Vinh quang người giáo viên nhân dân
Điểm trường Bản Tèn, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ - nơi học tập của gần 180 học sinh tiểu học và mầm non người dân tộc Mông. |
Điểm trường Bản Tèn, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ - nơi học tập của gần 180 học sinh tiểu học và mầm non người dân tộc Mông. Đây cũng là một trong những điểm xa xôi và khó khăn nhất của tỉnh Thái Nguyên. Được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, tỉnh Thái Nguyên và chính quyền địa phương, hiện nay cơ sở vật chất của điểm trường đã được đầu tư, nâng cấp; chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao. Trong thành quả đó có sự đóng góp quan trọng của các thầy, cô giáo. Bằng tình yêu nghề, mến trẻ, mỗi thầy giáo, cô giáo ở điểm trường luôn linh hoạt, đổi mới, nỗ lực từng ngày để truyền đạt kiến thức đến các em học sinh.
Cô giáo Đỗ Thị Tình, Điểm trường Bản Tèn, Trường Mầm non Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ chia sẻ: "Càng theo nghề thì em cảm thấy mình phù hợp với nghề; nên em vẫn quyết tâm theo nghề và mong muốn mình giữ được nhiệt huyết và mong muốn truyền tải đến với các em học sinh địa phương".
Cô giáo Đinh Thị Thuỷ, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học số 2 Văn Lăng, Đồng Hỷ cho hay: "Hiện tại, tôi đã cống hiến 32 năm tại xã Văn Lăng và đặc biệt là Điểm trường Bản Tèn; tôi thật sự hạnh phúc khi nhìn thấy các em được học hành, tự tin hơn".
Trước yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, toàn ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Thái Nguyên đang quyết tâm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. |
Gần 30 năm gắn bó với nghề, trong đó có hơn một nửa thời gian là giáo viên dạy lớp 1, cô giáo Lê Thị Kim Chi, Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, TP. Thái Nguyên hiểu và nắm rõ những thay đổi căn bản trong giáo dục và đào tạo. Mỗi lần đổi mới, chương trình giáo dục sẽ có những khác biệt mà ở đó người giáo viên cần nghiên cứu, học tập, bồi dưỡng để có những kiến thức cần thiết khi áp dụng vào dạy - học, và cô Chi đã thực hiện hiệu quả các phương pháp dạy học phù hợp với thực tế.
Cô giáo Lại Thị Phúc, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, TP. Thái Nguyên cho biết: "Các thầy, cô giáo cũng như cô Chi cũng đã tìm tòi các phương pháp nâng cao chất lượng dạy và học. Ngoài ra, trong các tiết dạy học thì cô cũng sử dụng các phần mềm hỗ trợ dạy học, các kỹ thuật vào trong dạy học để lớp đạt kết quả cao".
Trong tổng số gần 26 nghìn cán bộ, giáo viên, nhân viên làm việc trong ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Thái Nguyên thì có trên 1.300 thầy, cô giáo có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Trong mọi hoàn cảnh, các thầy giáo, cô giáo đã luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách bám trường, giữ lớp; đồng thời, phát huy tính tự học, tự nghiên cứu, cập nhật bổ sung kiến thức mới để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Thầy giáo Nguyễn Hữu Thanh, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Phú chia sẻ: "Ban Chấp hành Đảng bộ nhà trường cùng với tập thể sư phạm nhà trường cũng đã xây dựng kế hoạch để đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng và đoàn kết; từ đó, có thể thực hiện thắng lợi cụ thể đối với nhà trường".
Trước yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, toàn ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Thái Nguyên đang quyết tâm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Với tinh thần đề cao kỷ cương trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, mỗi thầy cô giáo tiếp tục thi đua dạy tốt - học tốt, kiên trì mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng sự mong đợi của Đảng, Nhà nước và Nhân dân./.