Nhiệt điện than cần làm gì để bảo vệ môi trường?
Chiều 20/6, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức Hội thảo Bảo vệ môi trường tại các nhà máy nhiệt điện than tại Việt Nam, quy hoạch sử dụng điện giai đoạn hiện nay.
Báo cáo tại hội thảo cho thấy, tại Việt Nam, nhiệt điện than hiện cung cấp khoảng 35% tổng sản lượng điện và có chiều hướng tăng nhanh trong giai đoạn tới. Hiện Việt Nam đã đưa vào vận hành 20 nhà máy điện than, các nhà máy đang hoạt động hiện nay là các nhà máy nhiệt điện than sử dụng công nghệ ngưng hơi truyền thống, với thông số hơi dưới tới hạn và cận tới hạn do nguồn than nội địa của Việt Nam sử dụng cho các nhà máy nhiệt điện có chất lượng thấp.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. |
Theo Tổng cục Môi trường, với 20 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành có tổng công suất khoảng 13.110 MW, lượng nhiên liệu tiêu thụ khoảng 40 triệu tấn than/năm sẽ phát sinh lượng tro, xỉ thải mỗi năm khoảng 15,8 triệu tấn.
Việc phải lưu trữ tro, xỉ tại bãi thải tro, xỉ có thể gây ra tác động đến môi trường như rò rỉ nước từ bãi thải xỉ ra ngoài môi trường, chất thải phát sinh ngày càng nhiều, ô nhiễm nước mặt, nước ngầm, nguồn nước.
Bên cạnh đó, tại một số trung tâm điện lực như Vĩnh Tân, Duyên Hải phát sinh một số sự cố môi trường liên quan trong quá trình hiểu chỉnh thiết bị, vận hành thử nghiệm và vận hành gây ô nhiễm môi trường do khí thải từ nhà máy, bãi thải xỉ.
Ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, trong nhà máy nhiệt điện, bộ phận lọc bụi tĩnh điện sẽ khó hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả chính vì thế nhiều nhà máy nhiệt điện phát sinh bụi, khói vào trong giai đoạn vận hành ban đầu gây ra ô nhiễm xung quanh.
“Làm sao để lọc được bụi, nhất là tro bay một cách hiệu quả. Khi hiệu suất của nhiệt điện phải đảm bảo 99% mới đưa được hàm lượng bụi từ 4.900 Mg xuống 2.200 Mg”, ông Tài khuyến nghị.
Hiện Việt Nam đang xây dựng các nhà máy nhiệt điện đốt than có nhiệt độ hơi siêu tới hạn và trên siêu tới hạn sử dụng than nhập khẩu từ nước ngoài. Đây là một giải pháp tốt để bảo vệ môi trường vì công nghệ này sẽ giảm bớt việc tiêu hao nhiên liệu giảm phát thải tro xỉ, khí thải.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, đối với các nhà máy nhiệt điện hiện tại, Bộ xem xét để có các giải pháp bảo vệ môi trường, đặc biệt xỉ than là vấn đề lớn nhất. Hiện Bộ Xây dựng đang xây dựng quy chuẩn liên quan tới xỉ than. Đây là nguồn nguyên liệu thay thế cho vật liệu san lấp, thay thế vật liệu xây dựng.
Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Công Thương đã thống xem xét từng khâu, từng công đoạn để đảm bảo giám sát và kiểm soát và xử lý môi trường, theo hướng sau đầu tư sẽ lựa chọn công nghệ cao, đảm bảo sử dụng hiệu quả nhiên liệu và thân thiện với môi trường hơn. Đồng thời, các chất thải sẽ tính toán đến phương án là tái chế, tái sử dụng .
“Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với Bộ Công Thương sẽ xem xét đánh giá tất cả các nhà máy, các trung tâm nhiệt điện. Trên cơ sở đánh giá tổng thể, đánh giá trình độ công nghệ khi đó mới lựa chọn phương án đầu tư. Điều này chắc chắn sẽ có sự tham gia của các địa phương có liên quan”, Bộ trường Trần Hồng Hà nêu rõ./.