Bảo tồn giá trị di sản văn hóa
Đề án Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của Trà Thái Nguyên nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa đặc sắc của Trà Thái Nguyên; khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới.

Đề án Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của Trà Thái Nguyên nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa đặc sắc của Trà Thái Nguyên; khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới; giới thiệu giá trị văn hóa Trà Việt Nam với đông đảo nhân dân trong nước và quốc tế được thực hiện từ năm 2013 đến nay được coi là một trong những kết quả nổi bật trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa được tỉnh Thái Nguyên thực hiện.

Ông Mông Đông Vũ, Nhà nghiên cứu văn hóa Trà Thái Nguyên chia sẻ: "Ở Việt Nam có rất nhiều vùng chè, nhưng để tìm ra cái thần của chè thì chỉ Thái Nguyên mới có".

Bảo tồn giá trị di sản văn hóa
Thái Nguyên tự hào với trên 1.000 di tích được bảo vệ, phát huy giá trị theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; 550 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, lập danh mục.

Thái Nguyên tự hào với trên 1.000 di tích được bảo vệ, phát huy giá trị theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; 550 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, lập danh mục; trong đó có 17 di sản của người thiểu số được vinh dự công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; đặc biệt, di sản thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, trong đó có tỉnh Thái Nguyên được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Cùng với đó, là vài chục nghìn hiện vật liên quan đến sự hình thành và phát triển của Thái Nguyên từ lịch sử đến hiện tại đang được bảo tồn, lưu giữ. Ðây là nguồn tài liệu quý, là cơ sở quan trọng để nhận diện, xác định sức sống của từng di sản và làm cơ sở để bảo tồn, phát huy giá trị trong cộng đồng. Đặc biệt, nhiều di sản đã được đầu tư, phục dựng và đang dần trở thành một sản phẩm du lịch đặc sắc có thể đẩy mạnh khai thác.

Ông Đỗ Văn Quyền, Câu lạc bộ Soọng Cô xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ cho hay: "Chúng tôi vận động các cụ về dạy tiếng nói, từ đó mới duy trì được bài hát dân tộc".

Có thể khẳng định, hầu hết di sản văn hóa ở Thái Nguyên đang được bảo tồn và phát huy hiệu quả. Đó chính là cơ sở để tiếp tục thực hiện những mục tiêu mới trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa địa phương.

Bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên cho biết: "Quá trình xây dựng quy hoạch tổng thể của tỉnh Thái Nguyên sẽ quan tâm đặc biệt đến vấn đề kiến trúc, môi trường, tri thức và sự tham gia của cộng đồng để bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa trong phát triển kinh tế; huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư để gìn giữ, phát huy hiệu quả nhất các giá trị di sản văn hóa".

Hiện, tỉnh Thái Nguyên đã, đang triển khai Đề án “Hỗ trợ hoạt động quản lý, đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025”. Theo đó, sẽ thực hiện số hóa toàn bộ hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; sưu tầm, phục dựng, tư liệu hóa từ 10-15 di sản văn hóa phi vật thể; hỗ trợ xây dựng và hoạt động các mô hình câu lạc bộ, hợp tác xã thực hành, truyền dạy, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể gắn với phát triển đời sống cộng đồng… Đề án được triển khai sẽ là cơ sở để Thái Nguyên thực hiện bảo vệ bền vững di sản cho các thế hệ sau./.