Ứng dụng công nghệ số trong quảng bá, phát huy giá trị di sản văn hóa
Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên đã, đang tiến hành số hóa và xây dựng bảo tàng ảo 3D để công chúng có thể trải nghiệm và tương tác với hiện vật. |
Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên với hơn 34.000 tài liệu, hiện vật về di vật của người tiền sử ở Thần Sa, các bộ sưu tập liên quan đến quá trình phát triển của địa phương… đã, đang tiến hành số hóa và xây dựng bảo tàng ảo 3D để công chúng có thể trải nghiệm và tương tác với hiện vật.
Bà Lương Thị Duyên, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên cho hay: "Đây là việc làm cần thiết, giúp cho Bảo tàng có cơ hội giới thiệu đến khách tham quan những bộ sưu tập hiện nay Bảo tàng đang gìn giữ; tạo điều kiện cho việc khai thác, tra cứu thông tin, giới thiệu đến đông đảo nhân dân".
Ban Quản lý các Khu di tích lịch sử sinh thái ATK Định Hóa đã thực hiện phần mềm du lịch thông minh hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số. |
Còn tại Ban Quản lý các Khu di tích lịch sử sinh thái ATK Định Hóa thì đến nay đã thực hiện phần mềm du lịch thông minh hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số, du khách có thể truy cập bản đồ số 2D, 3D và VR 360 đối với các điểm di tích. Việc ứng dụng công nghệ số đã tạo ra những hiệu quả tích cực trong công tác quản lý cũng như quảng bá các điểm di tích đến với du khách.
Anh Bùi Văn Đạt, Trưởng phòng Bảo quản thông tin tuyên truyền, Ban Quản lý các Khu di tích lịch sử sinh thái ATK Định Hóa cho biết: "Khu di tích ATK sẽ cung cấp các bài giới thiệu, thuyết minh các điểm di tích trên hình 3D".
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có trên 800 di tích, danh thắng, hơn 500 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 17 di sản của người thiểu số được vinh dự công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia cùng vài chục nghìn hiện vật đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh. Với một hệ thống tương đối phong phú các di sản đang có, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số đang được các cấp, ngành, địa phương, đơn vị tích cực thực hiện và coi đây là một cách thức hiệu quả góp phần phát huy giá trị các di sản đang có./.