Nét đẹp văn hóa làng quê Phú Bình
Những câu chuyện về gia đình, về giống lúa mới được mùa rồi chia sẻ nhiều kinh nghiệm làm nông nghiệp tại khu vực giếng làng của xã.

Những buổi chiều đi làm ruộng về, trên đường làng của xã Xuân Phương lại rộn ràng tiếng cười nói, hỏi thăm nhau của bà con mỗi xóm. Những câu chuyện về gia đình, về giống lúa mới được mùa rồi chia sẻ nhiều kinh nghiệm làm nông nghiệp lại xoay quanh giếng làng của xã. Hoạt động sinh hoạt cộng đồng này đã duy trì hàng chục năm nay.

Bà Dương Thị Hoa, xã Xuân Phương, huyện Phú Bình chia sẻ: "Lúc còn nhỏ chiều chiều chúng tôi ra giếng làng tắm. Bây giờ, khi đi làm về thì ra đây rửa chân tay và gánh nước về dùng".

Nét đẹp văn hóa làng quê Phú Bình
Đình làng là nơi thiêng liêng có sự liên kết không thể tách rời giếng làng tạo thành quần thể sinh hoạt văn hóa cộng đồng mỗi dịp lễ, tết hoặc hội làng.

Nếu như giếng làng là nơi người dân trong xóm, trong xã được gặp nhau mỗi ngày thì đình làng lại là nơi thiêng liêng có sự liên kết không thể tách rời giếng làng tạo thành quần thể sinh hoạt văn hóa cộng đồng mỗi dịp lễ, tết hoặc hội làng để người dân đến tỏ lòng thành kính, cầu cho cuộc sống bình an, hạnh phúc.

Ông Dương Văn Oanh, Phó Ban Quản lý di tích Đình Xuân La cho hay: "Từ xưa đến nay, nhiều sự kiện lớn diễn ra trong Đình Xuân La. Di tích Đình Xuân La đã được Nhà nước xếp hạng di tích cấp quốc gia vào ngày 28/12/2001".

Việc giữ gìn nét đẹp “Văn hóa làng” trong quá trình đô thị hóa nông thôn tại Xuân Phương, Phú Bình đã góp phần bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy nội lực của các tầng lớp nhân dân trong phát triển kinh tế, tăng cường tình làng nghĩa xóm, cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc./.