Luôn được đánh giá là một trong những giáo viên trẻ năng lực, nhiệt huyết, thế nhưng ít ai biết rằng, cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh, hiện đang công tác tại Trường Mầm non phường Đắc Sơn, TP Phổ Yên vẫn chỉ là một giáo viên hợp đồng thuê khoán với mức lương hạn hẹp và một danh xưng không chính danh.

Cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh, Trường mầm non Đắc Sơn, Phổ Yên ngậm ngùi: "Đôi khi cũng chạnh lòng khi mình đi làm nhưng đồng lương ít ỏi không đủ trang trải cuộc sống, nhưng do yêu nghề, mến trẻ nên tôi cũng luôn luôn tự động viên bản thân là sẽ gắn bó với nghề"

Khi nghị quyết song hành cùng thực tiễn
Nghị quyết bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục đã mang đến niềm vui lớn cho nhiều giáo viên hợp đồng

Câu chuyện riêng của cô giáo Quỳnh cũng là nỗi lòng chung của gần 20 nghìn giáo viên hợp đồng thuê khoán sau khi Ngành Giáo dục và Đào tạo thực hiện tinh giản bộ máy theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII, vào đầu năm 2018. Trong khi đó, áp lực tinh giản biên chế, cùng 5 năm dừng tuyển dụng và thực tế tăng cơ học số học sinh do tăng dân số đã khiến bài toán nhân lực ngành giáo dục trên địa bàn đứng trước sự thiếu hụt lớn. Bởi vậy, khi HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết giao bổ sung trên 1.100 biên chế sự nghiệp giáo dục năm học 2022-2023, niềm vui lớn đã đến với hàng nghìn giáo viên hợp đồng thuê khoán.

Cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh, Trường mầm non Đắc Sơn, Phổ Yên chia sẻ: "Khi Nghị quyết được thông qua thì những giáo viên thuê khoán như chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi và luôn nỗ lực ôn tập"

Bà Nguyễn Thị Lượng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, thành phố Phổ Yên chia sẻ niềm vui khi Nghị quyết được ban hành, nhất là đối với địa bàn đặc thù như Phổ Yên: "Đây là sự cụ thể hóa chủ trương của Nhà nước có tính chất cấp thiết, kịp thời giúp ngành Giáo dục và Đào tạo Phổ Yên giảm đi rất nhiều tình trạng quá tải, đặc biệt là đem lại niềm vui hân hoan cho những giáo viên đã có nhiều năm dạy bằng định mức khoán, nay có điều kiện, có thời gian yên tâm với công việc"

Mới đây nhất, tại kỳ họp thứ 12 (kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh vừa qua, Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đầu tư nhà văn hóa - khu thể thao xóm, tổ dân phố, giai đoạn 2023-2025 tỉnh được ban hành đã nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của cử tri và nhân dân trên địa bàn. Với mức hỗ trợ theo thứ tự ưu tiên, từ 250-500 triệu đồng/công trình xây mới; từ 150-300 triệu đồng/công trình sửa chữa và 50 triệu đồng/nhà văn hóa, khu thể thao mua sắm trang thiết bị, Nghị quyết được kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ những bất cập sau khi thực hiện sáp nhập xóm, tổ dân phố, đồng thời nâng cao đời sống văn hóa tinh thần ở cơ sở.

Ông Phạm Hoàng Hùng, Bí thư Chi bộ xóm Nam Thái, xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên vui mừng nói: "Nhân dân, cán bộ rất phấn khởi mong Nghị quyết HĐND sớm đi vào cuộc sống để đảm bảo nhu cầu sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư nói chung và của nhân dân xóm Nam Thái chúng tôi nói riêng"

Đồng chí Phạm Quang Linh, Chủ tịch HĐND huyện Đồng Hỷ cho biết: "Cần rất nhiều nguồn lực mà việc đối ứng của nhân dân để làm nhà văn hóa cũng như là xây dựng các cơ sở hạ tầng khác còn hết sức khó khăn, do đó việc HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết này là hết sức cần thiết và giúp cho các địa phương, trong đó có Đồng Hỷ để hoàn thiện các tiêu chí nhà văn hóa, về đích nông thôn mới"

Có thể khẳng định, gần 250 Nghị quyết được HĐND tỉnh ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến nay đều đảm bảo chất lượng, đúng quy định của pháp luật, sát thực tiễn và có tính khả thi cao. Ngoài minh chứng ở trên, còn có thể kể đến là các Nghị quyết, như: Quy định chế độ bồi dưỡng cho người làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát dịch Covid-19; Nâng mức hỗ trợ đối với cán bộ không chuyên trách ở cơ sở; Nâng mức hỗ trợ đối với công an cấp xã; Quy định hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng xây dựng nông thôn mới, hoàn thiện các tiêu chí đô thị; các Nghị quyết chuyên đề về giám sát kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri…Cùng với đó, việc sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh các Nghị quyết đang có hiệu lực thi hành cũng được thực hiện kịp thời, nhằm đảm bảo nguyên tắc phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Đồng chí Mai Thị Thúy Nga, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên:" Từ đầu nhiệm kỳ đến nay HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc điều chỉnh các Nghị quyết đang có hiệu lực pháp luật khoảng trên 50 Nghị quyết, trước hết để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, đồng thời cũng giải quyết được một phần các ý kiến, kiến nghị hợp pháp của cử tri"

Khi nghị quyết song hành cùng thực tiễn

Nghị quyết là sản phẩm, là thước đo sự hiệu quả và thành công của mỗi kỳ họp. Nghị quyết cũng chính là công cụ để HĐND cụ thể hóa các văn bản của Trung ương, đường lối, chính sách của Đảng vào thực tiễn quản lý nhà nước tại địa phương. Do đó, việc không ngừng nâng cao chất lượng ban hành nghị quyết của HĐND luôn là một vấn đề quan trọng cấp thiết được đặt ra. Nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều đổi mới phù hợp, để các Nghị quyết được ban hành đảm bảo tính khả thi và đạt hiệu quả cao khi đi vào cuộc sống.

Đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên: "Nếu tổ chức nhiều kỳ họp mà không chuẩn bị từ sớm, từ xa, không chuẩn bị tốt thì chất lượng của Kỳ họp cũng như chất lượng của các Nghị quyết sẽ không đáp ứng được nhu cầu. HĐND không có tâm lý thụ động, bị động chờ UBND tỉnh trình mà chúng ta cùng đồng hành tham gia ngay từ đầu vào các khâu để triển khai tổ chức thực hiện những nhiệm vụ của mình, cùng đồng hành với UBND trong thực hiện các nhiệm vụ vì mục tiêu phát triển kinh tế xã hội"

Đúng như khẳng định của đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh, để nâng cao chất lượng các Nghị quyết được ban hành phải bắt đầu thay đổi từ quan điểm chủ động trong công tác chuẩn bị kỳ họp. Như vậy, thay vì bị động chờ các nội dung do UBND tỉnh trình, ở nhiệm kỳ này, căn cứ kết quả giám sát giữa hai kỳ họp, HĐND tỉnh nghiên cứu, xem xét, lựa chọn các nội dung, vấn đề cần thiết phải ban hành cơ chế, chính sách, kiến nghị UBND tỉnh xây dựng và trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết để triển khai tổ chức thực hiện. Cụ thể hóa quan điểm này, Thường trực HĐND tỉnh đã ban hành quy trình thẩm tra các nội dung trình tại kỳ họp thường lệ, đảm bảo đúng các quy định và theo hướng chủ động, chuyên sâu.

Đại biểu Lê Văn Tâm, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh Thái Nguyên khẳng định: "Các ban của HĐND đã đồng hành cùng với các cơ quan tham mưu của Ủy ban nhân dân tỉnh để nghiên cứu, thảo luận, đóng góp những ý kiến ngay từ đầu, đồng thời cũng tiến hành các hoạt động khảo sát một cách ngẫu nhiên. Qua công tác khảo sát như vậy thì đã giúp cho Ban đánh giá về tình hình thực tiễn một cách chính xác và đầy đủ hơn theo quy định của pháp luật"

Các báo cáo thẩm tra đều được xây dựng theo hướng nêu rõ quan điểm, chính kiến, không chỉ mang tính phản biện mà còn mang tính xây dựng, tính thuyết phục cao; đồng thời khẳng định rõ những nội dung thống nhất, những nội dung chưa thống nhất, làm căn cứ để cơ quan soạn thảo điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện.

Đồng chí Hà Văn Dương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên: "Nhờ có sự phối hợp chặt chẽ như vậy từ các khâu ban đầu cho nên quá trình xây dựng Nghị quyết luôn đảm bảo đúng theo quy định pháp luật và khi trình HĐND tỉnh thì được các đại biểu đồng thuận, thống nhất cao, khi ban hành các Nghị quyết thì cũng đảm bảo tính khả thi, thiết thực và hiệu quả"

Khi nghị quyết song hành cùng thực tiễn
Thường trực HĐND tỉnh Thái Nguyên thực hiện nghiêm túc theo Nghị quyết 594 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Đáng chú ý, từ kỳ họp thứ 10, thực hiện Nghị quyết số 594 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngoài việc tổ chức để các đại biểu HĐND tỉnh thảo luận tại kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh Thái Nguyên còn yêu cầu các Tổ đại biểu HĐND tỉnh tổ chức cho đại biểu thảo luận trước, qua đó góp phần tăng số lượng đại biểu được tham góp ý kiến và nâng cao chất lượng thảo luận chung.

Đại biểu Phạm Duy Hùng, Tổ trưởng tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Đại Từ: "Các đại biểu trước khi tham dự kỳ họp, khi nhận tài liệu thì đều tổ chức sinh hoạt ở các tổ đại biểu, thảo luận thống nhất và tham gia rất nhiều các ý kiến trước khi tới kỳ họp. Đồng thời vai trò của các tổ đại biểu sau khi tham gia biểu quyết thì phải tham gia giám sát như vậy thì sẽ sát với điều kiện thực tế của địa phương"

Ngoài ra, nhằm đẩy mạnh số hóa hoạt động của cơ quan dân cử, việc HĐND tỉnh triển khai kỳ họp “không giấy” đã giúp đại biểu có điều kiện tiếp cận tài liệu kỳ họp thuận lợi và nhanh chóng hơn, qua đó vừa nâng cao trách nhiệm của đại biểu, vừa nâng cao chất lượng kỳ họp. Đặc biệt, phát huy vai trò điều hành của chủ tọa kỳ họp, nhiệm kỳ này, thay vì phải dành khoảng 1/3 thời gian nghe đọc báo cáo như trước, thì nay nhờ áp dụng “kỳ họp không giấy” và định hướng lựa chọn nội dung trọng tâm thảo luận của chủ tọa, đã không chỉ nâng cao vai trò phản biện của đại biểu, mà còn giúp tăng thời gian cho việc thảo luận, giải trình, chất vấn và trả lời chất vấn; rút ngắn thời gian và nâng cao hiệu quả các kỳ họp… Cũng nhờ đó, bản lĩnh, trí tuệ và trách nhiệm của các đại biểu dân cử, nhất là các đại biểu chuyên trách được phát huy tối đa.

Đại biểu Trần Văn Khương, Trưởng ban Pháp chế, HĐND tỉnh Thái Nguyên: "Đại biểu hoạt động chuyên trách phải là lực lượng tiên phong dẫn dắt hoạt động thảo luận chất vấn, nhất là những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau trước khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết. Điều cốt lõi là khi nắm bắt được vấn đề cần phải đưa ra thảo luận, chất vấn, nhất là những vấn đề gai góc, phức tạp, thì đại biểu chuyên trách lúc này cần phải thể hiện bản lĩnh trách nhiệm đưa vấn đề ra thảo luận tại các kỳ họp"

Thay đổi phù hợp để các Nghị quyết được ban hành đảm bảo các yếu tố pháp lý và đi vào cuộc sống là nỗ lực của HĐND tỉnh Thái Nguyên trong đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, thực tế cũng đặt ra nhiều vấn đề, thậm chí là cả những thách thức đối với quá trình ban hành Nghị quyết của một cơ quan dân cử. Trong đó, yếu tố chủ quan, chính là bản lĩnh và năng lực của đại biểu dân cử.

Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên phát biểu: "Trách nhiệm thông qua Nghị quyết theo thẩm quyền hết sức quan trọng. Chúng ta không thể nghĩ rằng đây là chủ trương, là dự án rồi, thủ tục có thể thiếu một chút, quy định có thể chưa đúng một chút thì chúng ta cũng thông qua, thì kính mong các vị đại biểu Hội đồng nhân dân hãy phát huy vai trò làm chủ và đặc biệt là trách nhiệm trước người dân, những người đã bỏ lá phiếu cho chúng ta để tham gia thảo luận một cách thấu đáo, thận trọng có trách nhiệm, có thể là cả gay gắt, phản biện đối với những nội dung mà trình ở Hội đồng nhân dân".

Có thể khẳng định, những thay đổi phù hợp đã góp phần để các nội dung trình kỳ họp được nghiên cứu, làm rõ trước khi quyết nghị. Đó cũng là tiền đề để các Nghị quyết của HĐND tỉnh Thái Nguyên sau khi được ban hành, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát triển. Thực tiễn cho thấy, việc ban hành Nghị quyết đúng, trúng, kịp thời sẽ tạo ra hành lang pháp lý vững chắc, cởi bỏ những nút thắt, điểm nghẽn, tạo sung lực mới cho sự phát triển. Thực tế ấy cũng đòi hỏi HĐND tỉnh và mỗi đại biểu dân cử phải ngày càng nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động, xứng đáng với niềm tin, sự kỳ vọng của cử tri và nhân dân trên địa bàn./.