Chung tay cải cách hành chính hướng tới nền hành chính phục vụ
Giai đoạn 2011-2020, Tỉnh Thái Nguyên đã ban hành 402 văn bản chỉ đạo, điều hành về công tác cải cách hành chính. |
Sự quyết liệt của cấp ủy, chính quyền trong công tác chỉ đạo, điều hành.
Ngay sau khi trung ương ban hành Nghị quyết 30C, UBND tỉnh Thái Nguyên đã thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc nâng cao Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công tỉnh Thái Nguyên. Thường xuyên tổ chức hội nghị kiểm điểm, đánh giá, xây dựng biện pháp, giải pháp nâng cao, cải thiện chỉ số cải cách hành chính. Trong giai đoạn 2011-2020, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành 402 văn bản chỉ đạo, điều hành về công tác cải cách hành chính.
UBND tỉnh kịp thời bố trí cấp kinh phí, hỗ trợ các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ . Bên cạnh đó các địa phương đã chủ động đầu tư kinh phí thực hiện cải cách hành chính. Tổng số kinh phí được cấp, bố trí thực hiện cải cách hành chính từ năm 2015-2020 là gần 300 tỷ đồng.
Nhằm đánh giá một cách thực chất, cụ thể, chính xác, từ năm 2016, UBND tỉnh đã tổ chức đánh giá, xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính các Sở, Ban, ngành, UBND cấp huyện và chỉ đạo UBND cấp huyện đánh giá, kết quả xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính cấp xã. Tổ chức khảo sát từ năm 2015 đến 2019 về đánh giá sự hài lòng của cơ quan, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Kết quả, mức độ hài lòng chung đạt 81.96%.
Trong giai đoạn 2011-2020, đoàn kiểm tra công tác cải cách hành chính của tỉnh đã kiểm tra trực tiếp tại gần 200 lượt cơ quan, đơn vị, địa phương. Nhiều đơn vị, địa phương đã chủ động tự kiểm tra cải cách hành chính như: Sở Xây dựng, Sở Giáo dục và Đào tạo, Công Thương… đối với cấp huyện, 100% các xã, phường, thị trấn được kiểm tra, nhiều địa phương thường xuyên tổ chức kiểm tra đột xuất như: Thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công, huyện Võ Nhai, Phú Lương...
Ông Bùi Văn Lương, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Phổ Yên cho biết: “Công tác lãnh đạo, chỉ đạo có vai trò hết sức quan trọng. Có thể nói là gần như có tính chất quyết định đến thành công trong quá trình thực hiện. Từ quá trình đó nó mới ra con người, ra nguồn lực và đồng thời ra quá trình tăng cường kiểm tra giám sát, từ đó nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ công chức. Ví dụ điển hình, năm 2014, ở TX. Phổ Yên vấn đề cải cách hành chính trên địa bàn nhiều kết quả còn khiêm tốn, nhiều thủ tục còn rườm rà, chậm chạp. Sau khi tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thì đã đạt được hiệu quả rất tốt. Những đơn vị nào chậm, muộn thì lãnh đạo phòng đó phải công khai minh bạch trên cổng thông tin điện tử, lý giải nguyên nhân và công khai xin lỗi người dân. Qua đó, tiến độ giải quyết các thủ tục đã được đẩy nhanh, năng lực giải quyết của đội ngũ cán bộ chuyên môn được nâng cao”.
Nhằm động viên kịp thời phong trào thi đua thực hiện cải cách hành chính, hằng năm, UBND tỉnh đã tổ chức tổng kết, khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Giai đoạn 2011-2020, đã có 15 tập thể được tặng Cờ thi đua xuất sắc; 64 tập thể và 91 cá nhân được tặng Bằng khen của UBND tỉnh. Nhiều đơn vị, địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác CCHC giai đoạn 2011-2020 được ghi nhận như: Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, TP. Sông Công, thị xã Phổ Yên, huyện Võ Nhai...
Tăng cường hoạt động cải cách thể chế
Trong giai đoạn 2011-2020, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã có những chuyển biến tích cực. Chất lượng dự thảo, thẩm định văn bản do HĐND, UBND các cấp ban hành được nâng lên, bảo đảm hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật; đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong quản lý. Trong 10 năm, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành 655 văn bản quy phạm pháp luật.
Hoạt động kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hóa văn bản được thực hiện thường xuyên, kịp thời phát hiện văn bản quy phạm pháp luật có nội dung không phù hợp, trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo để sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới.
Ông Nguyễn Đức Tôn, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: “Văn phòng rất quan tâm và tham mưu, trình chủ tịch UBND tỉnh công bố các thủ tục hành chính theo quy định và kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các thủ tục hành chính trong các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của UBND, HĐND tỉnh. Việc tiếp nhận phản hồi được chuyển kịp thời tới các cơ quan chức năng theo đúng quy định, kịp thời công bố trên Cổng thông tin điện tử dịch vụ công quốc gia.”
Cải cách thủ tục khâu đột phá trong cải cách hành chính
Cải cách thủ tục hành chính là một nội dung phản ánh rõ nhất mối quan hệ giữa nhà nước và công dân, đồng thời là nội dung có nhiều bức xúc nhất của người dân, doanh nghiệp, cũng như có nhiều yêu cầu đổi mới trong quá trình phát triển KT-XH. Chính vì vậy tỉnh Thái Nguyên đã lựa chọn cải cách thủ tục hành chính là khâu đột phá. Tỉnh đã tăng cường công tác rà soát, đánh giá thủ tục hành chính tại các đơn vị, địa phương một cách đồng bộ, hiệu quả, đảm bảo đúng quy định nhằm đơn giản hóa, giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.
Kết quả, từ năm 2011-2015 đã thực hiện đơn giản hóa 1.316 thủ tục hành chính, giai đoạn 2015-2020 đã rà soát để thực hiện công bố chuẩn hóa 1.380 thủ tục hành chính. Cắt giảm thành phần, thời gian giải quyết hồ sơ có thủ tục hành chính được cắt giảm 40 ngày.
Đa số người dân hài lòng khi đến trung tâm giao dịch "Một cửa" để giải quyết các thủ tục. |
Ông Hà Sỹ Việt ở xã Ký Phú, huyện Đại Từ nhận xét: “Những khâu thủ tục nhanh gọn, tới phòng một cửa này đối với người dân như tôi cảm thấy thoải mái, không có gì thắc mắc cả”.
Ông Phạm Đức Vinh - Thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hóa hồ hởi chia sẻ: “Bây giờ người dân có công việc phải lên UBND xã, lên lần nào đều thấy cán bộ làm việc nhiệt tình. Tôi rất hài lòng”.
Sự hài lòng của nhân dân đối với hệ thống chính trị, nhất là với các cấp chính quyền ở địa phương chính là thước đo của tính bền vững và phát triển. Hiệu quả của công tác cải cách thủ tục hành chính đã góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong công tác, nhất là trong việc nắm chắc chủ trương, chính sách, pháp luật để giải thích cho dân rõ, gương mẫu chấp hành cho dân theo; tiếp xúc, tổ chức đối thoại với nhân dân, tiếp thu ý kiến phê bình của nhân dân; xây dựng và thực hành phong cách công tác “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”; nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân./.