Giải trình làm rõ nhiều nội dung được trình tại kỳ họp
Toàn cảnh phiên việc buổi sáng, ngày làm việc thứ 3, Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XIII

Trong phiên việc buổi sáng, ngày làm việc thứ 3, HĐND tỉnh đã nghe và thông qua báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ về các văn bản trình tại kỳ họp. Theo đó, với tinh thần trách nhiệm, dân chủ, thẳng thắn, đã có trên 81 lượt ý kiến của các đại biểu HĐND và đại biểu khách mời. Cơ bản các đại biểu đều đánh giá cao sự chuẩn bị của các cơ quan chức năng và chất lượng của các văn bản; nhiều ý kiến đã tập trung phân tích, làm rõ những tồn tại, hạn chế, trên cơ sở đó bổ sung một số giải pháp để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Đối với các nội dung chuyên đề, nhiều ý kiến cũng đề nghị UBND tỉnh cần làm rõ căn cứ, tính khả thi trong triển khai thực hiện và đề nghị điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp hơn với tình hình thực tiễn. Theo đó, có 8 nội dung còn nhiều ý kiến đã được tiếp tục giải trình tại phiên làm việc.

Giải trình làm rõ nhiều nội dung được trình tại kỳ họp
Lãnh đạo UBND tỉnh giải trình những vấn đề liên quan đến các dự án đầu tư trên địa bàn

Cụ thể, như nội dung đề nghị báo cáo kết quả rà soát, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, thu hồi quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh và kết quả giải quyết sau thu hồi đối với các dự án còn vướng mắc đã được lãnh đạo UBND tỉnh giải trình. Theo đó, giai đoạn 2006-2020, toàn tỉnh có trên 980 dự án đầu tư ngoài ngân sách được chấp thuận đầu tư. Qua 4 đợt rà soát, kiểm tra đối với gần 540 dự án, UBND tỉnh đã đã thu hồi 153 dự án. Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã chủ động rà soát, tham mưu thực hiện thu hồi 99 dự án. Kết quả kiểm tra, rà soát và thu hồi đối với các dự án được làm rõ.

Đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên phát biểu giải trình: “Trong 252 dự án thu hồi do nhà đầu tư triển khai hoặc đã triển khai thực hiện nhưng không có khả năng hoàn thành là 190 dự án. Dự án đã thu hồi và bàn giao cho các nhà đầu tư khác là 57 dự án. Hiện nay, đã có 5 dự án thu hồi, nhưng nhà đầu tư có văn bản khiếu nại, kiến nghị và đến nay chưa giải quyết dứt điểm vì đang nằm ở tòa án các cấp. Về giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với 43 dự án khu đô thị, khu dân cư mới đã có chủ trương sau ngày 1/7/2014 đến trước ngày 15/11/2017 thì đã có 22 dự án được xử lý. Hiện nay, nhà đầu tư đã tích cực phối hợp để xử lý. Trong đó, có 14 dự án đã thực hiện thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư để chuyển sang hình thức lựa chọn nhà đầu từ theo quy định; 8 dự án đang hoàn thiện thủ tục thực hiện thu hồi và chuyển sang hình thức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định. 21 dự án còn vướng mắc về thủ tục giao đất, cách xác định giá đất, chấp thuận chủ trương đầu tư, hiện UBND tỉnh đang chỉ đạo các sở ngành và địa phương khẩn trương rà soát, kiểm tra và tham mưu xử lý theo quy định”.

Giải trình làm rõ nhiều nội dung được trình tại kỳ họp
Đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chất vấn ngành Lao động - Thương binh và xã hội

Kết quả thực hiện mục tiêu 100% hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh thoát nghèo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng là nội dung được các đại biểu HĐND tỉnh quan tâm, đề nghị UBND tỉnh và các thành viên của UBND tỉnh làm rõ. Đồng chí Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh Thái Nguyên giải trình: “Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 599/812 hộ nghèo thoát nghèo, đạt 73,76%. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh còn 213 hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách, người có công cần được hỗ trợ. Đây là những hộ đặc biệt khó khăn, các thành viên trong gia đình chủ yếu là người cao tuổi, người khuyết tật, bệnh nặng… Để phấn đấu hoàn thành mục tiêu 100% hộ nghèo có thành viên đối tượng chính sách, người có công thoát nghèo, thời gian tới ngành Lao động, Thương binh và xã hội tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm như: Tuyên truyền, vận động các cấp, ngành và toàn thể nhân dân tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào đền ơn đáp nghĩa, chính sách người có công, Tuần cao điểm tết vì người nghèo. Rà soát xây dựng kế hoạch cụ thể giúp đỡ các hộ nghèo thoát nghèo.”

Về nội dung này, đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã đề nghị ngành Lao động, Thương binh và xã hội giải trình rõ: “Theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội có yêu cầu phải đảm bảo 100% các hộ nghèo có thành viên là đối tượng chính sách phải hoàn thành trong năm 2020. Đến bây giờ chúng ta mới hoàn thành trên 70%. Chúng ta còn 213 hộ nữa, qua các báo cáo giải trình thì các đại biểu đều thấy là sẽ rất khó khăn nếu chúng ta chỉ tập trung vào giải pháp tuyên truyền mà không có giải pháp cụ thể và kế hoạch cụ thể rồi phân công trách nhiệm cũng như đặt ra thời gian cụ thể cho việc hoàn thành mục tiêu.”

Trả lời chất vấn này, đồng chí Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Ngành Lao động, Thương binh và xã hội đã chủ động và có kế hoạch xây dựng cụ thể. Mục tiêu năm 2021 sẽ phấn đấu 100% các hộ này sẽ thoát nghèo. Trong trường hợp các hộ không có khả năng thoát nghèo thì ngành sẽ tham mưu để đưa vào diện hưởng trợ cấp xã hội.”

Tập trung chuyển đổi số là một trong những giải pháp trọng tâm của Thái Nguyên nhằm cụ thể hóa các định hướng và mục tiêu phát triển của tỉnh trong giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Liên quan đến nội dung này, nhiều đại biểu đề nghị UBND tỉnh làm rõ kết quả việc thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật liên ngành để sử dụng chung theo Nghị định số 25 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông, cũng như kết quả thực hiện các dự án thuê dịch vụ công nghệ thông tin, trong đó có dự án nâng cấp, xây dựng, duy trì và vận hành hệ thống giao ban điện tử trực tuyến từ cấp tỉnh đến cấp huyện, từ cấp huyện đến cấp xã.

Giải trình làm rõ nhiều nội dung được trình tại kỳ họp
Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên trả lời chất vấn liên quan đến vấn đề chuyển đổi số

Nội dung này được lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên làm rõ:“Tỉnh đã đầu tư và đưa vào sử dụng Trung tâm dữ liệu tập trung; Trung tâm giám sát an toàn thông tin; Cổng dịch vụ công trực tuyến, phần mềm một cửa, một cửa điện tử liên thông, hệ thống quản lý văn bản đi đến, trục kết nối chia sẻ dữ liệu LGSP kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia. Mới đây, nhất là việc hoàn thành và đưa vào vận hành khai thác dự án nâng cấp, xây dựng cổng thông tin điện tử và các trang thông tin điện tử theo mô hình chính quyền 3 cấp. Hiện nay, Sở Thông tin và Truyền thông và các địa phương đang triển khai thực hiện lựa chọn nhà thầu 2 dự án theo kế hoạch UBND tỉnh phê duyệt: Dự án nâng cấp, xây dựng mạng truyền số liệu chuyên dùng cơ quan Đảng, Nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện, từ cấp huyện đến 178 xã, phường, thị trấn. Dự án nâng cấp, xây dựng, duy trì và vận hành hệ thống giao ban điện tử trực tuyến từ cấp tỉnh đến cấp huyện và từ cấp huyện đến cấp xã. Phấn đấu và đưa vào sử dụng khai thác trong tháng 1/2021.

Cũng tại phiên giải trình, UBND tỉnh và các thành viên của UBND tỉnh đã giải trình, làm rõ cơ sở để xác định một số chỉ tiêu phát triển trong năm 2021; làm rõ việc quản lý, sử dụng các Quỹ dự phòng ngân sách, Quỹ dự trữ tài chính của tỉnh trong năm; kết quả thực hiện tiết kiệm chi theo Nghị quyết số 84 ngày 29/5/2020 của Chính phủ; kết quả hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19..../.