Đồng Hỷ thực hiện thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật đem đi xử lý
Các bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật được đặt gần đường đi, thuận tiện cho việc thu gom |
Chi Hội nông dân xóm Mỏ Sắt, xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ đã vận động hội viên nông dân và các gia đình trong xóm tập trung các nguồn lực xây dựng được 10 bể thu gom rác thải là bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi đã sử dụng. Các bể chứa này, được xây dựng gần đầu đường ra các cánh đồng, để cho người dân đi lại có thể bỏ rác vào bể thuận tiện, khi thu gom đem đi xử lý cũng rất thuận lợi. Tính đến nay, toàn xã Hợp Tiến đã xây dựng được 50 bể chứa rác thải nguy hại, sau 2 năm thực hiện thu gom, người dân đánh giá cao về hiệu quả an toàn khu vực sản xuất nông nghiệp. Thời gian tới, xã tiếp tục vận động nông dân xây dựng thêm các bể thu gom rác thải tại các vị trí thuận lợi, để cho người dân có thể bỏ rác vào các bể rác này bất kỳ thời gian nào.
Ông Triệu Văn Phương, người dân xóm Mỏ Sắt cho biết: “Trước kia người dân vứt vỏ thuốc sâu ra bờ suối rất ô nhiễm. Những thùng đựng rác như thế này chỉ nên để vỏ thuốc sâu chứ không nên để các loại rác khác vào.”
Ông Triệu Văn Đồng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Hòa nêu kiến nghị: “Chúng tôi đề nghị một năm thu gom hai lần, chứ một năm một lần bể này rất nhanh đầy. Nên sau mỗi vụ thu hoạch là thu gom một lần, bởi vì mỗi lần đầy bể chúng tôi phải thu gom cho vào bao cất gọn lại, đến lúc nào huyện và xã thu, chúng tôi mới mang ra, vì để lâu sẽ ảnh hưởng đến môi trường.”
Xã Tân Lợi hiện xây dựng được 37 bể thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật |
Tại xã Tân Lợi cũng đã xây dựng được 37 bể thu gom rác thải vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, trong đó Hội nông dân xã đã tặng cho mỗi xóm một bể chứa rác thải nguy hại, số còn lại người dân tự đóng góp kinh phí và xây dựng tại các vị trí được bàn bạc, thống nhất tạo thuận lợi cho mọi người thực hiện việc bỏ rác vào bể. Số lượng bể này còn thiếu so với nhu cầu cần thiết để tránh bị đầy khi chưa kịp thu gom vận chuyển để đem đi xử lý.
Bà Luân Thị Minh, xóm Tân Thành, xã Tân Lợi cho biết: “Từ khi phát động phong trào thu gom vỏ rác thuốc bảo vệ thực vật, chúng tôi mỗi lần đi phun thuốc là bảo nhau mang vỏ để vào chỗ quy định, nên không ảnh hưởng đến môi trường nữa.”
Cũng chia sẻ về lợi ích khi lắp đặt các bể rác này, ông Vi Văn Hợi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Lợi cho biết: “Từ khi đặt bể thì ý thức người dân được nâng lên rõ rệt. Hội mong muốn các cơ quan chức năng thu gom rác sớm để bể không đầy.”
Bể chứa rác thải vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã góp phần giữ gìn môi trường trên địa bàn huyện Đồng Hỷ |
Hiện nay, các xã trên địa bàn huyện Đồng Hỷ đều đã xây dựng nhiều loại bể thu gom rác thải vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Sau một thời gian đi vào hoạt động, các bể thu gom rác thải tại các khu vực sản xuất nông nghiệp được người dân đánh giá có hiệu quả rõ rệt, việc cách ly rác thải độc hại ra khỏi khu vực sản xuất và xa khu dân cư đã giảm bớt mức độ trực tiếp gây ô nhiễm môi trường. Người dân hưởng ứng việc thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật cho vào bể chứa đúng theo qui định đã và đang phát huy tác dụng tích cực. Theo kế hoạch, UBND huyện Đồng Hỷ giao cho phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện việc kết nối với các tổ chức, hỗ trợ vận chuyển rác thải nguy hại đến nơi chuyên xử lý các loại rác thải này đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Xuân Quang, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đồng Hỷ cho biết: “Thực hiện việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng NTM, huyện Đồng Hỷ đã xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Sau 3 năm thực hiện đã thu gom được trên 14 tấn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, trên diện tích 14.000 ha sản xuất chè, cây ăn quả, lúa và cây rau màu khác.”
Việc thu gom rác thải rắn thuốc bảo vệ thực vật phải đi đôi với công tác xử lý triệt để, nhằm tránh đẩy bể chứa, gây ô nhiễm từ nơi này qua nơi khác, tránh gây hại cho động vật, thực vật. Đảm bảo môi trường sản xuất, kinh doanh an toàn cho người nông dân trên địa bàn huyện Đồng Hỷ./.