* Dư luận thế giới trong tuần chú ý nhiều đến sự kiện: Tổng thống Biden ra lệnh thực hiện các vụ không kích tại Iraq và Syria; Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo về hội nghị trực tuyến của ARF; Vòng tứ kết EURO 2020 hứa hẹn những bất ngờ...

- Tiếp tục cập nhật thông tin về vụ quân đội Mỹ không kích các mục tiêu tại Syria và Iraq, sáng 28/6 (giờ Việt Nam), Bộ Quốc phòng Mỹ ra thông báo khẳng định các vụ không kích nhằm vào khu vực biên giới Iraq-Syria, nơi tập trung một số cơ sở mà các nhóm vũ trang được cho do Iran hậu thuẫn.

Tổng thống Biden ra lệnh không kích xuống Syria và Iraq - Ảnh 1.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: AP)

Vụ không kích được thực hiện theo lệnh của Tổng thống Mỹ Joe Biden sau các vụ tấn công nhằm vào các lợi ích của Mỹ tại Iraq. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby cho biết các vụ không kích nhằm vào hai mục tiêu trên lãnh thổ Syria và một mục tiêu trên lãnh thổ Iraq, nằm dọc trên tuyến biên giới chung giữa 2 nước này. Theo ông Kirby, các mục tiêu này chính là những cơ sở mà phiến quân sử dụng làm "bàn đạp" để thực hiện các vụ tấn công bằng thiết bị bay không người lái nhằm vào binh sĩ và các cơ sở của Mỹ tại Iraq.

Quan chức Lầu Năm Góc cho biết thêm Tổng thống Biden đã chỉ đạo sẽ có thêm hành động quân sự nhằm ngặn chặn các vụ tấn công nhằm vào các mục tiêu của Mỹ tại Iraq. Các vụ không kích của Mỹ được thực hiện một ngày sau khi giới chức người Kurd ở Iraq thông báo xảy ra 3 vụ tấn công bằng máy bay không người lái gần thành phố Arbril - nơi đặt tòa lãnh sự Mỹ.

Trong nhiều tháng qua, các lợi ích của Mỹ và binh sỹ Mỹ tại Iraq thường xuyên bị tấn công, chủ yếu là bằng rocket, mà phía Washington luôn cáo buộc các nhánh vũ trang được Iran hậu thuẫn thực hiện. Kể từ đầu năm 2021 đến nay, xảy ra hơn 40 vụ tấn công nhằm vào các lợi ích của Mỹ tại Iraq. Hiện có khoảng 2.500 binh sĩ Mỹ đang tham gia liên minh quốc tế nhằm tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq.

- Các vấn đề như đại dịch COVID-19, tình hình an ninh bán đảo Triều Tiên, Myanmar và Biển Đông đã được thảo luận tại Hội nghị Quan chức cấp cao (SOM) của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF).

Bo Ngoai giao Han Quoc thong bao ve hoi nghi truc tuyen cua ARF hinh anh 1
Các nước tham gia hội nghị trực tuyến. (Nguồn: Yonhap)

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo các nhà ngoại giao cấp cao của hai miền Triều Tiên và hơn 20 nước khác ngày 29/6 đã tổ chức một hội nghị trực tuyến để chuẩn bị cho một diễn đàn lớn về an ninh khu vực do Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) dẫn dắt. Theo bộ trên, các vấn đề như đại dịch COVID-19, tình hình an ninh bán đảo Triều Tiên, Myanmar và Biển Đông đã được thảo luận tại Hội nghị Quan chức cấp cao (SOM) của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF).

Triều Tiên là một thành viên của ARF cùng với 26 quốc gia khác, trong đó có Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ và Australia. Năm nay, Đại sứ Triều Tiên tại Indonesia, ông An Kwang-il, tham dự hội nghị trù bị của ARF.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách chính trị của Hàn Quốc Yeo Seung-bae đã nhấn mạnh sự cần thiết về hợp tác quốc tế để đảm bảo tiếp cận công bằng toàn cầu đối với vaccine ngừa COVID-19 và thiết bị y tế. Ông tái khẳng định cam kết của Seoul đối với việc mở rộng đóng góp cho Cam kết thị trường mở tiên tiến COVAX (AMC) để giúp các nước đang phát triển đảm bảo nguồn cung vaccine. Theo kế hoạch, Hội nghị Bộ trưởng ARF lần thứ 28 dự kiến sẽ khai mạc vào đầu tháng Tám tới dưới sự chủ trì của Brunei.

* Thông tin trong nước cũng được đăng tải với nhiều tin tức quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào thăm hữu nghị chính thức Việt Nam; Việt Nam sẵn sàng hợp tác nhằm xây dựng không gian mạng an toàn; Nghị quyết 68 của Chính phủ: Thêm tiềm lực và sức chống chịu để phục hồi cho tương lai...

- Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thongloun Sisoulith thăm hữu nghị chính thức Việt Nam từ 28-29/6.

Tong Bi thu, Chu tich nuoc Lao tham huu nghi chinh thuc Viet Nam hinh anh 2
Tổng Bí thư, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith thăm cán bộ chiến sỹ Binh đoàn 11 của Việt Nam đang xây dựng công trình tòa nhà Quốc hội mới của Lào. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN tại Lào)

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thongloun Sisoulith và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Nhà nước Lào thăm hữu nghị chính thức Việt Nam từ ngày 28-29/6/2021. Cùng đi với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith có Phu nhân Naly Sisoulith.

Chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith có ý nghĩa rất đặc biệt, tiếp tục khẳng định tình đoàn kết, gắn bó, tin cậy, thủy chung, trong sáng, trước sau như một của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào. Đồng thời là dịp để hai bên tiếp tục trao đổi kinh nghiệm trong phát triển, các biện pháp thúc đẩy thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận cấp cao hai Đảng, hai nước năm 2021 và những năm tiếp theo.

- Ngày 29/6, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tham dự và phát biểu tại Phiên thảo luận mở trực tuyến cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về chủ đề "Duy trì hòa bình và an ninh quốc tế trên không gian mạng" do Thủ tướng Estonia Kaja Kallas, Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 6/2021 chủ trì.

Viet Nam san sang hop tac nham xay dung khong gian mang an toan hinh anh 1
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dự Phiên thảo luận mở cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với chủ đề 'Duy trì hòa bình và an ninh quốc tế trên không gian mạng." (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, Việt Nam đã xây dựng chiến lược chuyển đổi số quốc gia và đang phấn đấu đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP.

Tại Đông Nam Á, Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia các cơ chế an ninh mạng khu vực, trong đó có Chiến lược hợp tác An ninh mạng của ASEAN, đồng thời có quan hệ hợp tác song phương hiệu quả với nhiều nước và đối tác quốc tế trong lĩnh vực này.

Việt Nam ủng hộ sẵn sàng hợp tác với các đối tác nhằm xây dựng một môi trường không gian mạng hòa bình, ổn định, an toàn, vì người dân và phát triển bền vững.

* Trong tuần, Thái Nguyên có nhiều tin tức đáng chú ý như: Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 8, khóa XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; Xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết gắn với thực tế từng Đảng bộ; Chỉ đạo các biện pháp hạn chế bùng phát tảo trên Hồ Núi Cốc; Số lao động trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giảm khoảng 10.000 người so với cùng kỳ...

- Ngày 2/7, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 8, khóa XX, nhiệm kỳ 2020-2025.

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 8, khóa XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Toàn cảnh Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ 8, khóa XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Hội nghị tập trung xem xét và cho ý kiến vào 15 nội dung nhằm cụ thể hóa Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa 20, nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó có 9 nội dung về KT-XH và 06 nội dung về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Thảo luận tại Hội nghị, đã có trên 50 lượt ý kiến phát biểu về cơ bản đều nhất trí với nội dung các văn bản. Một số ý kiến tham gia cụ thể như: Đề nghị đánh giá tác động của dịch bệnh COVID-19 rõ hơn tới phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; làm rõ hơn nguyên nhân về việc chỉ tiêu kết nạp đảng đạt thấp và có giải pháp; đề nghị tỉnh cân đối bố trí nguồn lực hỗ trợ kinh phí để các địa phương triển khai thực hiện chuyển đổi số để đáp ứng yêu cầu trong công tác quản lý, điều hành...

Kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đồng ý về mặt chủ trương đối với các nội dung đề xuất của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, đề nghị UBND tỉnh tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu bổ sung, hoàn thiện trình HĐND xem xét, quyết định theo thẩm quyền. Đối với các nội dung khác, đồng chí yêu cầu các cơ quan tham mưu, giúp việc tiếp tục hoàn chỉnh văn bản trước khi trình ký ban hành. Bên cạnh đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị Sở Giáo dục và đào tạo tiếp tục tham mưu, xây dựng Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, kỹ năng thực hành ngoại ngữ, tin học cho học sinh phổ thông các cấp, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ chuyển đổi số và hội nhập quốc tế. Chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 bảo đảm nghiêm túc, an toàn. Các cấp, ngành, địa phương tiếp tục tập trung giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo; triển khai các nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương, bảo đảm an ninh, trật tự và công tác đối ngoại theo kế hoạch.

- Ngày 1/7, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã chủ trì Hội nghị giao ban các cơ quan khối Đảng, các Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy quý II, triển khai nhiệm vụ quý III năm 2021.

Hội nghị Giao ban các cơ quan khối Đảng, các Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy quý II - đã psts 1.7
Toàn cảnh hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung phân tích nguyên nhân, đưa ra phương hướng khắc phục những tồn tại, hạn chế và đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp với mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương.

Phát biểu kết luận, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong quý III năm 2021 như: cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội hoàn thành việc học tập, quán triệt, triển khai và xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng gắn với chức năng, nhiệm vụ, phù hợp với đặc điểm tình hình và điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị; triển khai thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát theo chương trình kiểm tra, giám sát của cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp. Tiếp tục làm tốt công tác dân vận, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân. Thực hiện tốt công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Về phát triển kinh tế - xã hội, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu: cần tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp khắc phục những tác động của dịch bệnh COVID-19, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, phấn đấu hoàn thành đạt mức cao nhất các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2021; nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính; đẩy mạnh thực hiện chương trình chuyển đổi số; tổ chức tốt Kỳ họp thứ 2 HĐND cấp tỉnh, cấp huyện; tăng cường kiểm tra việc thực hiện công vụ tại các sở, ban, ngành; triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, các mục tiêu, sự kiện chính trị diễn ra trên địa bàn.

- Liên quan đến hiện tượng nước Hồ Núi Cốc tại khu vực xã Lục Ba, huyện Đại Từ xuất hiện váng màu vàng xác định là do tảo phát triển mạnh trong điều kiện mực nước hồ xuống thấp, nắng nóng kéo dài và một số khu vực người dân tự ý đắp đập ngăn nước gây ứ đọng, ô nhiễm. UBND tỉnh vừa có công văn giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành để thực hiện các biện pháp hạn chế tình trạng bùng phát tảo trên Hồ Núi Cốc.

Hiện tượng nước Hồ Núi Cốc nổi váng là do thời tiết nắng nóng kéo dài
Đến thời điểm hiện tại, mặt hồ Núi Cốc không còn hiện tượng sủi bọt và những mảng váng dày, không còn mùi hôi thối.

Cụ thể: giao Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện quan trắc, xác định tình trạng ô nhiễm và đề xuất các biện pháp khắc phục. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Thái Nguyên phối hợp với UBND huyện Đại Từ kiểm tra, rà soát các hoạt động chăn nuôi, đánh bắt thủy sản trong khu vực lòng Hồ Núi Cốc, xử lý nghiêm các hành vi tự ý đắp đập ngăn nước và xâm hại môi trường nước hồ. Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Thái Nguyên phối hợp với UBND huyện Đại Từ khẩn trương giải tỏa các bờ đất khoanh vùng tự phát của nhân dân đảm bảo lưu thông nước hồ; thực hiện trách nhiệm bảo vệ chất lượng nước trong lòng hồ, giám sát diễn biến chất lượng nước hồ, kiểm soát việc xả nước thải vào lòng hồ, tổ chức vớt và xử lý hợp vệ sinh các loại rác, váng xác tảo phát sinh trong quá trình vận hành Hồ Núi Cốc.

- Đợt dịch COVID-19 cuối tháng 4/2021 bùng phát trở lại đã ảnh hưởng khá nhiều đến vấn đề lao động, việc làm. Thời điểm đầu tháng 6/2021, số lao động đã giảm khoảng 10 nghìn người lao động so với cùng kỳ.

Số lao động trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giảm khoảng 10 nghìn người so với cùng kỳ
Lao động khu vực chuỗi cung ứng các ngành công nghiệp chủ lực như sản xuất điện thoại, máy tính bảng đã giảm khoảng 10.000 người.

Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong những tháng đầu năm 2021 đã được phục hồi và đi vào ổn định. Tuy nhiên, từ cuối tháng 4/2021 dịch COVID-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp ở các tỉnh lân cận đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng của các ngành công nghiệp chủ lực như sản xuất điện thoại, máy tính bảng.

Nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động do có ca dương tính với SARS-CoV-2. Đây cũng là nguyên nhân khiến số lượng lao động sản xuất công nghiệp, nhất là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn có xu hướng giảm dần. Thời điểm đầu tháng 6/2021, số lao động đã giảm khoảng 10 nghìn lao động so với cùng kỳ.

Cũng theo kết quả khảo sát một số doanh nghiệp lớn, dự báo 6 tháng cuối năm, số lao động khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có khả năng tiếp tục giảm, ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất cũng như kết quả sản xuất công nghiệp năm 2021 trên địa bàn tỉnh./.