Người nghệ sĩ nặng lòng với múa dân gian
Tác phẩm "Những bông đỏ của rừng" được nhiều đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp biểu diễn trong nước và nước ngoài

Trao đổi với PV, nghệ sĩ nhân dân Lê Khình vui vẻ trải lòng về tác phẩm "Những bông đỏ của rừng": "Khi tôi đi thực tế có cơ duyên gặp được các cô gái, người phụ nữ Pà Thẻn mặc trang phục rất đẹp, tuy nhiên phải đến lần thứ ba thì tôi mới sáng tác và cho ra đời được tác phẩm này, tôi lấy hình tượng và mô phỏng những công việc hàng ngày của người phụ nữ Pà Thẻn như: thêu, dệt vải để tạo ra điệu múa này".

Với nghệ sĩ nhân dân Lê Khình, múa là sự giao thoa giữa cảm xúc và nghệ thuật của một người am hiểu những nét văn hóa tinh túy đặc sắc của dân tộc. Đây cũng là điều ông luôn đau đáu, luôn nhắc nhở và trao truyền lại cho lớp biên đạo múa trẻ hôm nay.

Nghệ sĩ nhân dân Lê Khình nhấn mạnh: "Để biên đạo tiết mục cho một dân tộc nào đó, không phải cứ lấy điệu múa sẵn có của dân tộc đó để mô phỏng lại, mà tôi phải căn cứ vào sinh hoạt, đời sống của họ để tạo ra điệu múa đó, tôi mong muốn lớp trẻ ngày nay phải đi sưu tầm, tìm hiểu thực tế cuộc sống của mỗi dân tộc để hiểu được tinh thần,bản sắc văn hóa của họ như thế nào".

Gắn bó với nghiệp múa từ khi còn là chàng trai 19 tuổi, từng giữ cương vị lãnh đạo Nhà hát Ca múa nhạc Dân gian Việt Bắc, nay ở cái tuổi gần 90, nghệ sĩ nhân dân Lê Khình vẫn ấp ủ, sáng tạo với nghệ thuật múa, vẫn dành thời gian đến sàn tập dàn dựng tiết mục khi lớp biên đạo trẻ cần ông chỉnh sửa, thổi hồn cho những bài múa dân gian dân tộc.

Người nghệ sĩ nặng lòng với múa dân gian
Ở cái tuổi gần 90, nghệ sĩ nhân dân Lê Khình vẫn miệt mài sáng tạo, nặng lòng với những vũ điệu dân gian

Biên đạo múa Lưu Phong Lan, Nhà hát Ca múa nhạc Dân gian Việt Bắc: "Ông luôn luôn khơi dậy được tinh thần, yếu tố tổ chức của các biên đạo múa, ông luôn hướng dẫn chúng tôi về bản sắc văn hóa dân gian, dân tộc qua những làn điệu, điệu múa chân thật, mộc mạc nhất".

Trong mấy chục năm làm nghệ thuật, nghệ sĩ nhân dân Lê Khình đã biên đạo dàn dựng hơn hai trăm tác phẩm múa dân gian. Có những tác phẩm làm giàu thêm nghệ thuật truyền thống Then của dân tộc Tày – Nùng mà ông đã được tắm mình từ tấm bé. Và cả những di sản, nét văn hoá đặc sắc truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số mà ông đã dày công học hỏi, sưu tầm, đưa lên sàn múa. Tất cả đã tạo nên những tác phẩm múa để đời, mang dấu ấn Lê Khình.

Nghệ sĩ múa Bùi Khánh Hiền, Nhà hát Ca múa nhạc Dân gian Việt Bắc nói: "Từ khi còn nhỏ thì tôi đã xem rất nhiều các tác phẩm của nghệ sĩ nhân dân Lê Khình bởi vì cả nhà tôi cũng đi theo con đường nghệ thuật. Đến bây giờ được làm việc với ông thì tôi cảm thấy rất vinh hạnh và cảm nhận được sắc màu dân tộc văn hóa và niềm đam mê ông truyền cho thế hệ trẻ qua các điệu múa của ông"

Dành trọn đam mê, cống hiến cho nghệ thuật múa dân gian, tài năng và tâm huyết của nghệ sĩ nhân dân Lê Khình đã được ghi nhận bằng những giải thưởng cao quý, được công chúng nhắc tên, đón nhận qua từng tác phẩm. Múa dân gian cần đạo cụ, trang phục và ngôn ngữ múa chuẩn mực, phải dành nhiều thời gian và công sức dàn dựng. Người nghệ sĩ già vẫn nỗ lực cống hiến, bằng ngôn ngữ múa ông truyền nhiệt huyết cho lớp nghệ sĩ trẻ, dẫu có sự cách biệt thế hệ./.