Để người khuyết tật tự tin hòa nhập cộng đồng
Chị Huệ luôn đồng hành cùng con gái.
Để người khuyết tật tự tin hòa nhập cộng đồng

Chị Phạm Thị Huệ, xã Quyết Thắng, TP Thái Nguyên có con gái 11 tuổi không may bị khiếm thính bẩm sinh. Đồng hành cùng con khôn lớn, chị trải qua biết bao vất vả, nhọc nhằn. Khi con gái đến tuổi đi học, để hiểu và dạy con, chị Huệ quyết tâm học ngôn ngữ ký hiệu. Qua xem chương trình truyền hình có phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu, chị mở rộng vốn từ vựng, cập nhật thông tin, từ đó trang bị cho con gái những kiến thức, kỹ năng cần thiết, giúp con dần xóa đi khoảng cách với những bạn bè cùng trang lứa.

Chị Phạm Thị Huệ - Xã Quyết Thắng, TP Thái Nguyên chia sẻ: "Thông qua chương trình có phiên dịch thì các con cũng được hiểu thêm về môi trường xung quanh, bố mẹ với các con cũng có thể có những cái các con chưa hiểu thì qua chương trình có phiên dịch cũng hỗ trợ thêm để bố mẹ có thể giải thích cho các con được rõ hơn".

Bắt đầu sản xuất từ tháng 7/2022, chương trình thời sự có phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu của Đài PT-TH Thái Nguyên đã trở thành kênh thông tin để những người khiếm thính theo dõi, nắm bắt hoạt động, tình hình phát triển của địa phương, từ đó giúp họ truyền thông hiệu quả hơn trong cộng đồng mình, giúp nhau xóa bỏ rào cản, tham gia đóng góp tích cực cho sự phát triển của quê hương.

Để người khuyết tật tự tin hòa nhập cộng đồng
Một buổi ghi hình chương trình Thời sự có phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu của Đài PT-TH Thái Nguyên.

Ông Nông Văn Đồng - Trưởng phòng Thời sự, Đài PT - TH Thái Nguyên cho biết: "Phiên dịch bằng ngôn ngữ ký hiệu dành cho người khiếm thính đối với chương trình Thời sự trong thời gian vừa qua đã nhận được sự quan tâm và đón nhận của nhân dân, của khán giả nói chung trong đó có đối tượng là người khiếm thính nói riêng. Để nâng cao chất lượng chương trình sắp tới chúng tôi dự kiến cũng sẽ đầu tư quan tâm nâng cao về chất lượng nội dung, đảm bảo độ chính xác thông tin cũng như chất lượng hình ảnh, nội dung phong phú. Ngoài ra tham mưu đề xuất với Ban Biên tập, Ban Giám đốc cũng có thể xem xét mở rộng và phát triển các nội dung này".

Cùng với tiếp cận thông tin, nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, tạo sinh kế cho người khuyết tật đã giúp họ ổn định cuộc sống. Đến Trung tâm Hỗ trợ phát triển, giáo dục, hòa nhập trẻ khuyết tật Thái Nguyên, sau những giờ học văn hóa, các em học sinh được tham gia các lớp học nghề phù hợp với thể trạng sức khỏe của mình, như tin học, may công nghiệp, thêu zen… Qua những lớp học này, phần lớn các em được các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tiếp nhận vào làm việc.

Để người khuyết tật tự tin hòa nhập cộng đồng
Nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, tạo sinh kế cho người khuyết tật đã giúp họ ổn định cuộc sống.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang - Giáo viên dạy Tin học, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Thái Nguyên: "Đối với học sinh khiếm thính thì các em có thể phát triển về vẽ đồ họa cũng rất tốt".

Bà Nguyễn Thị Kim Nhung - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Chúng tôi cũng mong muốn sẽ tiếp cận và mở rộng thêm các nghề phù hợp với các đối tượng học sinh, và các nghề thực tế với cuộc sống hàng ngày, liên kết với một số đơn vị khác và mở thêm những nghề chuyên sâu như nghề làm đẹp, nghề nấu ăn, hoặc là nghề cắt tóc".

Đối với hầu hết những người khuyết tật, việc họ có tự tin hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống hay không chính là nhờ sự cảm thông, sẻ chia của toàn xã hội. Mỗi hoạt động quan tâm, trợ giúp của mỗi người dân dù nhỏ nhưng sẽ tiếp thêm động lực, giúp cho những người kém may mắn nỗ lực vươn lên, sống có ý nghĩa hơn.