Gìn giữ văn hóa Then trong đời sống
Khơi dậy niềm đam mê và giáo dục định hướng chính là giải pháp để xây dựng thế hệ kế cận, góp phần lưu giữ và phát huy các làn điệu nhạc cụ dân tộc

Đàn tính hát then vốn là nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Tày, Nùng vùng Việt Bắc cũng được giới trẻ tìm hiểu và học hỏi một cách nghiêm túc, bài bản. Với mong muốn mang âm nhạc dân tộc đến gần hơn với các bạn trẻ, nhiều nghệ sĩ, giảng viên đã tâm huyết chuyển tải kiến thức phù hợp với từng độ tuổi học đường để giúp các em hiểu, yêu và từ đó giữ ngọn lửa đam mê với nghệ thuật âm nhạc dân tộc.

Giảng viên Nguyễn Văn Bách, Bộ môn đàn tính hát then, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc khẳng định: "Hát then, đàn tính là một loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian đã được Unesco công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại của các tộc người Tày, Nùng phía Bắc và người Thái Tây Bắc. Xác định đây là một vốn văn hóa rất đặc sắc của đồng bào nhân dân các dân tộc phía Bắc nói chung và của người Tày nói riêng, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật chúng tôi đã đưa bộ môn này vào đào tạo chuyên nghiệp ở hệ văn hóa quần chúng, hệ quản lý văn hóa và hiện nay có một chuyên ngành riêng là chương trình dân ca. Để hình thành cho các em một niềm đam mê với môn nghệ thuật này rất khó, bởi vì để tạo niềm đam mê cần nhiều yếu tố cấu thành, trong đó phải có yếu tố về trải nghiệm, sự thích thú. Do đó, chúng tôi luôn luôn tìm tất cả mọi phương pháp để khơi dậy cho các em những trải nghiệm đó, ví dụ như chúng tôi cho các em đi tham quan, gặp gỡ các nghệ nhân tại các vùng văn hóa như Bắc Sơn, làng du lịch cộng đồng ở Đồng Mô Sơn Tây... Đồng thời, chúng tôi tích cực, giáo dục định hướng cho các em về âm nhạc. Giới trẻ là thế hệ kế cận nên có vai trò hết sức quan trọng. Nếu chúng ta không quan tâm đến việc giáo dục thì khi thế hệ chúng tôi già đi và không còn nữa thì sẽ không còn thế hệ kế cận nữa".

Bạn Phương Đằng Giang, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh: "Bác Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh rằng, khi văn hóa còn thì dân tộc sẽ còn, khi văn hóa đã mất đi thì dân tộc đó tuy còn nhưng coi như mất đi. Lời nói đó đã thôi thúc em, một người con dân tộc Tày, Nùng cảm thấy mình cần cố gắng để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của mình".

Gìn giữ văn hóa Then trong đời sống
Các CLB Hát then đàn tính là nơi giao lưu và truyền dạy cho lớp thế hệ sau về văn hóa của dân tộc Tày, Nùng.

Bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam là tài sản vô giá, là linh hồn của dân tộc được hun đúc qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa truyền thống riêng biệt độc đáo. Cộng đồng người Tày ở xã Thần Sa, huyện Võ Nhai cũng không ngoại lệ. Việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa đàn tính hát then đã thể hiện tính đoàn kết cộng đồng, sự gắn bó hài hòa giữa con người với các yếu tố tự nhiên trở thành món ăn tinh thần độc đáo không thể thiếu của người dân nơi đây.

Chị Lê Thị Thủy, Chủ nhiệm CLB Hát then, xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên chia sẻ: "Hát then ở đây được rất nhiều người biết đến, có 3 dân tộc chính đó là Tày, Dao, Mông có điệu hát then, nhưng đa số là dân tộc Tày. Với sự đam mê đàn tính, chị em ở trong xã cũng nhờ các thầy có kỹ năng chuyên nghiệp và qua sự truyền dạy của các ông cha để lại sẽ tập luyện với nhau. Thông qua làn điệu hát then đàn tính thì sẽ khám phá những danh lam thắng cảnh, vẻ đẹp của thiên nhiên đã ban tặng cho xã Thần Sa".

Để gìn giữ di sản quý báu mà thế hệ cha ông đã để lại cộng đồng dân tộc Tày tại huyện Võ Nhai đang cố gắng nỗ lực từng ngày để truyền dạy cho lớp lớp thế hệ sau, mang lời then điệu tính kết hợp với du lịch cộng đồng mong muốn làm sao lời then mãi ngân vang, ngân xa làm say đắm và níu chân du khách khi đến với Võ Nhai.

Cô Dương Thị Hà, Chủ nhiệm CLB Hát then, xóm Mỏ Gà, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên vui mừng chia sẻ: "Các chị em rất vinh dự khi được các cấp chính quyền giúp khôi phục bản sắc dân tộc mình để đưa bản sắc dân tộc của mình vươn cao và vươn xa. Để có những buổi tập luyện, chúng tôi luôn cố gắng, thường xuyên tập luyện vào buổi tối, vì ban ngày thì 100% là làm nông. Ngồi hát những câu then cũng là để gợi lại bản sắc dân tộc của mình và để bản sắc văn hóa không bị mai một".

Giới trẻ, nghệ nhân hay đơn thuần chỉ là những người con dân tộc Tày, mỗi cá nhân yêu then đều có những hành động cụ thể để bảo vệ gìn giữ then theo cách của riêng mình, để di sản ngày càng có sức sống bền vững lan tỏa sâu rộng trong đời sống. Khi di sản thực hành then ở Việt Nam đã được Unesco ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thì trách nhiệm của cộng đồng người dân tộc Tày, Nùng cũng trở nên quan trọng hơn trong việc bảo tồn và phát huy di sản. Qua đó góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa cũng như góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội phát triển du lịch tại địa phương./.