Điều gì khiến Việt Nam đứng thứ 14 trong 15 điểm đến tốt nhất cho người nước ngoài 2023?
Báo cáo thường niên Expat Insider 2023 của InterNations đã thực hiện khảo sát 12.000 người từ 171 quốc gia, vùng lãnh thổ dựa trên 56 tiêu chí. Kết quả cuối cùng, 4 quốc gia dẫn đầu danh sách 2023 gồm Mexico, Tây Ban Nha, Panama và Malaysia. 11 quốc gia/vùng lãnh thổ còn lại lần lượt gồm Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Costa Rica, Philippines, Bahrain, Bồ Đào Nha, UAE, Oman, Indonesia, Việt Nam và Brazil.
Việt Nam - nơi đáng đến cho cuộc sống có giá cả phải chăng
Ở chỉ số “Tài chính cá nhân”, báo cáo Expat Insider 2023 của InterNations nhận định: “Việt Nam là bất khả chiến bại”, “Việt Nam là nơi đáng đến cho cuộc sống có giá cả phải chăng”.
Nhận định này dựa trên cơ sở Việt Nam tiếp tục giữ vị trí số 1 về chỉ số “Tài chính cá nhân”, vị trí dẫn đầu từ năm 2022. Mexico và Philippines lần lượt đứng ở vị trí thứ 2 và thứ 3 của chỉ số này.
Chỉ số “Tài chính cá nhân” của cuộc khảo sát Expat Insider 2023 được thực hiện với 53 điểm đến trên khắp thế giới, với quy mô mẫu tối thiểu là 50 người trả lời cho mỗi điểm đến. Chỉ số này dựa trên ba yếu tố: “Sự hài lòng với tình hình tài chính”; “Chi phí sinh hoạt chung” và “Liệu thu nhập hộ gia đình khả dụng của người trả lời có đủ để có một cuộc sống thoải mái hay không”.
Theo kết quả khảo sát, Việt Nam đứng đầu ở hai yếu tố của chỉ số và chỉ bỏ lỡ top 3 ở yếu tố thứ ba. Hơn 3/4 số người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam được hỏi (77%) đánh giá chi phí sinh hoạt ở mức thuận lợi (so với 44% trên toàn cầu). Tỷ lệ này hơn gấp ba lần mức trung bình toàn cầu nói rằng “rất tốt” (43% so với 13%). Người nước ngoài hài lòng với tình hình tài chính của họ (71% so với 58% trên toàn cầu) - gần 2/5 (39%) thậm chí hoàn toàn hài lòng (so với 21% trên toàn cầu).
“Điều tôi yêu thích nhất ở Việt Nam là chi phí sinh hoạt thấp”, một người Mỹ sống tại Việt Nam tham gia khảo sát cho biết.
Trong một lần nói chuyện gần đây với phóng viên, nói về quyết định lựa chọn Đà Nẵng, Việt Nam là nơi sinh sống hơn 11 năm qua sau khi đã đi qua nhiều đất nước, ông Darin, quốc tịch Canada, năm nay 60 tuổi cho biết: “Ở Việt Nam đi đâu cũng có cảnh đẹp, sinh hoạt phí rẻ. Nhưng hơn hết là tôi thấy ở Việt Nam rất an toàn, tỷ lệ tội phạm thấp. Và đặc biệt là người dân Việt Nam rất thân thiện, sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau và cả với người nước ngoài”.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, khoảng 7/10 số người được hỏi (71%) đồng ý rằng thu nhập khả dụng của hộ gia đình họ là quá đủ để có một cuộc sống thoải mái ở Việt Nam (so với 44% trên toàn cầu). Và hơn 1/4 số người được hỏi (27%) thậm chí còn cho rằng như vậy là quá đủ (so với 6% trên toàn cầu).
Một khía cạnh thú vị khác là gần 1/3 số người làm việc tại Việt Nam (32%) là những nhà quản lý/điều hành cấp cao (so với 12% trên toàn cầu). Một khía cạnh thú vị khác là gần 1/3 số người làm việc tại Việt Nam (32%) là những nhà quản lý/điều hành cấp cao (so với 12% trên toàn cầu).
Expat Insider 2023, InterNations
Việt Nam còn được cộng đồng người nước ngoài đánh giá là thân thiện, dễ dàng kết bạn khi đứng thứ 14 ở chỉ số “Dễ dàng định cư”, với các yếu tố tích cực “Sự thân thiện của người địa phương” (ở vị trí 5), “Dễ dàng kết bạn” (vị trí thứ 11) và “Văn hóa và sự chào đón” (đứng ở vị trí thứ 16).
Ngoài ra, Việt Nam còn nằm trong nhóm quốc gia châu Á được người nước ngoài đánh giá cao ở chỉ số “Làm việc ở nước ngoài” (đứng thứ 29). Trong 4 yếu tố đánh giá của chỉ số này, Việt Nam đứng thứ 6 về yếu tố “Công việc và giải trí”, đứng thứ 17 về yếu tố “Lương và độ bảo đảm công việc”. 2 yếu tố còn lại là “Triển vọng nghề nghiệp” và “Văn hóa công việc và sự hài lòng” lần lượt ở vị trí 37 và 44.
Người nước ngoài ở Việt Nam tham gia khảo sát Expat Insider 2023. (Nguồn: InterNations) |
Tuy nhiên, ở chỉ số “Chất lượng sống” có 1 số yếu tố Việt Nam không được đánh giá cao như: “Các lựa chọn giải trí, thư giãn” (vị trí thứ 31), “An ninh và an toàn” (vị trí thứ 34), “Đi lại và quá cảnh” và “Chăm sóc y tế” (vị trí thứ 44). Yếu tố “Môi trường và khí hậu”, Việt Nam cùng Indonesia, Ấn Độ và Philippines là những nước châu Á có chất lượng kém.
Ở chỉ số “Những điều cần thiết cho người nước ngoài”, Việt Nam chỉ đứng thứ 44 khi chỉ có 1 yếu tố được đánh giá cao nhất là “Nhà ở” với vị trí thứ 7, và không được đánh giá cao ở 4 yếu tố còn lại gồm: “Cuộc sống số”, “Các chủ đề quản trị” và “Ngôn ngữ”.
Khảo sát quy mô lớn nhưng không nhằm chứng thực
InterNations cho biết, cuộc khảo sát Expat Insider 2023 được thực hiện từ ngày 1/2 đến ngày 28/2/2023. Bảng câu hỏi trực tuyến được quảng bá thông qua cộng đồng InterNations, bản tin của công ty và hồ sơ truyền thông xã hội của công ty, nhưng phản hồi không chỉ giới hạn ở mạng lưới thành viên của InterNations.
Đối tượng mục tiêu bao gồm tất cả các đối tượng người nước ngoài, từ những người nước ngoài được chuyển công tác - tức là những nhân viên được công ty cử đi công tác ở nước ngoài - và những người nước ngoài được thuê cho đến những người nước ngoài tự thân chuyển nơi ở để có chất lượng cuộc sống tốt hơn và nhiều lý do khác.
Tổng cộng có 12.065 người nước ngoài tham gia cuộc khảo sát, đại diện cho 171 quốc tịch và sống ở 172 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Các kết quả được công bố trong báo cáo này dưới dạng xếp hạng tổng thể các điểm đến phổ biến của người nước ngoài, cũng như thông tin bổ sung về 5 chỉ số chủ đề: Chất lượng cuộc sống, Sự dễ dàng định cư, Làm việc ở nước ngoài, Tài chính cá nhân và Những điều cần thiết cho người nước ngoài.
Một quốc gia/vùng lãnh thổ cần có quy mô mẫu gồm ít nhất 50 người trả lời khảo sát để được liệt kê ở bất kỳ chỉ số và xếp hạng tổng thể. Năm 2023, có 53 điểm đến đáp ứng yêu cầu này. Tuy nhiên, ở nhiều điểm đến, cỡ mẫu vượt quá 75 hoặc thậm chí 100 người trả lời. Thí dụ, ở Đức, gần 1.000 người nước ngoài đã tham gia cuộc khảo sát Expat Insider 2023 .
Đối với bảng xếp hạng, những người tham gia khảo sát được yêu cầu đánh giá 56 yếu tố khác nhau liên quan đến các khía cạnh khác nhau của cuộc sống người nước ngoài theo thang điểm từ 1-7. Quá trình xếp hạng nhấn mạnh sự hài lòng cá nhân của người trả lời đối với các yếu tố này và xem xét cả các chủ đề mang tính cảm xúc (thí dụ: kết bạn với người địa phương) và các khía cạnh thực tế hơn (thí dụ: chi phí nhà ở) với trọng số ngang nhau.
Xếp hạng của người trả lời về các yếu tố riêng lẻ được nhóm lại theo nhiều cách kết hợp khác nhau cho tổng số 16 danh mục phụ và giá trị trung bình của chúng được sử dụng để tạo ra 5 chỉ số chuyên đề được đề cập ở trên. 5 chỉ số này, cũng như các câu trả lời cho câu hỏi “Nói chung, bạn thấy hạnh phúc như thế nào với cuộc sống ở nước ngoài?”, sau đó được tính trung bình để đưa ra xếp hạng tổng thể của quốc gia.
Song InterNations cũng nhấn mạnh: “Việc xếp hạng kết quả không nhằm mục đích chứng thực bất kỳ điểm đến cụ thể nào. Nó đúng hơn là sự so sánh về cách người nước ngoài đánh giá cuộc sống hàng ngày của họ ở nước ngoài và các chỉ số không bao gồm từng khía cạnh có thể có của cuộc sống ở nước ngoài”./.