Những cựu chiến binh vượt khó thoát nghèo
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Kim, xóm Nam Thái, xã Tân Cương, TP Thái Nguyên với mô hình sản xuất chè cho lợi nhuận trên 200 triệu đồng/năm.

Ở xóm Nam Thái, xã Tân Cương, ai cũng biết về tấm gương vượt khó, phát triển kinh tế của thương binh Nguyễn Văn Kim. Phát huy thế mạnh của địa phương là cây chè, gia đình ông đã mạnh dạn vay vốn ưu đãi để đầu tư thiết bị, máy móc phát triển sản xuất. Đến nay, mô hình kinh tế của gia đình ông mỗi năm đem lại lợi nhuận trên 200 triệu đồng.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Kim cho biết: “Phát huy tinh thần bộ đội Cụ Hồ, với gia đình tôi luôn nghĩ phải cần cù sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để đẩy mạnh kinh tế gia đình”.

Trở về quê hương với thương tật ¾ khiến sức khỏe giảm sút, cựu chiến binh Trần Văn Phú và gia đình đã cùng nhau nỗ lực vượt khó. Sau nhiều năm miệt mài cần mẫn, thu nhập của gia đình ông Phú đã dần ổn định, cuộc sống ngày càng khấm khá hơn.

Cựu chiến binh Trần Văn Phú, xóm Làng Giỗ, xã Tân Quang, TP Sông Công chia sẻ: “Tôi cũng phổ biến với anh em, đồng đội cách trồng và chăm sóc mô hình kinh tế để cùng nhau thi đua phát triển kinh tế gia đình khấm khá lên”.

Phong trào thi đua giúp nhau phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, của Hội cựu chiến binh tỉnh đã khơi dậy được tinh thần đồng chí, đồng đội, ý thức tự lực, tự cường của các hội viên trong việc phát triển kinh tế gia đình.

Ông Hoàng Văn Trình, Chủ tịch Hội cựu chiến binh tỉnh Thái Nguyên cho rằng: “Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước cựu chiến binh gương mẫu ở trên địa bàn toàn tỉnh lên một bước mới có chiều sâu và hiệu quả thiết thực hơn nữa; đồng thời, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng”.

Trong thời chiến, họ là những người anh hùng chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc. Trong thời bình, trở về quê hương, họ tiếp tục phát huy phẩm chất của anh bộ đội cụ Hồ, hăng say lao động, làm kinh tế giỏi và trở thành những tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập và noi theo./.