Nỗi niềm giáo viên hợp đồng trước thềm năm học mới
Nỗi lo thấp thỏm khi công việc không ổn định khiến chị Ứng Thị Quyên không yên tâm khi gắn bó với nghề.

Nhiều năm giảng dạy ở Trường Mầm non Động Đạt, huyện Phú Lương, nhưng hơn lúc nào hết nỗi lo thấp thỏm khi công việc không ổn định khiến cô giáo Ứng Thị Quyên không yên tâm khi gắn bó với nghề. Đặc biệt, từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, công việc không ổn định khiến cô cùng với nhiều giáo viên định mức khoán khác phải loay hoay tìm việc làm thêm, để trang trải cho cuộc sống hàng ngày.

Cô giáo Ứng Thị Quyên - Trường Mầm non Động Đạt, huyện Phú Lương trải lòng: "Hiện tại thì em có hai con nhỏ, hè em không có lương nên vẫn phải đi làm thêm ở công ty để kiếm thêm thu nhập. Mặc dù không có chế độ cho giáo viên hợp đồng nhưng vì yêu nghề nên em vẫn cố gắng theo đuổi đam mê".

Cô giáo Ứng Thị Quyên chỉ là một trong số hàng nghìn giáo viên định mức khoán của đang gặp phải đối mặt với những khó khăn khi thu nhập còn nhiều bấp bênh. Theo báo cáo của ngành Giáo dục và Đào tạo, năm học 2021 - 2022, toàn tỉnh còn thiếu gần 5.000 biên chế giáo viên so với định mức. Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên và duy trì hoạt động giáo dục trong các nhà trường, từ năm 2018, tỉnh đã trích nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ kinh phí cho các trường mầm non, trường phổ thông để thực hiện thuê, khoán phục vụ giảng dạy, nấu ăn. Đây là những chính sách kịp thời để bảo đảm hoạt động giáo dục trong toàn tỉnh thời gian qua. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay chính là các giáo viên thuê khoán không được hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tổng thu nhập được tính trên số tiết học thực tế đứng lớp. Cuộc sống khó khăn, nhiều giáo viên buộc phải chuyển hướng sang tìm các công việc khác có thu nhập cao hơn và ổn định hơn.

Nỗi niềm giáo viên hợp đồng trước thềm năm học mới
Tỉnh đã trích nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ kinh phí cho các trường mầm non, trường phổ thông để thực hiện thuê, khoán phục vụ giảng dạy, nấu ăn.

Thầy giáo Hoàng Văn Luận - Trường Tiểu học Yên Ninh, huyện Phú Lương cho biết: "Hiện tại giáo viên đứng khoáng nghỉ hè thì chúng không có lương, chúng tôi phải làm thêm những công việc ngoài khác đa phần thì không liên quan đến giáo dục, nên gặp rất nhiều khó khăn".

Thầy giáo Dương Xuân Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Điềm Thụy, Phú Bình cho biết: "Về mặt chế độ thực ra cũng còn rất hạn chế thế, cho nên khi việc thu hút cũng như hợp đồng các giáo viên theo chương trình gặp nhiều khó khăn, vì định mức thấp, nên giáo viên mặc dù chưa có việc làm nhưng mà họ cũng không mặn mà".

Ông Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Ngành cũng sẽ tiếp tục một mặt là duy trì 1 phần định mức hỗ trợ, và cũng đề xuất là đối với trường hợp chưa đủ biên chế thì Trung ương sẽ có chính sách để hợp đồng theo thông tư 102 của Bộ, tức là hợp đồng nhưng sau đó có thể được tăng lương thì sẽ khắc phục được cái tình trạng thiếu giáo viên trong thời gian tới".

Để đảm bảo nguồn nhân lực cho năm học mới đã khó, ổn định công việc cho giáo viên còn khó khăn hơn, chính vì vậy, trong khi chờ tuyển dụng biên chế đối với giáo viên, trước mắt, ngành Giáo dục và đào tạo cần tiếp tục thực hiện tốt việc thuê khoán giáo viên, để các thầy cô yên tâm công tác, gắn bó với nghề./.