Ngành Tài chính tỉnh Thái Nguyên nỗ lực đẩy mạnh hoạt động cải cách hành chính
Sở Tài chính đã áp dụng quy trình ISO- 9001/2015 trong việc thẩm tra quyết toán dự án hoàn thành thuộc vốn sự nghiệp, giảm số ngày làm việc là dưới 90 ngày |
Được xác định là khâu quan trọng nhất trong công tác cải cách hành chính nên trong những năm qua hoạt động rà soát các văn bản quy phạm pháp luật và đơn giản hóa các thủ tục hành chính đã được Sở Tài Chính tỉnh Thái Nguyên đặc biệt chú trọng. Trong năm 2020, Sở đã tập trung rà soát, tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh sửa đổi các văn bản của ngành theo đúng chế độ chính sách hiện hành. Điển hình như Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết 04/2017 về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt và khai thác khoáng sản; Sửa đổi QĐ số 45/2019 về Bảng giá tính thuế tài nguyên năm 2020. Trình UBND tỉnh ban hành Quyết định bãi bỏ 9 thủ tục hành chính lĩnh vực Tài chính doanh nghiệp:
Chị Đỗ Thị Liên, Phó Trưởng phòng Tài chính, Hành chính, Sở Tài Chính Thái Nguyên cho biết: “Năm 2020, Phòng đã tham mưu cho sở tham mưu với UBND tỉnh công bố đơn giản hóa 2 thủ tục hành chính, giảm từ 5 ngày làm việc xuống còn 3 ngày làm việc theo quy định. Ngoài danh mục các thủ tục hành chính đã được UBND tỉnh công bố thì phòng đã áp dụng quy trình ISO- 9001/2015 trong việc thẩm tra quyết toán dự án hoàn thành thuộc vốn sự nghiệp, giảm số ngày làm việc theo thông tư của Bộ Tài chính là dưới 90 ngày làm việc. Bên cạnh đó, phòng cũng đã sắp xếp các công việc hợp lý, khoa học để giải quyết các thủ tục hành chính theo đúng quy định, đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của các đơn vị”.
Đơn giản hóa thủ tục hành chính được coi là trọng tâm. Còn đối với vấn đề hiện đại hóa nền hành chính được Sở Tài chính coi là khâu đột phá. Hoạt động này đã được triển khai đồng bộ trong nội bộ sở và các đơn vị thuộc hệ thống tài chính của tỉnh. Từ năm 2018 đến nay, hệ thống quản lý văn bản đã được kết nối liên thông gửi và nhận văn bản với các đơn vị trong tỉnh do đó hạn chế tối đa việc sử dụng văn bản giấy. Sở cũng đã công khai quy trình thủ tục hành chính và phát triển các ứng dụng dịch vụ công trên mạng thông tin điện tử của đơn vị. Hiện nay, Sở cũng đẩy mạnh dịch vụ công mức độ 3 và 4 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tổ chức và doanh nghiệp.
Tạo lập môi trường ứng dụng công nghệ thông tin thống nhất từ Sở Tài chính đến các Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện |
Đối với việc triển khai trong hệ thống tài chính trong tỉnh, công tác ứng dụng công nghệ thông tin của sở đã cơ bản thâm nhập vào hầu hết các hoạt động nghiệp vụ và đáp ứng yêu cầu quản lý cơ bản tại các địa phương. Điều này đã bước đầu tạo lập được môi trường ứng dụng công nghệ thông tin thống nhất từ Sở đến các phòng Tài chính - Kế hoạch. Điển hình như Phần mềm quản lý Ngân sách nhà nước; phần mềm kế toán tài chính ngân sách xã KTXA; Kế toán sự nghiệp(IMAS), Hệ thống phần mềm quản lý ngân sách kho bạc (TABMIS)
Ông Hoàng Xuân Thủy, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Phú Lương chia sẻ: “Phòng Tài chính đã thực hiện tốt các nhiệm vụ xử lý giải quyết thủ tục hồ sơ trên hệ thống phần mềm một cửa của huyện Phú Lương đảm bảo thời gian kịp thời, nhanh chóng, chính xác, và ứng dựng giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng ở mức độ 3, mức độ 4. Về quản lý văn bản, chúng tôi đã thực hiện trên hệ thống quản lý văn bản của huyện, Đối với Sở Tài chính chúng tôi đã triển khai và thực hiện tốt các ứng dụng phần mềm quản lý ngân sách, các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin do Sở Tài chính triển khai. Và chúng tôi đã triển khai đến các đơn vị dự toán, các xã, thị trấn, cũng như là các đơn vị trường học. Một số phần mềm đang ứng dụng và sử dụng rất tốt là phần mềm quản lý ngân sách và hệ thống thông tin quản lý giữa ngân sách và kho bạc (TABMIS), cũng như triển khai phần mềm kế toán đến khối các đơn vị trường học; phần mềm kế toán xã của khối các xã, thị trấn và phần mềm quản lý công sản. Tất cả đã giúp các cán bộ chuyên môn tổng hợp, báo cáo số liệu kịp thời, chính xác và giúp đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý ngân sách trên địa bàn huyện Phú Lương”.
Trong năm 2020, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả đã được Sở Tài chính quan tâm đầu tư cơ sở vật chất và nhân sự. Mọi thủ tục hành chính đều được niêm yết công khai, rõ ràng, đầy đủ về quy trình, thời gian thực hiện. Đặc biệt đến đầu tháng 12/2020 khi Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh đi vào hoạt động, Sở đã kịp thời chọn, cử công chức có đủ năng lực, phẩm chất đến thực hiện nhiệm vụ tại đây.
Chị Phạm Thị Huyền, chuyên viên Sở Tài Chính Thái Nguyên chia sẻ: “Bản thân tôi khi được lãnh đạo tin tưởng, giao nhiệm vụ ra trực 1 cửa, tiếp nhận hồ sơ làm thủ tục tài chính thì thấy bản thân phải có trách nhiệm hơn nữa trong việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và nâng cao thái độ, trách nhiệm khi giao tiếp với công dân. Để đảm bảo thủ tục khi các cơ quan, đơn vị, công dân đến giao dịch sẽ cảm thấy thủ tục hành chính nhanh gọn và được hướng dẫn tận tình”.
Hiện nay toàn tỉnh có 48/48 cơ quan cấp tỉnh; 165/165 cơ quan cấp huyện được giao thực hiện tự chủ; 796/796 đơn vị sự nghiệp công lập được giao tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính |
Cải cách tài chính công cũng là một trong những nhiệm vụ của tỉnh giao cho Sở Tài chính thực hiện. Theo đó tính đến tháng 8 năm 2020 đã có 48/48 cơ quan cấp tỉnh; 165/165 cơ quan cấp huyện được giao thực hiện tự chủ; 796/796 đơn vị sự nghiệp công lập được giao tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính. Trong giai đoạn 2011 - 2020 Sở Tài chính cũng đã tham mưu cho tỉnh để thay đổi mô hình tổ chức hoạt động của 8 đơn vị, doanh nghiệp. Các đơn vị sau khi chuyển đổi đã hoạt động có hiệu quả, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của tỉnh.
Ông Phan Đăng Thiện, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Vận tải Thái Nguyên cho biết: “Khi thoái vốn chuyển đổi mô hình từ hành chính sự nghiệp có thu sang công ty cổ phần tức là chúng phải đảm bảo đời sống, việc làm cho người lao động. Việc này Hội đồng quản trị chúng tôi đưa ra và cương quyết thực hiện. Đến thời điểm này thì có tái cơ cấu, thoái vốn, đổi mới doanh nghiệp người lao động vẫn giữ nguyên việc làm và tăng thu nhập so với trước với tỷ lệ cao. Qúa trình thoái vốn của doanh nghiệp, nhà nước thoái vốn khỏi doanh nghiệp thì thực hiện được 2 mục đích như thế”.
Những nỗ lực trong công tác cải cách hành chính của Sở Tài Chính thời gian qua đã đóng góp không nhỏ vào công cuộc cải cách hành chính của tỉnh Thái Nguyên qua đó tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức và cá nhân thực hiện các thủ tục hành chính về tài chính , ngân sách. Không bằng lòng với những gì đã đạt được, trong những năm tiếp theo Sở Tài Chính tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục coi trọng công tác cải cách hành chính nhằm đáp ứng với xu thế đổi mới và phát triển của xã hội.
Bà Vũ Thị Anh Dung, Phó Giám đốc Sở Tài Chính tỉnh Thái Nguyên khẳng định: “Trong năm 2021, để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính, ngân sách thì Sở Tài chính xác định sẽ tiếp tục tập trung vào các nhiệm vụ và giải pháp sau. Thứ nhất là tiếp tục thực hiện việc quán triệt đến toàn thể cán bộ trong cơ quan về các chủ trương cũng như các chính sách của Trung ương, của tỉnh và các kế hoạch cải cách hành chính trong năm đến toàn thể cán bộ trong cơ quan và tự xác định rõ kết quả cải cách hành chính đối với từng nhiệm vụ và từng chỉ tiêu được UBND tỉnh giao trong kế hoạch cải cách thủ tục hành chính nắm 2021; từ đó mỗi phòng ban, đơn vị có nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Thứ 2 là tiếp tục nghiên cứu và tham mưu với UBND tỉnh, HĐND tỉnh các quy định về cơ chế, chính sách quản lý tài chính- ngân sách trên địa bàn. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng là tiết kiệm chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư ngân trong tổng chi ngân sách địa phương. Thứ 3 là tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý tài chính- ngân sách. Trong thời gian tới cũng sẽ tiếp tục tham mưu công tác tổ chức cán bộ, kiện toàn bộ máy để thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ về tài chính- ngân sách, trong đó có nhiệm vụ về cải cách hành chính trong năm 2021”.
Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực Tài chính- ngân sách là góp phần quan trọng trong xây dựng bộ máy chính quyền theo hướng chuyên nghiệp hiện đại, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng phục vụ. Đây cũng sẽ là tiền đề quan trọng để Thái Nguyên tiếp tục phát triển bứt phá trong giai đoạn tiếp theo./.