EVFTA: Quản lý chất lượng hàng hóa theo chuỗi, nguồn gốc, xuất xứ
Thu hoạch càphê. (Ảnh: TTXVN)
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) được ký kết vào ngày 30/6/2019 được đánh giá là cơ hội lớn đối với xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam khi thuế suất được giảm sâu ngay từ những năm đầu tiên.
Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá bên cạnh cơ hội là những thách thức không nhỏ nếu như không khắc phục thì nông sản Việt vẫn chịu thua khi chạy đua vào thị trường tiềm năng này.
Những nội dung trên được bàn thảo tại hội nghị “Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU: Các cam kết quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp và những điều cần lưu ý” do Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức ngày 21/8 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Cơ hội lớn để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản
Tự tin về tiềm năng xuất khẩu nông nghiệp của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, với lợi thế về điều kiện tự nhiên, năng lực sản xuất kinh doanh nông nghiệp ngày càng được nâng cao, Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế cạnh tranh trên thị trường nông lâm thủy sản toàn cầu. Nông sản Việt Nam đã vươn mạnh ra thế giới và có mặt trên 185 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó có nhiều thị trường giá trị cao như Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc... Xuất khẩu nông sản Việt Nam đứng thứ hai Đông Nam Á và thứ 15 thế giới; đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa, tạo nguồn thu ngoại tệ quan trọng, góp phần giảm nhập siêu cho cả nước.
Hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam có sự dịch chuyển mạnh mẽ trong xuất khẩu sang châu Âu. Dự kiến, sau khi có hiệu lực sẽ giúp 99% dòng thuế nhập khẩu giữa hai bên được xóa bỏ trong vòng 7 đến 10 năm. Đây là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các hiệp định thương mại đã ký. Ðáng lưu ý, nhiều mặt hàng được hưởng thuế suất 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực như càphê, hạt tiêu, mật ong, thủy sản…
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhìn nhận, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; gần 43% vào năm 2025 và hơn 44% vào năm 2030 so với không có hiệp định. Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu. Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18-3,25% vào năm 2023 và 7,07-7,72% vào năm 2033.
“Hiệp định EVFTA giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho những sản phẩm Việt Nam có thế mạnh như nông sản và thủy sản, tạo điều kiện cho nông sản Việt tiếp cận thị trường 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu với hơn 500 triệu dân. Từ đó, nông sản Việt Nam có thể mở rộng thị trường xuất khẩu, giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và Đông Nam Á," ông Trần Tuấn Anh khẳng định.
Cụ thể, đối với ngành gạo, EU dành tổng lượng hạn ngạch 80.000 tấn/năm đối với gạo xay xát, gạo chưa xay xát và gạo thơm, thuế trong hạn ngạch là 0%. Nhìn nhận về cơ hội này, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho rằng đây thực sự là cơ hội để xuất khẩu gạo của Việt Nam cạnh tranh với gạo của các nước khác.
“Trước đây chúng tôi xuất khẩu gạo sang châu Âu phải chịu thuế suất từ 5-45%, do đó không thể cạnh tranh nổi với gạo của một số nước được EU ưu tiên thuế suất 0% như Campuchia, Thái Lan. Với việc EVFTA có hiệu lực chúng tôi tự tin có thể cạnh tranh được trên thị trường này," ông Bình chia sẻ.
Còn đối với các mặt hàng thủy sản, 50% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực, 50% số dòng thuế còn lại về 0% sau 3 đến 7 năm. Đây được đánh giá là ngành sản phẩm được hưởng nhiều ưu đãi nhất khi tham gia Hiệp định EVFTA. Tương tự, với các sản phẩm chăn nuôi, rau củ, đồ gỗ cũng được hưởng các thuế suất ưu đãi.
Làm sao biến thách thức thành cơ hội?
“Thị trường EU là một trong những thị trường có đòi hỏi cao nhất trên thế giới. Việc bước qua được các rào cản thuế quan không có nghĩa là hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam sẽ được thị trường EU chấp nhận mà phải vượt qua được hàng rào phi thuế quan nghiêm ngặt," Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khuyến cáo.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, EU có nhiều quy định không chỉ liên quan đến tiêu chuẩn sản phẩm mà cả đối với quy trình sản xuất ra sản phẩm đó. Chẳng hạn, không được dùng hải sản được đánh bắt bất hợp pháp hay không được dùng gỗ khai thác từ rừng tự nhiên mà chưa được phép, vấn đề an toàn thực phẩm, dịch bệnh phải đảm bảo... Ngoài ra, những tiêu chuẩn về lao động, môi trường của EU cũng thuộc hàng cao nhất thế giới.
Dây chuyền hiện đại chế biến ngô ngọt xuất khẩu, công suất 4.000 tấn/năm tại nhà máy của Công ty Vifoco. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Để khai thác được tối đa lợi ích mà hiệp định này mang lại, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chỉ rõ, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần chủ động nghiên cứu thông tin để có sự chuẩn bị tích cực. Việc chuẩn bị nên được tiến hành toàn diện từ nghiên cứu cơ hội, thách thức của thị trường EU đến các giải pháp như nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất…
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn khá lúng túng trước cơ hội từ EVFTA.
Bà Sắc băn khoăn: “Làm sao để nâng tầm được doanh nghiệp trong nước đủ tầm ngang bằng cạnh tranh với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bởi chắc chắn trong thời gian tới sẽ có nhiều doanh nghiệp nước ngoài tận dụng cơ hội của EVFTA đổ vào Việt Nam. Đến lúc đó chắc chắn đây không còn là cơ hội của doanh nghiệp Việt nữa mà trở thành thách thức cạnh tranh không nhỏ."
Đưa ra định hướng và kế hoạch triển khai trong thời gian tới nhằm tận dụng các lợi thế của Hiệp định EVFTA, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh chế biến, mở cửa thị trường và xuất khẩu các mặt hàng rau quả, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ. Bên cạnh đó, tăng quy mô, nâng cao năng lực cạnh tranh của gia trại và trang trại trong nước, khuyến khích sản xuất theo chuỗi giá trị, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng hóa chất trong sản xuất. Quản lý chất lượng theo chuỗi, nguồn gốc, xuất xứ, mã vùng sản xuất, chỉ dẫn địa lý, chứng chỉ bền vững…
Để nâng cao giá trị của sản phẩm nông sản, ngành nông nghiệp cũng chỉ ra, Việt Nam cần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ trong sản xuất nông nghiệp. Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển các chuỗi phân phối trong nước; đồng thời, xây dựng các biện pháp phòng vệ thương mại cho các sản phẩm nông sản Việt Nam trước khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực./.