Điểm sự kiện từ ngày 5/10/2020 đến ngày 11/10/2020
* Trong tuần, các thông tin về Lễ công bố giải thưởng Nobel uy tín trên các lĩnh vực, dịch COVID-19 và sự hợp tác của toàn thế giới trong cuộc chiến chống đại dịch, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ là những nội dung được Thainguyentv.vn đăng tải: Nobel Hòa bình 2020 tôn vinh Chương trình Lương thực thế giới; Diễn biến COVID-19 tới 6h ngày 11/10: Ấn Độ vượt 7 triệu ca bệnh; dịch bùng mạnh ở châu Âu; Tổng thống Mỹ Trump trông đợi cuộc tranh luận vào ngày 15/10…
Một nhân viên của Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên hợp quốc. (Ảnh: WFP) |
- Một trong những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần qua là lễ công bố giải thưởng Nobel uy tín trên các lĩnh vực, bao gồm: Y học, Vật Lý, Hóa học, Văn học và Hòa bình.
Nổi bật trong số những người chiến thắng là chủ nhân giành giải Nobel Hòa bình năm nay. Nobel Hòa bình là giải thưởng danh giá được trao hằng năm cho các cá nhân hoặc tập thể có đóng góp lớn cho nền hòa bình thế giới.
Ủy ban Giải thưởng Nobel Na Uy ngày 9/10 tuyên bố giải Nobel Hòa bình 2020 được trao cho Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) vì những nỗ lực không mệt mỏi của tổ chức quốc tế này nhằm đảm bảo an ninh lương thực, giảm tình trạng thiếu lương thực và nạn đói trên thế giới.
- Diễn biến COVID-19 tới 6h ngày 11/10: Ấn Độ vượt 7 triệu ca bệnh; dịch bùng mạnh ở châu Âu.
Tính tới sáng 11/10 (giờ Việt Nam), Mỹ có tổng cộng trên 7,9 triệu ca mắc và trên 219.000 ca tử vong.
Canada siết chặt các biện pháp hạn chế tại các “điểm nóng”. Số liệu cập nhật trên trang web của Chính phủ Canada cho thấy số ca mắc COVID-19 ở nước này đã lên tới 180.142 ca, trong đó 9.608 ca tử vong.
Ngày 10/10, Ấn Độ đã phát hiện thêm 74.535 ca mắc bệnh COVID-19, đưa tổng số bệnh nhân trên cả nước lên trên 7 triệu ca, trong đó có 108.371 trường hợp tử vong.
Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDA), tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này đến nay là 24.548 ca và 430 ca tử vong.
Làn sóng dịch bệnh COVID-19 mới đang trở lại châu Âu, khi nhiều nước ở khu vực này trong vài ngày gần đây liên tục công bố số ca mắc mới tăng cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát hồi tháng 3 vừa qua.
- Chính phủ Anh sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp đủ điều kiện bằng cách trả 2/3 tiền lương của mỗi nhân viên, tối đa là 2.100 bảng Anh (khoảng 2.736 USD) mỗi tháng, kể từ ngày 1/11.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại ga tàu điện ngầm ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 29/9/2020. Ảnh minh họa: THX/TTXVN |
Bộ trưởng Tài chính Anh ngày 9/10 cho biết, Chính phủ nước này sẽ trả 2/3 lương cho những nhân viên làm việc cho các công ty buộc phải đóng cửa trong giai đoạn phong tỏa vì dịch COVID-19, theo kế hoạch hỗ trợ việc làm mở rộng được ông công bố cùng ngày.
- Trong một diễn biến khác, Chính phủ Nhật Bản và Việt Nam dự định khôi phục các hoạt động đi lại cho giới doanh nghiệp đi công tác ngắn ngày ngay trong tháng 10.
Việt Nam sẽ là nước thứ 3 mà Chính phủ Nhật Bản ưu tiên dỡ bỏ hạn chế đi lại cho những người đi công tác ngắn ngày, sau Singapore và Hàn Quốc.
Theo đó, công dân hai nước khi đi công tác ngắn ngày nếu muốn nhập cảnh vào nước còn lại phải làm đơn thông báo địa chỉ nơi dự định lưu trú với cơ quan chức năng sở tại. Những người này phải tiến hành xét nghiệm PCR tại đầu đi và xét nghiệm lần 2 ngay khi nhập cảnh tại đầu đến. Ngoài ra, những người được nhập cảnh cũng chỉ được di chuyển trong phạm vi liên quan tới công việc. Bất cứ ai đáp ứng được 3 điều kiện nói trên đều sẽ được xem xét miễn thời gian cách ly 14 ngày.
Nhiều khả năng thỏa thuận này sẽ được Chính phủ Nhật Bản và Việt Nam thông qua trong cuộc hội đàm cấp cao được tổ chức khi Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga thăm Việt Nam vào thời gian dự kiến giữa tháng 10.
* Thông tin trong nước nổi bật được đăng tải trong tuần trên trang Thainguyentv.vn là các bài viết về kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội và những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ: Thông điệp của Chủ tịch Quốc hội tại Phiên họp cấp cao Kỷ niệm 25 năm Hội nghị thế giới lần thứ IV về phụ nữ; Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2020; Trang trọng Lễ kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội (1010-2020); Hiệp định EVFTA: Cơ hội để nông nghiệp Việt Nam thúc đẩy sản xuất…
- Tối 10/10, tại khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội trang trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội (1010-2020).
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN) |
Tối 10/10, tại khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ, Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội trang trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội (1010 - 2020).
Cách đây 1010 năm, vào mùa Thu năm Canh Tuất 1010, Đức vua Lý Thái Tổ đã quyết định dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về thành Đại La (tức Thăng Long), mở ra thời kỳ phát triển huy hoàng của kinh đô Thăng Long và quốc gia Đại Việt. Từ mốc son lịch sử đó tới thời đại Hồ Chí Minh quang vinh, trải qua 1010 năm với bao thăng trầm, Thăng Long - Hà Nội luôn vững vàng, hiên ngang, xứng đáng là kinh đô của các vương triều; là Thủ đô ngàn năm văn hiến, anh hùng của cả nước.
Kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội là dịp Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô tiếp tục khẳng định những phẩm chất cao quý và truyền thống tốt đẹp của Thủ đô: Văn hiến - Anh hùng - Hòa bình - Hữu nghị - Sáng tạo.
- Việc cắt giảm thuế nhập khẩu trong EVFTA sẽ tăng sức ép cạnh tranh cho nhà sản xuất trong nước không chỉ về giá mà còn về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trưng bày sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao tại hội nghị. (Ảnh: Hứa Chung/TTXVN) |
Việc cắt giảm thuế nhập khẩu trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ tăng sức ép cạnh tranh cho nhà sản xuất trong nước không chỉ về giá mà còn về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm; trong đó, chăn nuôi là ngành dự báo sẽ gặp nhiều bất lợi nhất. Đây là thông tin được các chuyên gia đưa ra tại Hội nghị “EVFTA - Cơ hội nâng cao chất lượng nông sản Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu,” tổ chức ngày 9/10 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo ông Nguyễn Anh Dũng, đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông lâm sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các mặt hàng đều có dư địa thuế tương đối cao như thịt gà, thịt lợn có lộ trình khá dài (8-10 năm), trong khi thịt bò, sữa và các sản phẩm từ sữa có lộ trình giảm thuế nhanh, chỉ từ 0-3 năm. Như vậy, trong ngắn hạn và dài hạn, ngành chăn nuôi sẽ đối mặt với áp lực cạnh tranh lớn từ hàng nhập khẩu từ EU. Mặt khác, một thực tế khác là thường xảy ra tình trạng các nước “trả đũa” hoặc “có đi, có lại” trong đàm phán thương mại, gặp áp lực lớn cho vận hành chính sách trong nước.
* Trong tuần, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có nhiều tin tức đáng chú ý tập trung phản ánh các hoạt động, công tác chuẩn bị, hướng tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra từ ngày 11/10 đến ngày 13/10/2020: Họp báo về Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX; Gặp mặt Đoàn đại biểu dự Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX; Tổng duyệt chương trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025; Gắn biển công trình chào mừng Đại hội Đảng; Ngày làm việc thứ nhất Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX…
- Sau thời gian chuẩn bị nghiêm túc, đúng quy định và được sự đồng ý của Bộ Chính trị, ngày 11/10, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã diễn ra phiên trù bị - ngày làm việc thứ nhất.
Toàn cảnh ngày làm việc thứ nhất Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025. |
Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 được tiến hành từ ngày 11 đến ngày 13/10/2020, với phương châm: “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”. Tại phiên trù bị, Đại hội đã bầu Đoàn Chủ tịch gồm 15 đồng chí, bầu Đoàn Thư ký, Ban thẩm tra tư cách đại biểu; thông qua Chương trình, Nội quy, Quy chế làm việc của Đại hội; quán triệt Quy chế bầu cử trong Đảng.
Đại hội cũng đã tập trung thảo luận tại Hội trường, đóng góp ý kiến vào dự thảo các Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, như: Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII; dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của BCH Trung ương trình Đại hội XIII của Đảng gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương...
- Ngày 10/10, Lễ gắn biển công trình chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 đối với dự án đường Bắc Sơn kéo dài đã được tổ chức.
Các đại biểu tham dự Lễ gắn biển gắn biển công trình chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đối với dự án Dường Bắc Sơn kéo dài. |
Tuyến đường Bắc Sơn kéo dài được khởi công xây dựng từ tháng 6/2018 với tổng chiều dài toàn tuyến là 9,5km, nối từ đường Lương Ngọc Quyến (phường Quang Trung) đến xóm Cao Trãng (xã Phúc Xuân) thuộc TP Thái Nguyên. Dự án có tổng mức đầu tư trên 2.000 tỷ đồng, được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP) - Hợp đồng BT, do Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường làm nhà đầu tư. Với sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng, sự nỗ lực, quyết tâm của chủ đầu tư và sự đồng thuận của người dân vùng dự án, đến nay, khối lượng thi công dự án đã đạt trên 60%, tương đương trên 1.000 tỷ đồng; đã hoàn thành cổng Tam Quan và thông tuyến được 6km.
Dự án đường Bắc Sơn kéo dài là một trong các công trình, dự án trọng điểm của thành phố nói riêng và tỉnh Thái Nguyên nói chung trong nhiệm kỳ 2015-2020 và có tính định hướng cho những nhiệm kỳ tiếp theo. Khi hoàn thành và đưa vào sử dụng không chỉ kết nối giao thông giữa TP. Thái Nguyên với Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc và vùng chè đặc sản Tân Cương, mà còn được kỳ vọng sẽ mở ra hướng phát triển mới, mang lại tầm nhìn về giá trị tăng trưởng cho khu vực phía tây TP. Thái Nguyên./.