Điểm sự kiện từ ngày 26/10/2020 đến ngày 1/11/2020
* Trong tuần, trong diễn biến tiếp tục gia tăng các ca mắc COVID-19, đến ngày 1/11, tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 46 triệu ca, trong đó trên 1,19 triệu ca tử vong, Châu Âu siết chặt phòng dịch, các hoạt động thế giới diễn ra trong khuôn khổ công tác phòng dịch, thì sự kiện được tập trung quan tâm là cuộc bầu cử Mỹ 2020: Diễn biến COVID-19 tới 6h ngày 1/11: Thế giới vượt 46 triệu ca bệnh; Châu Âu siết chặt phòng dịch; Thị trưởng thủ đô Mexico City dương tính với virus SARS-CoV-2; Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020: Hơn 58 triệu cử tri đã bỏ phiếu sớm; Tổng thống Trump và đối thủ đảng Dân chủ Biden tăng tốc đua nước rút; Paris yêu cầu toàn bộ đại sứ quán Pháp ở nước ngoài siết chặt an ninh…
- Sự kiện quốc tế đáng chú ý hiện nay là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020, Tổng thống Donald Trump đang dồn toàn bộ tập trung vào bang chiến địa Pennsylvania, trong khi ứng cử viên Dân chủ Joe Biden và cựu Tổng thống Barack Obama lần đầu tiên cùng nhau vận động tranh cử.
Tổng thống Mỹ Donald Trump vận động tranh cử tại Waterford, bang Michigan ngày 30/10/2020. (Ảnh: Getty Images/TTXVN) |
Với việc chỉ còn ba ngày nữa là đến "Ngày Bầu cử," Tổng thống Mỹ Donald Trump đang dồn toàn bộ sự tập trung vào tiểu bang chiến địa Pennsylvania, trong khi ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden và cựu Tổng thống Barack Obama có lần đầu tiên vận động tranh cử cùng nhau.
Trong ngày 31/10, Tổng thống Trump tổ chức 4 cuộc vận động tranh cử tại riêng tiểu bang Pennsylvania, với các địa điểm lần lượt tại Bucks County, Reading, Butler và Montoursville.
Sự tập trung cao độ chiến dịch vận động cử tri tại Pennsylvania cho thấy tầm quan trọng của tiểu bang này đối với mục tiêu đạt được 270 phiếu đại cử tri của Tổng thống Trump.
Trong khi đó, Phó Tổng thống Pence sẽ thực hiện hai cuộc vận động tranh cử với các điểm dừng chân ở Elm City và Elizabeth City của tiểu bang North Carolina.
Về phía đảng Dân chủ, ông Joe Biden cùng với cựu Tổng thống Barack Obama tới vận động cử tri tại Michigan, với một sự kiện được tổ chức theo hình thức "drive-in" ở Flint vào buổi chiều trước khi tham dự một sự kiện khác ở thành phố Detroit vào tối ngày thứ Bảy.
- Chính phủ Pháp đã yêu cầu toàn bộ phái đoàn ngoại giao Pháp ở nước ngoài siết chặt an ninh trong bối cảnh các cuộc biểu tình nổ ra và mới đây là hai vụ tấn công khủng bố Hồi giáo rúng động thành phố Nice.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại thành phố Nice, nơi xảy ra vụ tấn công bằng dao khiến 3 người thiệt mạng ngày 29/10/2020. Ảnh: AP/TTXVN |
“Mối đe dọa ở nước ngoài cũng rất lớn. Mọi thứ từ sự thù địch trên mạng thành bạo lực đời thực chuyển biến rất nhanh. Chúng tôi quyết định áp dụng các biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh cho lợi ích và người dân của nước mình. Chúng tôi đã yêu cầu các đại sứ tăng cường các biện pháp an ninh”, đài Sputnik dẫn lời Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian trả lời báo giới sau một cuộc họp của hội đồng an ninh ngày 30/10, cảnh báo công dân nước này đang phải đối mặt với nguy cơ an ninh "tại khắp mọi nơi" trên thế giới.
Tuyên bố của nhà chức trách được đưa ra sau khi một vụ tấn công bằng dao xảy ra vào sáng 29/10 tại nhà thờ Notre-Dame ở thành phố Nice miền Nam nước Pháp. Một đối tượng người Tunisia 21 tuổi đã hét lớn “Allahu Akbar” khi ra tay sát hại 3 người khác. Kẻ tấn công sau đó đã bị lực lượng hành pháp khống chế và bắt giữ.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gọi đây là một “hành động khủng bố Hồi giáo”. Ban phòng chống chủ nghĩa khủng bố thuộc văn phòng công tố cũng đã tiến hành một cuộc điều tra.
Cùng ngày, hai vụ tấn công bằng dao khác cũng đã xảy ra tại thành phố Avignon nước Pháp và gần Lãnh sự quán Pháp ở Saudi Arabia. Pháp đã nâng cảnh báo an ninh lên mức cao nhất.
* Thông tin trong nước nổi bật được đăng tải trong tuần trên trang Thainguyentv.vn là các bài viết về công tác cứu trợ, hỗ trợ do tình hình bão lũ ảnh hưởng đến miền Trung: Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XIII: Thổi bùng khát vọng vươn lên; Thường trực Chính phủ họp về Chiến lược phát triển đường sắt; Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng họp gấp trước lúc bão số 9 đổ bộ; Nhanh chóng thông đường đến nơi sạt lở để cứu đồng bào…
- Trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã được công bố và đang lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân, quan điểm "Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc" là một trong những điểm nhấn. Khát vọng phát triển của một dân tộc là sự cộng hưởng những khát vọng vươn lên của cộng đồng, của con người cùng quốc gia-dân tộc, tạo thành nguồn năng lượng nội sinh to lớn, sống động và sức mạnh vô song.
Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Trưởng ban Chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân góp ý dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, phát biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) |
Theo bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, ngay từ giai đoạn đầu tiên xây dựng văn kiện Đại hội XIII, lãnh đạo Đảng và Tiểu ban văn kiện đã muốn đưa vào chủ đề Đại hội cụm từ "khơi dậy khát vọng," bởi đó là tinh thần, động lực rất mạnh mẽ của toàn Đảng, toàn dân tộc trong giai đoạn hiện nay.
Bà Trương Thị Mai cho biết trong quá trình chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương 13, khi cho ý kiến về dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII, Bộ Chính trị có thảo luận về việc đưa cụm từ "khơi dậy khát vọng" vào chủ đề Đại hội và đề nghị cần làm rõ ngay trong chủ đề nội hàm của cụm từ này.
"Khát vọng là khát vọng gì? không thể nói là khơi dậy khát vọng mà không có mục tiêu. Và vì vậy, chủ đề Đại hội XIII khi công bố toàn văn có nêu là "Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước," bà Trương Thị Mai nói.
Khát vọng phát triển đất nước được thể hiện với 3 mục tiêu, tầm nhìn cụ thể. Đó là phấn đấu đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, cơ bản có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
- Về tình hình thiệt hại do ảnh hưởng bão lũ tại miền Trung, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo tại hiện trường, các lực lượng cứu hộ cần tập trung với phương châm “bốn tại chỗ”, đặc biệt nòng cốt là lực lượng vũ trang, huy động vật tư, thiết bị cần thiết để khai thông đường, đến sớm nhất nơi sạt lở đất để cứu đồng bào - những người bị nạn đang rất cần chúng ta.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Nhanh chóng khai thông đường đến sớm nhất nơi sạt lở để cứu đồng bào. |
Chỉ đạo tại hiện trường, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định tình hình rất phức tạp. Ông yêu cầu các lực lượng tập trung với phương châm “bốn tại chỗ”, đặc biệt nòng cốt là lực lượng vũ trang, huy động vật tư, thiết bị cần thiết để khai thông đường, đến sớm nhất nơi sạt lở đất để cứu đồng bào - những người bị nạn đang rất cần chúng ta.
“Phải tìm kiếm những người mất tích, cứu những người còn sống sót”, Phó thủ tướng lưu ý nhiệm vụ này rất cấp bách, các lực lượng cần tập trung cao độ và đặc biệt đảm bảo an toàn cho lực lượng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.
Gọi điện báo cáo với Thủ tướng về tình hình tại đây, Phó Thủ tướng cho biết con đường đi vào hiện trường rất trắc trở, nhiều điểm sạt lở. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, Tư lệnh Quân khu 5, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đang tập trung chỉ đạo thông đường vào hiện trường..
* Trong tuần, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có nhiều tin tức đáng chú ý: Khẩn trương tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX; Nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI; Góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các hợp tác xã; Ngành Nông nghiệp nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công…
- Ngày 30/10, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đã chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy lần thứ nhất, khoá XX, nhiệm kỳ 2020-2025 để cho ý kiến và quyết định một số nội dung quan trọng, nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 11 và thời gian tiếp theo là cần khẩn trương tổ chức quán triệt, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, với tinh thần tích cực nhất, nhằm đưa Nghị quyết vào cuộc sống một cách đầy đủ và kịp thời.
Toàn cảnh Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy lần thứ nhất, khoá XX, nhiệm kỳ 2020-2025 |
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 11 và thời gian tiếp theo là cần khẩn trương tổ chức quán triệt, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, với tinh thần tích cực nhất, nhằm đưa Nghị quyết vào cuộc sống một cách đầy đủ và kịp thời. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một cách quyết liệt để tạo chuyển biến rõ nét trên tất cả các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực kinh tế - xã hội ngay từ những ngày đầu, tháng đầu, quý đầu thực hiện Nghị quyết. Tiến hành rà soát và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng năm 2020 đã đề ra, nhất là đối với các chỉ tiêu tăng trưởng và chỉ tiêu thu ngân sách; bám sát chỉ đạo của Trung ương xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021 để trình Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh, đảm bảo tính sát thực, hiệu quả cao. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; sớm đưa Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh vào hoạt động.
- Ngày 29/10, đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo PCI cấp tỉnh đã chủ trì Hội nghị triển khai việc thực hiện các nhiệm vụ nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2020 thông qua đề xuất và giải quyết những khó khăn của doanh nghiệp.
Đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo PCI cấp tỉnh phát biểu tại hội nghị. |
Từ đầu năm đến nay, với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền, các sở, ban, ngành của tỉnh, 10 chỉ số thành phần PCI đều đạt kết quả cao, góp phần tích cực trong việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh của tỉnh.
Tại hội nghị, đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp đánh giá cao sự vào cuộc của các sở, ban, ngành trong việc tăng cường cải cách các thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; đồng thời, đề xuất một số nội dung nhằm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh như: mỗi năm tổng kết, đánh giá một lần, mỗi quý sơ kết một lần; đề xuất được ký cam kết tiến độ giải phóng mặt bằng đối với các địa phương...
Kết luận hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhất trí với những đề xuất của các Hiệp hội doanh nghiệp, giao các sở, ngành liên quan phối hợp thực hiện. Đồng chí đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thành kế hoạch và triển khai chỉ số PCI cấp huyện. Đối với cam kết bồi thường giải phóng mặt bằng với doanh nhiệp, UBND tỉnh ủy quyền cho cấp huyện, thành phố, thị xã, giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường sớm hoàn thành và ký cam kết trong tháng 11. Đồng chí cũng đề nghị các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương thường xuyên lắng nghe để kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp./.