Nâng cao chỉ số hài lòng của cá nhân, tổ chức
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra công tác cải cách hành chính tại Sở Giao thông vận tải Thái Nguyên.

Về kết quả đo lường mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Thái Nguyên (SIPAS), điểm đánh giá cao nhất thuộc về Sở Giao thông vận tải với chỉ số hài lòng là 98,40/100; thấp nhất là Sở Tư pháp và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh với chỉ số hài lòng là 88,30/100. Kết quả trên phản ánh nỗ lực thực hiện công tác cải cách hành chính, đặc biệt là cải thiện chất lượng giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tổ chức, cá nhân của Sở Giao thông vận tải.

Ông Lê Văn Vịnh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thái Nguyên cho biết: “Một năm, trung bình ngành thực hiện 60 nghìn thủ tục hành chính. 100% trong đó đều được xử lý đúng hạn. đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ và kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp”.

Ông Phạm Đăng Thiện, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vận tải Thái Nguyên chia sẻ: “Chúng tôi thấy là việc giải quyết thủ tục hành chính ở Sở Giao thông vận tải đã được đổi mới và làm tích cực, thân thiện với doanh nghiệp, người dân khi sử dụng các dịch vụ của sở”.

Chỉ số này ở các huyện được đánh giá cao nhất cho UBND huyện Phú Lương với chỉ số hài lòng là 98,20 và thấp nhất là UBND thành phố Thái Nguyên với 91,40 điểm. Với rất nhiều nỗ lực trong công tác cải cách hành chính, đây là năm thứ 2 liên tiếp huyện Phú Lương đứng đầu các địa phương về chỉ số này.

Ông Lương Trung Hà, thị trấn Đu, huyện Phú Lương nhận xét: “Hôm nay, tôi đến 1 cửa của huyện đề nghị cấp mới diện tích đất ở tại quê là xã Hợp Thành. Tôi thấy các cán bộ tại văn phòng 1 cửa rất nghiêm túc, nhiệt tình hướng dẫn cụ thể”.

Ông Nguyễn Đình Chinh, Chi cục trưởng Chi cục thuế Khu vực Phú Lương - Định Hóa cho rằng: “Chúng tôi đã quán triệt toàn thể cán bộ, viên chức để làm sao cho người dân đến cơ quan thuế làm việc thấy thân thiện, được quan tâm, hỗ trợ. Đồng thời phải giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cơ quan, doanh nghiệp khi đến giao dịch với cơ quan thuế, để họ có niềm tin vào cơ quan thuế; phối hợp kịp thời trong nộp thuế, hoàn thành nghĩa vụ đạt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra”.

Bà Đỗ Thanh Bình, Phó trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phú Lương cho biết: “Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đã thường xuyên thực hiện tự kiểm tra và rà soát văn bản quy pháp pháp luật trong lĩnh vực của ngành, thực hiện niêm yết công khai 100% các thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo 2 hình thức: đưa thủ tục hành chính lên Cổng thông tin điện tử của huyện và dán niêm yết bằng văn bản để cho các tổ chức, cá nhân đến liên hệ được thuận lợi nhất”.

Nâng cao chỉ số hài lòng của cá nhân, tổ chức
Kết quả chỉ số hài lòng năm 2020 vừa qua của tỉnh Thái Nguyên đạt 94,44% (tăng 0,74% so với năm 2019).

Ngày 18/5/2021, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định số 1551 về công bố kết quả đánh giá, xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2020 của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và kết quả đo lường mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Thái Nguyên năm 2020.

Trên cơ sở kết quả đánh giá trên, UBND tỉnh chỉ đạo, căn cứ kết quả được công bố, các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức quán triệt, rút kinh nghiệm và có giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện Chỉ số cải cách hành chính và nâng cao chất lượng phục vụ tổ chức, cá nhân cho các năm tiếp theo, đặc biệt là đối với những sở, ngành, địa phương ở thứ hạng thấp như Sở Tư pháp.

Ông Nguyễn Hữu Sơn, Phó giám đốc Sở Tư pháp Thái Nguyên nói về giải pháp: “Ngành tư pháp đã tập trung thực hiện các giải pháp chủ yếu. Thứ nhất là sở đã có chỉ đạo đối với cán bộ công chức nâng cao trách nhiệm cá nhân, nhất là những người làm tại bộ phận 1 cửa. Thứ 2, chúng tôi triển khai dịch vụ công mức độ 4 ở đối với các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực tư pháp”.

Qua tổng hợp, kết quả chỉ số hài lòng năm 2020 của tỉnh Thái Nguyên đạt 94,44% (tăng 0,74% so với năm 2019) cho thấy, phần lớn cá nhân, tổ chức hài lòng đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Để tiếp tục cải thiện chỉ số này trong những năm tiếp theo, Thái Nguyên sẽ đưa việc đo lường mức độ hài lòng tổ chức, cá nhân trở thành việc làm thường xuyên để các cơ quan hành chính nhà nước đánh giá lại chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính công, cũng như phân tích, đánh giá, đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ cá nhân, tổ chức đảm bảo mục tiêu đề ra của chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 theo chỉ đạo của Chính phủ. Lấy kết quả chỉ số hài lòng là một trong những tiêu chí quan trọng trong đánh giá, xếp hạng kết quả cải cách hành chính, bình xét thi đua - khen thưởng, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hàng năm./.