Hội An chấn chỉnh tình trạng du lịch bát nháo ở rừng dừa Bảy Mẫu
Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp hoạt động tại khu vực rừng dừa Bảy Mẫu thuộc thôn Vạn Lăng và Thanh Tam Đông (xã Cẩm Thanh), thời gian qua, tại đây đã xảy ra rất nhiều tình trạng cò kéo, tranh giành khách làm mất đi một hình ảnh của một vùng quê yên ắng và thanh bình.
Khách nước ngoài tham quan vườn dừa Bảy Mẫu |
Ngoài ra, số lượng thuyền du lịch trên phố cổ cũng đổ xô xuống thôn Vạn Lăng gây ra tình trạng mất an toàn giao thông; xuất hiện một loại hình bơi thúng chai với một cái thùng loa (giống thùng loa của người bán kẹo kéo, cà rem) mở công suất cực đại. Họ vừa mở nhạc vừa chèo thúng cho du khách (đa phần là khách Trung Quốc, Đài Loan).
Loa nhạc to "như tiếng đại bác" xập xình phá nát không gian yên tịnh của rừng nước vốn rất nổi tiếng làm nên thương hiệu du lịch của Cẩm Thanh. Có nhiều du khách từ Châu Âu, Châu Mỹ cũng than phiền về tiếng ồn này.
Du khách rất thích thú với các món quà làm từ lá dừa |
Ông Kh., một doanh nghiệp chuyên làm dịch vụ đưa khách đến đây bức xúc: “Điều này đã tác động cực kì xấu đến hình ảnh du lịch của Cẩm Thanh và Hội An. Thiết nghĩ đây là việc rất quan trọng liên quan đến sự phát triển du lịch sinh thái văn hoá bền vững”.
Ông Kh. cũng đưa ra một vài góp ý để du lịch tại đây phát triển tốt hơn như: Bắt buộc khách mặc áo phao khi bơi thúng chai; mỗi thúng chỉ được chở 2 người; cấm bắt cấy (họ hàng nhà cua) màu tím, màu cam, màu đỏ vì những con này rất có giá trị sinh thái giúp cân bằng sinh thái trong rừng dừa; cấm chặt phá và bứt phá lá dừa; chấn chỉnh lại vấn đề về cạnh tranh không lành mạnh.
Ông Kh. cũng phản ảnh có nhiều người dân tự đứng ra tổ chức tour mà không hề có bất cứ một tư cách pháp nhân nào. Họ tự hạ giá giảm giá dẫn đến tình trạng cạnh tranh không công bằng. Hiện tại mỗi thúng chai bơi là 75 ngàn đồng. Đề nghị tăng mức bơi thúng lên 150-200 ngàn đồng/1 thúng để giúp bà con cộng đồng có thu nhập tốt hơn.
TP Hội An yêu cầu chấn chỉnh tình trạng bác nháo ở vườn dừa Bảy Mẫu |
Ngoài ra, ông Kh. cũng đề nghị mở các lớp học làm du lịch bài bản dạy cho tổ cộng đồng làm du lịch chuyên nghiệp hơn; tìm kiếm những người trẻ có nhiệt huyết với du lịch, có trình độ về du lịch, đam mê du lịch để thay thế cho những người không có trình độ; khơi thông các kênh mương mới ở đây…
Trước đề nghị của những đơn vị làm du lịch chân chính, UBND TP Hội An đã tổ chức một cuộc họp với các đơn vị liên quan để chấn chỉnh tình trạng này. Sau cuộc họp, ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch TP Hội An cũng đã có kết luận về vụ việc.
Ông Sơn thừa nhận, tình trạng hoạt động du lịch – dịch vụ tại vườn dừa Bảy Mẫu vẫn còn chưa chuyên nghiệp, chủ yếu phát triển tự phát dẫn đến tình trạng nhếch nhác, mất trật tự, gây xáo trộn, ảnh hưởng xấu đến cảnh quan yên bình và nguồn tài nguyên, sinh thái của khu vực vườn dừa Bảy Mẫu nói riêng và khu vùng đệm của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm nói chung.
Nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Sơn là do công tác quản lý nhà nước về du lịch của địa phương còn lỏng lẻo; sự phối hợp giữa địa phương và các ngành thiếu chặt chẽ, chưa triển khai kịp thời các công việc được TP giao theo đúng kế hoạch đã đề ra; nhận thức của các hộ dân và doanh nghiệp về du lịch cộng đồng chưa cao, còn chạy theo lợi nhuận và nhu cầu của một bộ phận du khách mà chưa chú trọng giữ gìn các giá trị về sinh thái của du lịch Cẩm Thanh…
Để chấn chỉnh tình trạng này, TP Hội An yêu cầu xã Cẩm Thanh, Phòng TM-DL, Phòng quản lý đô thị, Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm tăng cường hơn nữa các biện pháp quản lý, tập trung các giải pháp, biện pháp bảo vệ các khu vực dừa nước tại Cẩm Thanh; cùng với Sở VH-TT&DL tỉnh phối hợp xử lý các trường hợp hoạt động kinh doanh có hành vi vi phạm quy định của pháp luật…