Bảo tồn di sản gắn với lợi ích người dân
Trong bài viết "Xâm hại Di sản Huế ngày càng nghiêm trọng: Sống bám trên di sản", chúng tôi đã đề cập tới tình trạng xâm hại di sản Huế ngày càng nghiêm trọng, chưa phục vụ tốt cho phát triển du lịch. Theo qui định, trong hồ sơ tái đề cử cho Quần thể Di tích Cố đô Huế bắt buộc phải gắn với kế hoạch trùng tu tôn tạo di tích, xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa cộng đồng với di sản.
Hàng chục năm nay, hàng nghìn hộ dân xây dựng công trình, cơi nới nhà cửa, sản xuất quanh khu vực 1 thuộc Kinh Thành Huế, vô tình xâm phạm nghiêm trọng lên Di sản Văn hóa Thế giới.
Vẫn còn hơn 1.200 hộ dân sinh sống trên ở khu vực Eo Bầu - Thượng Thành Kinh thành Huế. |
Khi quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, Thượng Thành - Eo Bầu trở thành khu vực I di tích, người dân nơi đây bị “trói chặt” với những quy định bảo vệ nghiêm ngặt của Luật Di sản Văn hoá. Đi không được mà ở cũng không xong, nhà ở dột nát, xuống cấp không được sửa chữa, cơi nới hoặc xây mới.
Bà Nguyễn Thị Nhũ, người dân sống ở khu vực Thượng Thành Huế cho biết, bà con chờ giải tỏa gần 20 năm nay: "Bà con hầu hết sống tạm bợ, vì đây là khu giải tỏa. Bà con cũng trong chờ được di dời đi nơi khác để có cuộc sống ổn định."
Ông Lê Đình Khánh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, 95% số tiền bán vé thu được từ khai thác du lịch của tỉnh Thừa Thiên - Huế được đầu tư trở lại cho việc trùng tu, tôn tạo, bảo tồn các di sản, bình quân mỗi năm khoảng 100 tỷ đồng.
Một góc Kinh Thành Huế bị nhà dân xây dựng lấn chiếm. |
Tuy nhiên, số tiền này chỉ đáp ứng được 50% so với nhu cầu thực tế. Ông Lê Đình Khánh thừa nhận, địa phương còn lúng túng trong việc hỗ trợ người dân: "Khả năng nguồn lực của tỉnh, hỗ trợ của Trung ương và các tổ chức quốc tế cũng chỉ ở mức độ. Nguồn lực mặc dầu có hạn, chúng tôi lồng ghép nhiều nguồn lực để phát huy di sản này một cách tốt nhất, tăng khả năng nguồn thu tiếp tục quay trở lại đầu tư cho di tích Huế".
Sự chậm trễ trong khâu giải tỏa các hộ dân, công trình xâm hại di tích làm cho công tác trùng tu, tôn tạo Di tích Cố đô Huế cũng bị đình trệ. Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cô đô Huế cho biết, Huế là cố đô duy nhất ở Việt Nam giữ được Kinh thành gần như nguyên vẹn. Vì vậy, tuyến du lịch tham quan Thượng Thành và Kỳ đài Kinh thành Huế là điểm nhấn mang đến cho du khách những trải nghiệm mới lạ. Rất tiếc, công trình vẫn chưa được trùng tu do vướng việc giải tỏa. Tỉnh Thừa Thiên - Huế đang xây dựng hồ sơ tái đề cử vinh danh một lần nữa Quần thể Di tích Huế là Di sản Cảnh quan Văn hóa Thế giới theo khuyến nghị của UNESCO và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Nhiều đoạn tường thành bị nứt nẻ, hư hỏng do tác động của dân cư sống lâu năm trên Thượng Thành. |
Theo ông Phan Thanh Hải thì các di tích khi đề cử hoặc tái đề cử đều phải gắn với kế hoạch di dời, giải tỏa người dân trong vùng lõi sớm ổn định đời sống và trùng tu, tôn tạo để phát huy giá trị của di sản. Ngoài ra, phải xây dựng mối quan hệ lợi ích giữa cộng đồng dân cư trong lòng di sản với khâu bảo vệ di tích.
Ông Phan Thanh Hải lo ngại, việc giải tỏa và ổn định đời sống người dân cũng là một “áp lực” rất lớn đặt ra cho chính quyền và các ban ngành địa phương: "Giải toả dân cư trong vùng di tích là cả một vấn đề rất lớn đối với Cố đô Huế. Riêng trong khu vực Kinh thành Huế có 10 điểm nóng nhất cần có kế hoạch giải tỏa đầu tiên. Tôi nghĩ phải có chiến lược, có lộ trình cho Thừa Thiên - Huế trong việc xây dựng cơ chế đặc thù trong việc di dời giải phóng dân cư trong vùng di tích".
Ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho rằng, để được vinh danh lần thứ hai, bên cạnh các giá trị nổi bật toàn cầu, thì việc bảo vệ cảnh quan di tích cố đô Huế cũng rất quan trọng, trong đó cần quan tâm hài hoà lợi ích giữa cộng đồng người dân sống trong di tích với công tác bảo tồn. "Các ngành, các cấp của tỉnh Thừa Thiên - Huế phải tập trung quan tâm cùng với ngành di sản để bảo vệ được di sản. Chúng ta nếu tiếp tục đề nghị UNESCO tái đề cử giá trị cảnh quan văn hóa thì giá trị của di sản Huế tăng lên rất nhiều và nó sẽ là động lực tiếp tục phát triển kinh tế xã hội của tỉnh", ông Trần Đình Thành nói.
Đầu năm nay, khi làm việc với Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Di sản Cố đô Huế là tài sản quý giá của quốc gia, việc bảo tồn và gìn giữ di sản quí báu này là trách nhiệm chung của cả nước.
Vì vậy, tỉnh Thừa Thiên - Huế cần đề xuất cơ chế đặc thù về di dời, hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân trong phạm vi khu vực I di tích Huế. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ kinh phí phù hợp.
Người dân tự làm nhà trên Thượng Thành để ở. |
Phó Giáo sư - Tiến sỹ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Việt Nam cho rằng, bảo tồn di sản cần gắn với lợi ích của người dân: "Nếu nguồn lực của tỉnh Thừa Thiên - Huế không đủ, chúng ta đặt vấn đề với Chính phủ. Đồng chí Thủ tướng trong bài nói chuyện với Huế đã nói rồi, phải phát huy lợi thế cạnh tranh, mà cư dân sống trên Thượng Thành làm hạn chế lợi thế cạnh tranh của Huế. Vấn đề chúng ta đặt nó ra, trao đổi, tìm ra những giải pháp khoa học, minh chứng được cái đó cần được ưu tiên, thì tôi nghĩ, chúng ta sẽ huy động được nguồn lực xã hội để xử lý vấn đề này".
Quần thể Di tích Cố đô Huế là di sản đầu tiên của Việt Nam được UNESCO ghi danh là di sản Văn hóa Thế giới. Trong đó, giá trị về thiết kế cảnh quan là một trong những yếu tố cấu thành nên giá trị nổi bật toàn cầu của di sản này.
Tuy nhiên, hàng loạt di tích đang bị xâm hại nghiêm trong thời gian dài làm phá vỡ cảnh quan, tính toàn vẹn của di tích, chưa phát huy tốt giá trị di sản trong phát triển du lịch. Bảo tồn di sản, đã đến lúc tỉnh Thừa Thiên - Huế không thể chậm trễ hơn nữa./.