Khôi phục lễ hội Gầu Tào người Mông
Mở màn cho lễ hội sẽ là phần nghi thức cúng trang trọng tại khu vực cây nêu

Gầu Tào theo tiếng Mông có nghĩa là “chơi ngoài trời” hay “hội chơi đồi”. Theo tiếng Quan Hỏa, người Mông một số nơi còn gọi là “Say Sán” có nghĩa là “Đạp núi”. Đây là lễ hội truyền thống của người Mông mỗi khi Tết đến Xuân về. Mở màn cho lễ hội sẽ là phần nghi thức cúng trang trọng tại khu vực cây nêu để bày tỏ lòng kính trọng, biết ơn trời đất, cầu mong sơn thần, thổ địa phù hộ độ trì cho bà con nhân dân mạnh khỏe, người người yên vui, các gia đình có người nối dõi tông đường để chăm sóc tổ tiên dòng họ, mùa màng bội thu, ngô lúa đầy sàn, gia súc, gia cầm sinh sôi phát triển.

Việc thực hiện nghi lễ cúng trước khi bắt đầu lễ hội còn là để xin phép thiên địa, thần linh cai quản trong khu vực cho phép người dân được mở hội. Bởi, khi có hội sẽ có những âm thanh vui nhộn, làm huyên náo cả vùng. Đồng thời, cũng xin phép thần linh cho con dân được thụ hưởng lễ vật.

Nghệ nhân Hoàng Văn Dùng, xóm Na Sàng, xã Phú Đô, huyện Phú Lương cho biết: "Chúng tôi tổ chức lễ hội này với mong muốn được các vị thần linh trên trời, thổ công, thổ địa sẽ phù hộ cho bà con bản làng được may mắn, bình an. Lễ vật để dâng cúng được chuẩn bị tuy đơn giản nhưng là lòng thành của người dân tạ ơn thần linh đã bảo vệ cho dân làng".

Khôi phục lễ hội Gầu Tào người Mông
Lễ hội Gầu Tào gắn với hoạt động bảo tồn và trình diễn khèn Mông được tổ chức quy mô và bài bản

Tại ngày hội, đông đảo nhân dân và du khách đã được xem múa khèn, các tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc của người dân tộc Mông cùng nhiều trò chơi dân gian. Đặc biệt, ngoài ý nghĩa ban đầu của lễ hội là cầu phúc, cầu mệnh, đây cũng là dịp để khơi dậy tinh thần bảo tồn văn hóa cho người dân, định hướng cho hoạt động nâng tầm lễ hội trở thành điểm nhấn văn hóa của địa phương, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế xã hội.

Cùng với hoạt động lễ hội, người dân Na Sàng còn được Sở Văn hóa thể thao và Du lịch hỗ trợ kinh phí để tổ chức tập huấn, truyền dạy và sưu tầm nghệ thuật trình diễn khèn Mông. Một lớp học với 20 học viên thuộc nhiều thế hệ của Na Sàng được mở ra, do chính những “Nghệ nhân làng” truyền dạy.

Ông Hoàng Văn Bình, Bí thư Chi bộ xóm Na Sàng, xã Phú Đô, huyện Phú Lương cho biết: "Học khèn không đơn giản nhưng là người Mông lại được các nghệ nhân truyền dạy nên chúng tôi sẽ cố gắng học để thổi khèn thành thạo, biết được thật nhiều bài khen, cùng nhau giữ gìn và truyền dạy cho con cháu".

Bà Lý Thị Chạu, Na Sàng, xã Phú Đô, huyện Phú Lương tâm sự: "Những bài dân ca dân tộc Mông đã được người già sáng tác lâu đời và truyền dạy lại cho mình thì bây giờ mình phải truyền dạy cho con cháu, khi có lễ hội, đám cưới thì còn hát cho nhau nghe, để giữ gìn truyền thống dân tộc mình, đó là tiếng lòng, là bản sắc của người Mông".

Xóm Na Sàng được hình thành từ năm 1990, ban đầu chỉ có 5 hộ. Sau hơn 30 năm, đến nay xóm có 28 hộ với 120 nhân khẩu. Na Sàng là xóm có điều kiện kinh tế còn ở mức thấp so với mặt bằng thu nhập chung của xã. Đã nhiều năm nay, nhân dân ở Na Sàng mong muốn được trao truyền nghệ thuật trình diễn khèn Mông và mở lễ hội Gầu Tào truyền thống của dân tộc.

Ông Phùng Thanh Hà, Chủ tịch UBND xã Phú Đô, huyện Phú Lương cho biết: "Chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch, tập trung tuyên truyền, vận động các hộ dân có ý thức tham gia và đặc biệt là các nghệ nhân. Có kế hoạch để truyền truyền đạt lại cho thế hệ mai sau và từ đó chúng tôi sẽ tiếp tục động viên nhân dân xóm Na Sàng thành lập các câu lạc bộ. Từ đó chúng tôi sẽ có kế hoạch để tổ chức các hoạt động văn hóa trải nghiệm".

Lần đầu tiên lễ hội Gầu tào gắn với hoạt động bảo tồn và trình diễn khèn Mông được tổ chức quy mô và bài bản ở Na Sàng, đem lại niềm tự hào đối với bà con ngươi Mông về lễ hội truyền thống của dân tộc mình. Qua đây, công tác bảo tồn cần có sự chung tay vào cuộc các cấp ngành, cũng như sự đồng lòng, ủng hộ của người dân địa phương để giữ gìn những giá trị văn hóa được lưu truyền và phát huy trong đời sống cộng đồng./.