Trực tuyến: Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XIII: Giải trình, chất vấn và trả lời chất vấn nhiều nội dung quan trọng
Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 |
Toàn cảnh phiên chất vấn |
Dự Kỳ họp có đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Trịnh Việt Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo Bộ Tư lệnh Quân khu 1 và lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương trên địa bàn.
Các đại biểu tham dự phiên chất vấn |
Theo báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ ngày 10/12, với tinh thần trách nhiệm, dân chủ, thẳng thắn, tại phiên thảo luận tại tổ, Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XIII, đã có 81 lượt ý kiến của các đại biểu HĐND và đại biểu khách mời tham gia phát biểu về các báo cáo, đề án, tờ trình và dự thảo Nghị quyết trình tại kỳ họp.
Đồng chí Ân Văn Thanh, Chánh Văn phòng HĐND tỉnh, Tổ trưởng Tổ thư ký trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận Tổ |
Cơ bản các đại biểu đều đánh giá cao sự chuẩn bị của các cơ quan chức năng và chất lượng của các văn bản; nhiều ý kiến đã tập trung phân tích, làm rõ những tồn tại, hạn chế và thảo luận làm rõ về các vấn đề, nội dung trong các văn bản. Trên cơ sở các ý kiến thảo luận tại phiên thảo luận tổ, Thường trực HĐND tỉnh đã tổng hợp thành 3 nhóm vấn đề với các nội dung để đề nghị UBND tỉnh và các thành viên giải trình, làm rõ. Trong đó, những vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2021 là nội dung được các đại biểu dành nhiều thời gian thảo luận.
Đoàn Chủ tịch điều hành phiên chất vấn |
Đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giải trình về 3 nội dung. Về kiểm tra, rà soát các dự án đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh, kết quả rà soát, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, thu hồi quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư ngoài ngân sách và kết quả giải quyết sau thu hồi đối với các dự án còn vướng mắc. Theo đó, trong giai đoạn 2006-2020, toàn tỉnh có 984 dự án đầu tư ngoài ngân sách đã đăng ký. UBND tỉnh đã triển khai các đoàn kiểm tra và các cơ quan liên quan thực hiện kiểm tra, rà soát 538 dự án, trong đó có 4 đợt kiểm tra, đã thu hồi 153 dự án.
Đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giải trình, làm rõ một số nội dung theo đề nghị của đại biểu HĐND tỉnh |
Về nội dung đề nghị làm rõ cơ sở xác định chỉ tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 71%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30,5%, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị dưới 3%. Theo đó, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra chỉ tiêu: "Năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 32%".
Về căn cứ đề ra chỉ tiêu trong năm 2021 về tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 95%. Theo đó, việc đầu tư, mở rộng quy mô để tăng dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh trên toàn tỉnh đến năm 2025 đạt 98% (tăng 3%), dự kiến sẽ triển khai trong giai đoạn 2022-2025 sau khi xác định, cân đối các nguồn vốn đầu tư. Về tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn mới) giảm 1,5% so với năm 2020. Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm 1% trở lên, căn cứ vào đó UBND tỉnh xây dựng chỉ tiêu năm 2021: "Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn mới) giảm 1,5% so với năm 2020".
Đồng chí Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội giải trình 2 nhóm nội dung được các đại biểu HĐND quan tâm. Về kết quả triển khai, thực hiện việc hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Tính đến ngày 1/12/2020, có 177.635 người và 77 hộ kinh doanh cá thể được hỗ trợ theo quy định với số tiền trên 181.379,5 triệu đồng.
Đồng chí Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội giải trình 2 nhóm nội dung được các đại biểu HĐND quan tâm |
Về việc thực hiện 100% hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh thoát nghèo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các địa phương triển khai các hoạt động hỗ trợ các đối tượng trên. Kết quả, đến cuối năm 2020, có 599/812 hộ thoát nghèo, đạt trên 73%.
Đồng chí Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Sở Tài chính giải trình 2 nhóm nội dung tại phiên chất vấn. Đối với nội dung: "Báo cáo việc quản lý, sử dụng các quỹ dự phòng ngân sách, quỹ dự phòng tài chính của tỉnh". Theo đó, dự phòng ngân sách tỉnh, HĐND tỉnh giao năm 2020 là 232.755 triệu đồng. Trong đó, phân bổ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 là 121.953 triệu đồng, thực hiện hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 là 92.039 triệu đồng. Về quỹ dự trữ tài chính, số dư đầu kỳ từ ngày 01/01/2020 tại Kho bạc Nhà nước tỉnh là 44.218 triệu đồng. Số dư đến ngày 30/11/2020 là 44.604 triệu đồng.
Đồng chí Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Sở Tài chính giải trình 2 nhóm nội dung tại phiên chất vấn |
Đồng chí Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông giải trình về 2 nội dung tại kỳ họp. Về nội dung dùng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông theo Nghị định số 25/2011 của Chính phủ. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.650 điểm thu phát sóng điện thoại di động cung cấp dịch vụ 2G, 3G, 4G đến gần 100% xóm, bản. Mạng lưới cáp quang phủ đến 100% các xã, 94% các xóm, bản. Phấn đấu đến năm 2021, tỷ lệ dùng chung hạ tầng trên địa bàn đạt 15%, đến hết năm 2022, tỷ lệ dùng chung hạ tầng đạt 20%.
Đồng chí Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông giải trình tại kỳ họp |
Về đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thuê dịch vụ công nghệ thông tin, hiện nay, Sở Thông tin và Truyền thông và các địa phương đang triển khai thực hiện lựa chọn nhà thầu 2 dự án theo kế hoạch UBND tỉnh phê duyệt: Dự án nâng cấp, xây dựng mạng truyền số liệu chuyên dùng cơ quan Đảng, Nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện, từ cấp huyện đến 178 xã, phường, thị trấn. Dự án nâng cấp, xây dựng, duy trì và vận hành hệ thống giao ban điện tử trực tuyến từ cấp tỉnh đến cấp huyện và từ cấp huyện đến cấp xã. Trong quá trình triển khai hai dự án còn chậm tiến độ. Thứ nhất do Quyết định số 80/2014 của Thủ tướng Chính phủ được thay thế bởi Nghị định 73/2019 của Thủ tướng Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Thứ hai theo hướng dẫn của ngành tài chính phải triển khai dự án theo hướng phân nhiệm vụ cho các cấp chủ trì thực hiện để đảm bảo theo đúng quy định của Luật ngân sách.
Cũng tại phiên họp, một số đại biểu HĐND tỉnh đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường vai trò quản lý của cơ quan nhà nước đối với các nhà mạng nhằm đảm bảo sự phát triển hài hòa về lợi ích và góp phần tăng tỷ lệ dùng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông.
Phát biểu tại kỳ họp, đồng chí Trịnh Việt Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Tại Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khoá XIII, UBND tỉnh đã trình các báo cáo, đề án, chương trình, kế hoạch với nhiều nội dung quan trọng về cơ chế chính sách; nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công; chủ trương đầu tư một số dự án công trình hạ tầng kỹ thuật và những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025. Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tại phiên khai mạc, của chủ tọa Kỳ họp, cũng như các ý kiến tham gia xây dựng của Ủy ban MTTQ tỉnh, ý kiến thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh, ý kiến của các vị đại biểu HĐND tỉnh, các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp; UBND tỉnh đã báo cáo, giải trình bằng văn bản và trả lời trực tiếp tại kỳ họp. Sau khi các vị đại biểu HĐND tỉnh thông qua các Nghị quyết, UBND tỉnh sẽ tập trung triển khai các giải pháp cụ thể để tổ chức thực hiện hiệu quả, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ được HĐND tỉnh quyết nghị thông qua.
Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp |
Để phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, đồng chí đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở cùng với việc chuẩn bị, lãnh đạo tổ chức thành công cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 đã được Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và HĐND các cấp thông qua. Đồng chí đề nghị cần thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới: Tập trung xây dựng, triển khai hiệu quả các giải pháp thực hiện 5 định hướng lớn mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX đã thông qua; nâng cao chất lượng tăng trưởng, tập trung phát triển các ngành có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh, có giá trị gia tăng cao; huy động các nguồn lực đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với khoa học công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Cùng với đó, xây dựng chính quyền kiến tạo, liêm chính, phục vụ và hành động. Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, lao động sáng tạo; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Tập trung hoàn thành Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: Nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Thái Nguyên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 664/QĐ-TTg ngày 20/5/2020, trong đó xác định mục tiêu “phấn đấu đến năm 2030 Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, là trung tâm kinh tế - xã hội, cực tăng trưởng có tác động lan tỏa đối với toàn vùng trung du và miền núi phía Bắc, tạo dựng nền kinh tế xanh với các sản phẩm chủ lực có sức cạnh tranh cao”.
Tiếp tục tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực theo hướng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm. Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, tích cực đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số quản trị hành chính công (PAPI) đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống nhân dân; thực hiện có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh phát triển. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, quản lý chặt chẽ, tránh thất thoát lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đầu tư công cho đầu tư phát triển...
Tại Kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh đã nghiên cứu, thảo luận, đánh giá toàn diện về các nội dung trình tại kỳ họp và đã thống nhất thông qua các nghị quyết.
Các đại biểu biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết |
Buồi chiều, các đại biểu tiếp tục phiên làm việc cuối cùng tại hội trường, thảo luận, biểu quyết thông qua các dự thảo Nghị quyết được trình tại Kỳ họp./.