Điểm sự kiện từ ngày 24/8/2020 đến ngày 30/8/2020
* Trong tuần, các thông tin về cuộc bầu cử Mỹ, dịch COVID-19 và sự hợp tác của toàn thế giới trong cuộc chiến chống đại dịch là những nội dung được Thainguyentv.vn đăng tải: Tổng thống Trump chính thức tiếp nhận đề cử của đảng Cộng hòa; Tình hình dịch COVID-19 ngày 28/8: Hơn 17 triệu bệnh nhân đã hồi phục; ASEAN và các đối tác nhất trí thúc đẩy hợp tác kinh tế hậu COVID-19; Khai mạc Hội nghị quan chức cấp cao năng lượng ASEAN lần thứ 38…
- Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức tiếp nhận đề cử của đảng Cộng hòa, trở thành ứng viên của đảng này cùng Phó Tổng thống Mike Pence trong cuộc đua vào Nhà Trắng sẽ diễn ra vào tháng 11 tới.
Tổng thống Donald Trump phát biểu tại Charlotte, North Carolina hồi tháng Ba. (Nguồn:Reuters) |
Sáng 28/8 (theo giờ Việt Nam), trong bài phát biểu khép lại đêm cuối đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức tiếp nhận đề cử của đảng Cộng hòa, trở thành ứng viên của đảng này cùng liên danh tranh cử là Phó Tổng thống Mike Pence sẽ cạnh tranh với cặp đôi Joe Biden-Kamala Harris của đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng sẽ diễn ra vào tháng 11 tới.
Bài phát biểu tiếp nhận đề cử của Tổng thống Trump được thực hiện từ khu vườn phía Nam Nhà Trắng và là một trong chuỗi các sự kiện nổi bật của đại hội được tổ chức tại đây.
Theo thông báo trước đó của ban vận động tranh cử của Tổng thống Trump, có khoảng 1.000-1.500 người tham dự buổi lễ tiếp nhận đề cử của Tổng thống Trump tại Nhà Trắng.
Trong đêm cuối của đại hội có các bài phát biểu quan trọng của một số lãnh đạo đảng Cộng hòa, trong đó có Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell, hay luật sư riêng của Tổng thống Trump là Rudy Giuliani và Ivanka Trump, con gái đồng thời là cố vấn của vị đương kim tổng thống.
- Tính đến 5h sáng 30/8 (theo giờ Hà Nội), toàn thế giới đã ghi nhận 25.125.084 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 845.361 ca tử vong. Trong bối cảnh nền kinh tế và đời sống nhân dân các nước trên thế giới đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID, việc các quốc gia tăng cường hợp tác sẽ gia tăng sức mạnh trong phòng, chống dịch bệnh và đem lại những kỳ vọng phục hồi kinh tế hậu COVID-19.
Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN với các đối tác ngoại khối khu vực Đông Á lần thứ 8. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN) |
Ngày 28/8, các Bộ trưởng Kinh tế của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các quốc gia đối tác đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác kinh tế khu vực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hậu dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Theo tuyên bố chung sau cuộc họp lần thứ 8 giữa các Bộ Trưởng kinh tế ASEAN và các đối tác ngoại khối ở khu vực Đông Á (gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand, Nga và Mỹ), các bộ trưởng đã trao đổi quan điểm về các nỗ lực duy trì chuỗi cung ứng và ổn định thị trường cũng như tăng cường sức phục hồi của kinh tế tại khu vực Đông Á hậu đại dịch, đồng thời kêu gọi các sáng kiến giúp đẩy nhanh sự phục hồi kinh tế bền vững.
Cuộc họp này diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 52 và các hội nghị có liên quan (AEM-52) tổ chức tại Việt Nam theo hình thức trực tuyến. Tại cuộc họp, các bên cũng thảo luận việc tăng cường ứng dụng và tận dụng công nghệ số trong khu vực để thúc đẩy kinh tế số, nhấn mạnh rằng điều này đóng vai trò rất quan trọng trong đại dịch COVID-19.
Với quyết tâm hành động nhằm giảm thiểu tác động kinh tế của đại dịch COVID-19, các bộ trưởng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố chuỗi nguồn cung khu vực, từ đó có thể thích ứng tốt hơn trước các cú sốc và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Các bộ trưởng cũng tái khẳng định cam kết thúc đẩy thương mại và đầu tư, giảm thiểu sự gián đoạn đối với thương mại và các chuỗi nguồn cung toàn cầu, tạo điều kiện cho việc kết nối chuỗi cung ứng. Ngoài ra, các bên cũng tái khẳng định sự ủng hộ đối với quá trình cải cách cần thiết của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tuyên bố sẽ tiếp tục phối hợp để đảm bảo môi trường thương mại tự do, công bằng, minh bạch và ổn định.
* Thông tin trong nước nổi bật được đăng tải trong tuần trên trang Thainguyentv.vn là các bài viết về kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống ngành Ngoại giao; Bộ Tổng tham mưu… và những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ: Bộ Tổng Tham mưu trong giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; 75 năm ngành Ngoại giao Việt Nam: Những mốc son rực rỡ; Việt Nam được tôn trọng và ủng hộ trên trường quốc tế; Thủ tướng: Phấn đấu 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 vào cuối 2020…
- Chiều 26/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử chủ trì phiên họp thường kỳ theo hình thức trực tuyến.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) |
Theo báo cáo của Báo cáo khảo sát xếp hạng mức độ phát triển Chính phủ điện tử của 193 quốc gia, vùng lãnh thổ của Liên hợp quốc, công bố tháng 7 vừa rồi, trong 3 năm qua, từ tháng 8/2017-7/2019, Việt Nam tăng 2 bậc, xếp hạng 86/193 quốc gia, 24/47 Châu Á và 6/11 Đông Nam Á. Mục tiêu đặt ra đến hết năm 2020 là Việt Nam tăng 10 bậc trong bảng xếp hạng thế giới.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ thông tin đã chung tay đóng góp nhân lực, tài lực cùng Chính phủ và nhân dân cả nước phòng, chống dịch hiệu quả, trong đó có việc cung cấp miễn phí các nền tảng học tập, làm việc, khám bệnh từ xa.
Về công tác xây dựng Chính phủ điện tử, Thủ tướng đánh giá, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế để xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử được tăng cường. Các nền tảng phát triển Chính phủ điện tử được triển khai rất nhanh, trong đó có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu các bộ, ngành, địa phương.
Đánh giá đã xuất hiện một số cách làm mới có thể nhân rộng để đẩy nhanh chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, Thủ tướng cho biết đó là mạnh dạn thay đổi cách thức làm việc; dùng thử, trải nghiệm các ứng dụng công nghệ mới, khi có hiệu quả thì triển khai chính thức ngay; phát triển các ứng dụng chính phủ điện tử dựa trên mô hình nền tảng dùng chung để rút ngắn thời gian, chi phí triển khai; tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu.
Tuy nhiên, Thủ tướng nêu một số tồn tại cần khắc phục sớm, đó là môi trường pháp lý Chính phủ điện tử chưa hoàn thiện. Từ các tồn tại đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu trước hết là Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ xây dựng về Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân trình Chính phủ xem xét trong năm 2020.
Thủ tướng cho biết từ năm 2021 Chính phủ sẽ xem xét xếp hạng thứ tự chính phủ điện tử của 63 tỉnh, thành cả nước để công bố công khai, qua đó thấy được trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương.
Đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Thái Nguyên. |
Về các nền tảng chính phủ số, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành địa phương hoàn thành nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, tỉnh vào tháng 10/2020 và kết nối với nền tảng tích hợp chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia.
Theo xếp hạng chỉ số đánh giá tổng thể mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, năm 2019, tỉnh Thái Nguyên đứng thứ 12. Tỉnh đã hoàn thành một số chỉ tiêu ttrong Nghị quyết 17 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025.
* Trong tuần, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có nhiều tin tức đáng chú ý: Đại hội đại biểu các Đảng bộ trực thuộc Đảng bộ tỉnh: Đảng bộ huyện Định Hóa, Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh, Đảng bộ huyện Đại Từ, nhiệm kỳ 2020-2025; Phiên họp thứ 48, Thường trực HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIII; Mười năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững; EVFTA - Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp dệt may Thái Nguyên; Các trường học tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; Nhanh chóng bắt giữ đối tượng dùng súng bắn hai người thương vong; Khen thưởng thành tích đột xuất trong điều tra, truy bắt tội phạm gây án đặc biệt nghiêm trọng…
- Trong tuần qua, các đảng bộ: Huyện Định Hóa, Đại Từ và Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu nhiệm kỳ 2020-2025.
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Đại Từ. |
Đây là 3 Đảng bộ cuối cùng trong tổng số 16 Đảng bộ trực thuộc Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên tổ chức xong Đại hội đại biểu, nhiệm kỳ 2020-2025 theo đúng tinh thần Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị. Việc tổ chức đại hội tại các Đảng bộ diễn ra bảo đảm chất lượng, an toàn. Công tác chuẩn bị văn kiện và rà soát nhân sự kỹ, quy hoạch nhân sự đúng, trúng, thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ theo quy trình năm bước để sàng lọc, lựa chọn được người tiêu biểu nhất và bám sát, đôn đốc, giải quyết ngay những khó khăn, kiến nghị, vấn đề phát sinh từ thực tiễn của cơ sở. Tại các đại hội, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ của nhiệm kỳ vừa qua. Trên cơ sở nguyên nhân, bài học kinh nghiệm rút ra, tại các phiên làm việc, các đại biểu đã tiến hành thảo luận, thống nhất mục tiêu tổng quát cho nhiệm kỳ 2020-2025.
- Ngày 25/8, Thường trực HĐND tỉnh khóa XIII tổ chức phiên họp thứ 48 để xem xét, cho ý kiến vào một số nội dung thuộc thẩm quyền.
Tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến vào dự thảo Báo cáo của Đoàn khảo sát về kết quả khảo sát việc thực hiện các kết luận tại phiên chất vấn, giải trình của HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021. Tập trung vào việc triển khai thực hiện chính sách pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về thu hút đầu tư và một số dự án đầu tư chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh; công tác cải cách hành chính; công tác quản lý nhà nước đối với quy hoạch 3 loại rừng; hoạt động của các HTX dịch vụ điện; việc thực hiện các đề án, chương trình, chính sách hỗ trợ đầu tư, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn; việc bố trí dân cư theo hình thức tái định cư tập trung; công tác đào tạo nghề; việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm; việc thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã gắn với triển khai thực hiện Đề án củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở; hiệu quả hoạt động của các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn.
Kết luận phiên họp, đồng chí Bùi Xuân Hòa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu Đoàn khảo sát tiếp thu các ý kiến đóng góp tại phiên làm việc, sớm hoàn thiện, báo cáo Thường trực HĐND tỉnh theo quy định. Cũng tại phiên họp đã xem xét, thông qua Dự thảo quy định chế độ chi trả nhuận bút, thù lao việc duy trì hoạt động Trang Thông tin điện tử HĐND tỉnh.
- Ngay sau khi lực lượng Công an tỉnh bắt giữ đối tượng gây ra vụ nổ súng diễn ra vào khoảng 20 giờ 5 phút, ngày 26/8/2020 trên đường Nguyễn Trung Trực, thuộc tổ 7, phường Túc Duyên, thành phố Thái Nguyên, khiến 2 người thương vong. Chiều ngày 27/8, đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã gặp mặt, động viên, khen thưởng các lực lượng công an tham gia điều tra, truy bắt tội phạm. Cùng dự có đồng chí Đặng Xuân Trường, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy; đồng chí Dương Xuân Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh trao quyết định khen thưởng đột xuất cho Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh và Công an thành phố Thái Nguyên. |
Biểu dương thành tích của lực lượng công an tỉnh Thái Nguyên, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, tấn công truy bắt tội phạm, chỉ sau hơn 3 giờ đồng hồ lực lượng công an tỉnh đã bắt giữ được đối tượng gây án, làm rõ hành vi phạm tội. Đây là chiến công xuất sắc có sự đóng góp của nhiều lực lượng nghiệp vụ của công an tỉnh, trong đó chủ công là phòng cảnh sát hình sự và công an thành phố Thái Nguyên.
Việc điều tra truy bắt kịp thời đối tượng gây án có ý nghĩa quan trọng trong công tác đấu tranh trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự; kịp thời trấn an dư luận, tạo niềm tin trong quần chúng nhân dân, bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật.
Nhân dịp này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã trao quyết định khen thưởng đột xuất cho Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh và Công an thành phố Thái Nguyên với thành tích xuất sắc đột xuất trong điều tra, truy bắt tội phạm gây án đặc biệt nghiêm trọng.
- Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã chính thức có hiệu lực từ đầu tháng 8 vừa qua. Hiệp định đi vào thực tiễn là phù hợp với chủ trương đối ngoại, hướng tới thị trường tiềm năng lớn nhất với 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu, nhiều quốc gia đứng đầu thế giới về đầu tư và thương mại; đồng thời, cũng mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp dệt may của Thái Nguyên.
Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG chủ động đầu tư hệ thống công nghệ hiện đại vào sản xuất. |
Hiện nay, EU là thị trường đứng đầu thế giới về nhập khẩu hàng dệt may và cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của hàng dệt may Việt Nam.
Tham gia vào EVFTA, các doanh nghiệp dệt may của cả nước, trong đó có doanh nghiệp của Thái Nguyên, sẽ có nhiều thuận lợi trong việc đưa hàng hóa trong nước đến châu Âu và đón dòng hàng chất lượng cao, vốn đầu tư từ hướng ngược lại, cũng như được hưởng nhiều ưu đãi thuế quan và giúp doanh nghiệp chuyển đổi từ ưu đãi ngắn hạn sang ưu đãi dài hạn hơn.
Tuy nhiên, EVFTA cũng đặt ra không ít thách thức đối với nhiều doanh nghiệp dệt may trong tỉnh khi chất lượng sản phẩm chưa ổn định, mẫu mã chưa đa dạng, công nghệ và nguyên liệu chưa đồng bộ… Do vậy, yếu tố cần thiết là các doanh nghiệp phải tiếp tục giữ vững thương hiệu sẵn có và có chiến lược xây dựng, liên kết với những thị trường mới, tiềm năng.
EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu, trong đó có các sản phẩm may mặc. Từ đó, Việt Nam sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư hơn đến từ EU và các nước khác. Vì vậy, doanh nghiệp phải đầu tư để nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới mô hình kinh doanh, chiến lược kinh doanh, có những chiến lược dài hạn, đặc biệt là hướng tới phát triển bền vững. Có như vậy, doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp dệt may của tỉnh nói riêng mới có thể tạo dựng được nền tảng tương tác vững chắc với thị trường thế giới trong tình hình mới./.