Nối dài truyền thống xin – tặng chữ đầu năm
Xin chữ ngày xuân mang nhiều ý nghĩa văn hóa, bắt nguồn từ sự hiếu học, trọng chữ nghĩa, trọng tri thức của người Việt.

Cùng với tục khai bút đầu năm, người Việt còn có thú vui tao nhã là xin chữ ngày xuân, chứa đựng những ước vọng về một năm mới thuận hòa, may mắn và bình an đến với mỗi nhà. Thú chơi này mang nhiều ý nghĩa văn hóa, bắt nguồn từ sự hiếu học, trọng chữ nghĩa, trọng tri thức của người Việt. Tại Không gian Tết khu vực Quảng trường Võ Nguyên Giáp, TP Thái Nguyên, các ông đồ liên tay thảo những nét như phượng múa rồng bay cho các du khách chơi xuân đến xin chữ.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Hoa, TP Thái Nguyên chia sẻ: "Hôm nay, tôi cho con đến Quảng trường, trải nghiệm văn hóa xin chữ đầu năm. Tôi xin chữ Tài lộc để cầu mong một năm mới bình an, nhiều tài lộc, may mắn".

Nối dài truyền thống xin – tặng chữ đầu năm
Trong nhịp sống hối hả hôm nay, xin chữ, cho chữ là nét đẹp văn hóa rất cần duy trì.

Trải qua những biến động của lịch sử, thậm chí đã có lúc chơi chữ, xin chữ bị lãng quên khi “Giấy đỏ buồn không thắm, mực đọng trong nghiên sầu”, tuy nhiên, đáng mừng là đến nay đã có nhiều khởi sắc trong việc gìn giữ và khôi phục nét đẹp văn hóa này.

Thầy đồ Mai Thanh Tùng cho hay: "Với nhu cầu của bà con nhân dân, chữ thư pháp được viết trong tất cả các dịp như lễ hội, tân gia; trong miền Nam còn viết trong ngày cưới. Chữ bây giờ chuyển hoàn toàn sang chữ quốc ngữ, dễ đọc, dựa trên văn hóa cổ của dân tộc nhưng được viết theo chữ của người Việt".

Trong nhịp sống hối hả hôm nay, xin chữ, cho chữ là nét đẹp văn hóa rất cần duy trì. Những nét chữ bay bổng, uốn lượn chứa đựng cái Tài, cái Tâm, cái Đức của người viết và những ước mong về những điều tốt đẹp của người nhận. Mong rằng, việc xin chữ – cho chữ luôn được giữ gìn, phát huy những nét đẹp thiêng liêng, trong sáng như thuở ban đầu./.