Đồng Hỷ: Nỗ lực để hoàn thành mục tiêu nông thôn mới 2018
Là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Đồng Hỷ nên những năm gần đây, Văn Hán nhận được sự quan tâm đầu tư từ chính quyền các cấp. Tuy nhiên, để quá trình xây dựng NTM thật sự gắn với quá trình phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân chính là vấn đề cần có lời giải ở nhiều địa phương vùng khó khăn, không riêng gì ở Văn Hán.
Từ chương trình xây dựng NTM, nhiều công trình giao thông trên địa bàn huyện đã được xây dựng, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương |
Năm 2018, Đồng Hỷ cũng tiếp tục thực hiện quá trình mở rộng diện tích, mô hình sản xuất, nâng cao giá trị trên diện tích thâm canh gắn với thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng ở các xã nông thôn mới. Việc đầu tư công trình đập dâng ở Thịnh Đức 1, Thịnh Đức 2 – xã Văn Hán tiếp tục là một ví dụ điển hình. Từ công trình này, đến nay hơn 15 ha đất nông nghiệp của Văn Hán đã được giải phóng cho hiệu quả sản xuất cao…
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Trưởng xóm Thịnh Đức 1 cho biết "Trong quá trình xây dựng đập, bà con rất phấn khởi. Năm nay, bà con được hưởng lợi nhiều, từ nguồn nước để tăng lượng nước tưới tiêu, nâng cao giá trị sản xuất mà như trước kia khi chưa có đập, còn rất khó khăn".
Cùng chung niềm phấn khởi, ông Nguyễn Quang Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Hán, nói "Trong quá trình phấn đấu về đích NTM, việc đầu tiên, chúng tôi chú trọng đến cơ sở hạ tầng, trong đó là hạ tầng giao thông. Trong năm qua, chúng tôi có đầu tư rất nhiều tuyến đường, trong đó, có tuyến đường nội xóm và liên xóm. Qua bước đâu đầu tư, chúng tôi đã góp phần nâng thu nhập của người dân lên trên 30 triệu đồng/ người/năm".
Tận dụng lợi thế ở từng địa phương để đầu tư có trọng điểm, kết hợp lồng ghép các nguồn lực để có được mô hình hiệu quả đang là các làm mà Đồng Hỷ thực hiện. Mô hình sản xuất rau an toàn với hơn 5 ha trên địa bàn xã Nam Hòa mới được triển khai từ đầu năm 2018 đã cho kết quả khả quan, vừa nâng cao giá trị ở diện tích canh tác trước đây không hiệu quả, vừa giúp bà con dân tộc thay đổi tập quán sản xuất, đó cũng là mô hình điểm để Nam Hòa gắn với quá trình thực hiện xây dựng NTM.
Song song với nỗ lực đưa thêm 3 xã về đích NTM trong năm 2018, Đồng Hỷ cũng tập trung chỉ đạo để xã Minh Lập, trong đó trước tiên là xóm Cà Phê 1 hoàn thành các tiêu chí NTM kiểu mẫu theo đúng hạn định. Quán triệt tinh thần chỉ đạo, xóm Cà Phê 1, xã Minh Lập đã xác định phương châm thực hiện “Xây dựng NTM từ nhà ra ngõ”. Theo đó, mỗi hộ gia đình là một hạt nhân xây dựng NTM và nhiều hộ gia đình tập trung lại để thành công trong xây dựng NTM kiểu mẫu. Trong đó, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM mới của xóm phải coi trọng công tác vận động nhân dân, phát huy dân chủ rộng rãi. Với những nỗ lực đó, đến nay xóm đã đạt hầu hết các tiêu chí trong bộ tiêu chí xây dựng NTM kiểu mẫu.
Chè được chọn là cây trồng mũi nhọn của xã Minh Lập trong chương trình phát triển kinh tế tại địa phương |
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Minh Hoan, Chủ tịch UBND xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ chia sẻ "Nhân dân địa phương đã tích cực hiến đất làm đường, hiện nay, con đường đã xong, mang lại rất nhiều lợi ích, như: đường đi lại rộng rãi, tạo điều kiện thông thương, giao lưu buôn bán cho bà con, nhất là vận chuyển các loại phân bón, sản xuất cây chè".
Với 2 xã được bổ sung để về đích NTM trong năm 2018 này là Nam Hòa và Văn Hán, Đồng Hỷ thực hiện lồng ghép các nguồn lực, cùng với xã, nhân dân địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng cùng các thiết chế. Tuy nhiên, do thuộc diện bổ sung nên kế hoạch, nguồn vốn giao cho 2 xã đều muộn…Vì vậy, các nguồn hỗ trợ và quá trình thực hiện được cả huyện và xã triển khai gấp rút. Mặc khác, đối với các tiêu chí mềm như: phát triển sản xuất, tỉ lệ hộ nghèo và bình quân thu nhập cũng được ngành nông nghiệp huyện động viên triển khai thực tế luôn tại các mô hình lồng ghép vào quá trình sản xuất kinh tế của các hộ…
Về mục tiêu thực hiện chương trình xây dựng NTM tại địa phương trong những năm tiếp theo, bà Nguyễn Thị Hà, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đồng Hỷ cho biết: “Từ nay đến năm 2020, chỉ còn 1 xã nữa là huyện Đồng Hỷ hoàn thành chỉ tiêu của tỉnh giao. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, chúng tôi dự kiến năm 2019 và năm 2020 mỗi năm chúng tôi hoàn thành thêm 1 xã nữa để vượt mức chỉ tiêu tỉnh giao".
Việc tập trung nguồn lực đẩy nhanh kế hoạch xây dựng NTM sẽ tạo đà để các địa phương thúc đẩy phát triển kinh tế, thay đổi bộ mặt nông thôn. Tuy nhiên, cái đích cuối cùng của nông thôn mới chính là thay đổi nhận thức, đưa đời sống của người dân ngày một đi lên. Vì vậy, tạo ra việc làm, thúc đẩy các mô hình phát triển kinh tế, liên kết trong sản xuất vẫn cần được chú trọng hơn cả, điều đó cũng đã được Đồng Hỷ nỗ lực trong quá trình đẩy nhanh hoàn thành xây dựng NTM ở các địa phương trong năm 2018./.