xã và cả tỉnh nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Ông Lê Đắc Sửu, tổ dân phố Thành Lập, phường Ba Hàng, thị xã Phổ Yên phản ánh: “Trước kia, con mương này nước rất sạch. Từ ngày có nhà làm bún, đậu, cứ xả thẳng vào mương khiến ô nhiễm, hôi thối. Mong cơ quan chức năng xem xét, chấn chỉnh để khu vực này sớm sạch sẽ, người dân có cuộc sống tốt hơn”.

Theo người dân thì việc ô nhiễm môi trường này là do một số hộ dân khu vực đầu nguồn dòng mương nước thải thuộc địa phận xã Hồng Tiến có thực hiện sản xuất đậu và bún xả thải trực tiếp không qua xử lí xuống cống nước thải và thải thẳng ra mương gây ra mùi thối cực kì khó chịu. Thậm chí thời gian gần đây sự ô nhiễm mùi còn có chiều hướng gia tăng hơn nữa

Ông Lê Đắc Thắng, tổ dân phố Thành Lập, phường Ba Hàng, thị xã Phổ Yên kiến nghị: “Bây giờ nước mương đen rồi. Nhà dân chúng tôi ở đây không thể chịu được mùi này gây ô nhiễm môi trường. Vật nuôi cũng bị ảnh hưởng nữa là người. Dân chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều lên các cấp”.

Chị Lê Thị Thủy, tổ dân phố Thành Lập, phường Ba Hàng, thị xã Phổ Yên đề nghị: “Mong cơ quan cấp trên quan tâm đến cuộc sống của người dân chúng tôi, giúp chúng tôi cải thiện con mương hay là giải pháp làm như thế nào thể môi trường trong lành như 7 năm về trước, cuộc sống mới dễ thở hơn”.

Nguồn nước thải ô nhiễm chảy qua khu dân cư Thành lập và đổ ra cách đồng trong xóm Thành Lập khiến các hộ dân canh tác nơi đây bị thiệt hại nặng, việc sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng, năng suất sản lượng bị giảm sút, thậm chí không cho thu hoạch. Nhiều hộ dân có ruộng đất nhưng không trồng cây được phải bỏ hoang do ô nhiễm nguồn nước.

Ông Lê Đắc Sửu, Tổ dân phố Thành Lập, phường Ba Hàng, thị xã Phổ Yên cho rằng: “Chính vì mương nước bẩn này mà cả một cánh đồng bỏ không. Người dân chỉ trông vào nông nghiệp. Mong nhà chức trách quan tâm giải quyết cho người dân”.

Qua tìm hiểu được biết hiện đầu nguồn của mương nước thải này có 2 hộ sản xuất đậu và bún. Đặc biệt, hộ sản xuất đậu của gia đình ông bà Liệu Bình thuộc xóm Ấm, xã Hồng Tiến mỗi ngày sản xuất hàng trăm cân đậu phụ. Nước thải của cơ sở sản xuất này lại thải trực tiếp ra cống thoát nước gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Ô nhiễm môi trường nguồn nước thải sinh hoạt
Nguyên nhân ô nhiễm của mương nước là do các cơ sở sản xuất bún, đậu, bánh cuốn xả thải

Ngoài ra còn cơ sở sản xuất bún và bánh cuốn của ông Đồng Văn Mười tại xóm Diện, xã Hồng Tiến trung bình mỗi ngày sản xuất 3 tạ bún và 2 tạ bánh cuốn. Mặc dù có hệ thống bể lọc nhưng cũng thải nước thải có mùi hôi thối ra công ngầm gây ô nhiễm môi trường khu dân cư nơi hệ thống nước thải này chảy qua.

Đặc biệt cả 2 cơ sở sản xuất này đều là 2 cơ sở kinh doanh có điều kiện phải được đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, 2 cơ sở này chưa có bất kỳ giấy tờ gì liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường trong sản xuất.

Làm việc với UBND xã Hồng Tiến, thị xã Phổ Yên được biết chính quyền xã cũng chỉ mới nắm bắt được vấn đề này và sẽ cho kiểm tra để có những biện pháp xử lý kịp thời

Ông Nguyễn Văn Chinh, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Tiến, thị xã Phổ Yên thông tin: “Nội dung mà nhân dân phản ánh chúng tôi sớm cử cán bộ chuyên môn về kiểm tra ô nhiễm môi trường. Chúng tôi sẽ sớm thống kê số hộ làm nghề và sớm xử lý sự việc này”.

Việc phát triển tiểu thủ công nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh, kinh tế hộ gia đình nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân đang được Đảng và Nhà nước ta khuyến khích và tạo điều kiện về mọi mặt.

Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất theo kinh tế hộ gia đình cũng cần đặc biệt lưu ý đến việc tuân thủ các quy định về pháp luật, nhất là vấn đề bảo vệ môi trường, đảm bảo vừa phát triển kinh tế hộ vừa bảo vệ môi trường cộng đồng xung quanh. Có như vậy, mới thực hiện được mục tiêu văn minh đô thị, phát triển kinh tế một cách an toàn, bền vững./.