Ngày làm việc thứ nhất Kỳ họp tổng kết nhiệm kỳ 2016-2021, HĐND tỉnh khóa XIII
Đồng chí Đỗ Đức Công, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh trình bày Báo cáo kết quả công tác của HĐND tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ 2016-2021. |
Báo cáo kết quả công tác của HĐND tỉnh Thái Nguyên, nhiệm kỳ 2016-2021 cho thấy, xác định rõ vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, cơ quan đại biểu của nhân dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, với 75 đại biểu được bầu, có trình độ chuyên môn cao, mang tinh thần trách nhiệm lớn, HĐND tỉnh Thái Nguyên khoá XIII đã đoàn kết, tập trung trí tuệ, chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động, qua đó, góp phần cùng cả hệ thống chính trị thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ của tỉnh trong thời gian vừa qua, đưa Thái Nguyên trở thành một địa phương có tốc độ phát triển nhanh, ngày càng khẳng định vị thế là trung tâm vùng trung du miền núi phía Bắc, cực phát triển kinh tế vùng Thủ đô Hà Nội, được cử tri và nhân dân các dân tộc trong tỉnh hoan nghênh và tin tưởng.
Trong đó, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, thực hiện đổi mới trong công tác chuẩn bị kỳ họp, nâng cao chất lượng công tác thẩm tra, tăng tính phản biện của Thường trực HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh, đã giúp các đại biểu HĐND tỉnh có cơ sở quan trọng để xem xét, thảo luận và biểu quyết thông qua 259 Nghị quyết về các biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và nhiều nội dung về công tác cán bộ, qua đó, kịp thời cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước thành các cơ chế, chính sách của địa phương, tạo cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đồng thời tác động tích cực tới sự phát triển của các địa phương trên địa bàn.
Bà Vũ Thị Lệ Hằng, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên trao đổi thông tin với phóng viên bên lề kỳ họp. |
Bà Vũ Thị Lệ Hằng, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên cho hay: "Với sự tham mưu đầy đủ và tích cực của các sở, ban, ngành cũng như sự thẩm tra của các ban HĐND tỉnh, chất lượng văn bản được ban hành đảm bảo đầy đủ các quy định của pháp luật, tính hợp hiến, hợp pháp và tính khả thi".
Ông Vũ Duy Nghĩa, Chủ tịch UBND thành phố Sông Công cho biết: "HĐND tỉnh đã có nhiều nghị quyết liên quan đến kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội giúp cho thành phố thu hút đầu tư, kêu gọi các nhà đầu tư, đặc biệt là các dự án liên quan đến hệ thống đường giao thông, các khu đô thị, các khu dân cư đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại II".
Trong hoạt động giám sát, nhiệm kỳ qua, hoạt động giám sát tại các kỳ họp và giữa hai kỳ họp của HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh và các ban HĐND tỉnh tiếp tục được đổi mới về phương thức và thực hiện linh hoạt bằng nhiều hình thức, với 37 cuộc giám sát, 91 cuộc khảo sát với trên 1.000 lượt cơ quan, đơn vị, địa phương. Trong đó, đáng chú ý là việc đổi mới hình thức các phiên chất vấn, giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh; việc ban hành các nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề, giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, có giá trị pháp lý bắt buộc thực hiện, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan công quyền ở cơ sở và từng bước đáp ứng sự kỳ vọng của cử tri và nhân dân trên địa bàn.
Ông Phạm Thái Hanh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên trao đổi với phóng viên. |
Ông Phạm Thái Hanh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: "Trên cơ sở tổng hợp của MTTQ, HĐND, UBND tỉnh cũng đã phân công, giao cho các cơ quan có trách nhiệm tiếp thu, giải quyết; đặc biệt, UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt và giúp cho Chủ tịch UBND tỉnh thực hiện những nhiệm vụ này. Do vậy, việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri nhanh hơn, sát hơn, được cử tri nhân dân đánh giá cao hơn".
Trong hoạt động tiếp xúc cử tri, nhiệm kỳ qua, hoạt động tiếp xúc cử tri của các đại biểu HĐND tỉnh được đổi mới về hình thức, gắn với hoạt động đối thoại và phát huy dân chủ ở cơ sở, qua đó nắm bắt, chuyển tải và góp phần giải quyết triệt để các ý kiến, kiến nghị chính đáng của cử tri. Cùng với đó, công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo của cử tri; các chương trình, hoạt động phối hợp giữa Thường trực HĐND, các ban của HĐND với UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, các ban, ngành liên quan và Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh cũng được HĐND tỉnh quan tâm, thực hiện chặt chẽ, nhịp nhàng trên các lĩnh vực; qua đó, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả công tác dân nguyện, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Cũng tại phiên làm việc, HĐND tỉnh đã thông qua báo cáo kết quả công tác của UBND tỉnh trong nhiệm kỳ 2016-2021; Thông báo kết quả công tác tham gia xây dựng chính quyền địa phương của Ủy ban MTTQ tỉnh; Tờ trình về việc thành lập Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thái Nguyên; Tờ trình đề nghị ban hành Quy định mức chi và thời gian hưởng hỗ trợ kinh phí phục vụ bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Đáng chú ý, nhiều tờ trình, đề án, chương trình được trình tại kỳ họp lần này mang tính chiến lược nhằm phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và cả giai đoạn 2021-2025; đồng thời, nhằm thể chế hóa các chủ trương, định hướng phát triển đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, như: Tờ trình về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2021; Đề án tiếp tục ngăn chặn, đẩy lùi tai nạn giao thông giai đoạn 2021-2025; Tờ trình về việc phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án về hạ tầng giao thông trên địa bàn; Tờ trình về việc đề nghị bổ sung kế hoạch sử dụng đất năm 2021 trên địa bàn thành phố Thái Nguyên, thị xã Phổ Yên và huyện Phú Bình; Tờ trình về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 02 ngày 13/7/2018 của HĐND tỉnh quy định chế độ, chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động do thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc tỉnh;… Trong đó, Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 và Chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2021-2025 là 2 nội dung đáng chú ý trên lĩnh vực kinh tế, nhằm cụ thể hóa 2 định hướng đầu tiên trong 5 định hướng phát triển của tỉnh Thái Nguyên trong nhiệm kỳ 2020-2025; đồng thời là giải pháp cụ thể nhằm hoàn thành nhóm chỉ tiêu về sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thu ngân sách theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XX của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên. Các chương trình, đề án được ban hành còn mang nhiều ý nghĩa khi tạo ra cơ chế, chính sách đặc thù đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh, qua đó thúc đẩy các doanh nghiệp này đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của địa phương.
Ông Hoàng Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 98% trong số doanh nghiệp trên địa bàn. Nếu tờ trình được thông qua tại kỳ họp sẽ giúp doanh nghiệp rất nhiều các cơ chế, chính sách, tiền vốn để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp tục đầu tư sản xuất, kinh doanh, cạnh tranh trên thị trường".
Cũng trên lĩnh vực kinh tế, 2 tờ trình liên quan đến Đề án phát triển kinh tế tập thể và việc ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí thành lập mới hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 là những nội dung được quan tâm, đồng thời là căn cứ quan trọng để các cấp, ngành, địa phương tập trung nguồn lực hỗ trợ cho các hợp tác xã nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thái Nguyên thông tin: "Hiện nay, phong trào phát triển hợp tác xã ở tỉnh Thái Nguyên đang phát triển rất mạnh. Để thực hiện chương trình hỗ trợ cho các hợp tác xã thành lập mới, chúng tôi cũng đã soạn thảo, trình HĐND tỉnh để thông qua chính sách hỗ trợ đối với các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, quỹ tín dụng".
Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 là nội dung đáng chú ý, với mục tiêu đưa du lịch Thái Nguyên trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp vào tổng thu nhập GRDP của trong giai đoạn 2021-2030 ở mức 6%. Bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên thông tin: "Với đề án này, chúng tôi đề cập đến việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng hiện có của Thái Nguyên gắn với văn hóa trà như: du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng và đặc biệt là du lịch hang động mạo hiểm và một số sản phẩm du lịch khác phù hợp với quy hoạch các vùng kinh tế của tỉnh Thái Nguyên".
Cũng tại phiên làm việc, các ban HĐND tỉnh đã trình bày Báo cáo thẩm tra đối với các nội dung được trình tại kỳ họp./.