Đẩy mạnh phối hợp thực hiện công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay - đã ps cm Đưa nghị quyết 18.8
Lực lượng Công an thành phố Thái Nguyên đã chủ động nắm tình hình, tham mưu xử lý nhiều vụ việc; tuyên truyền, giáo dục nhiều lượt đối tượng hoạt động tuyên truyền mê tín dị đoan.

Trên 19.200 lượt đoàn viên, thanh niên, sinh viên tại các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh; 920 lượt cán bộ, nhân dân tại các địa phương được tuyên truyền về việc thực hiện phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, trật tự an toàn giao thông, phòng, chống hoạt động của các “tà đạo”, “tổ chức tự xưng”. Tính riêng, lực lượng Công an thành phố Thái Nguyên, từ năm 2016 đến nay, đã chủ động nắm tình hình, tham mưu xử lý 46 vụ việc; tuyên truyền, giáo dục 508 lượt đối tượng hoạt động tuyên truyền mê tín dị đoan theo “Hội thánh Đức Chúa trời”; xử lý 42 vụ việc, lấy lời khai, tuyên truyền, giáo dục hơn 670 lượt đối tượng hoạt động tuyên truyền, sinh hoạt theo tà đạo “Pháp Luân Công”, qua đó, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Đặc biệt, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, nên trong 5 năm qua, Ban Dân vận Tỉnh ủy và Công an tỉnh đã phối hợp chỉ đạo xây dựng được gần 250 mô hình “dân vận khéo” hoạt động hiệu quả. Trong đó, có nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” gắn với phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc, như: mô hình camera an ninh của lực lượng Công an xã Bảo Cường, huyện Định Hóa.

Đại úy Vi Thái Tùng, Phó Trưởng Công an xã Bảo Cường, huyện Định Hóa cho biết: "Mô hình camera an ninh đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần giảm thiểu tình trạng tập trung phức tạp và khi xảy ra tai nạn giao thông, camera giúp ích rất nhiều, Công an xã có thể giúp đỡ các đơn vị nghiệp vụ, trích xuất thông tin hình ảnh; đồng thời, góp phần đấu tranh, phòng, chống tội phạm".

Ông Phan Văn Dương, Trưởng xóm Cốc Lủng, xã Bảo Cường, huyện Định Hóa chia sẻ: "Camera an ninh hoạt động rất hiệu quả, trước đây, người dân để rác không gọn gàng, đến giờ đã đảm bảo hơn, ý thức người dân cũng nâng cao hơn".

Quán triệt, triển khai, thực hiện Chương trình phối hợp công tác dân vận giữa Ban Dân vận Tỉnh ủy và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, 5 năm qua, hệ thống dân vận và quân sự trên địa bàn tỉnh đã huy động nguồn lực, xây tặng nhà văn hóa xóm, làm đường bê tông nông thôn với tổng trị giá trên 1,6 tỷ đồng; phối hợp khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 1.230 lượt người, trị giá 1.3 tỷ đồng; vận động cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp ủng hộ các quỹ nhân đạo, từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, ngày vì người nghèo... thu nộp được trên 3,3 tỷ đồng; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh xây dựng tặng 16 nhà tình nghĩa; 07 “Nhà đồng đội’’ và tổ chức thăm, tặng quà cho 174 gia đình chính sách, gia đình quân nhân và nhân dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhân dịp lễ, Tết; huy động trên 35.400 lượt dân quân, tự vệ tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn khắc phục hậu quả thiên tai, làm đường nông thôn mới, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đồng đội, nhà đại đoàn kết; bảo vệ các mục tiêu, tuần tra canh gác bảo vệ rừng, tài nguyên khoáng sản, khu vực nguy hiểm; di dời 754 hộ dân ra khu vực nguy hiểm khi mưa, lũ; giúp thu hoạch 57ha lúa và hoa màu bị ngập úng, phối hợp cách ly các công dân an toàn, chuẩn bị tốt 03 khu cách ly phòng, chống dịch COVID-19; mỗi năm huy động gần 4.000 ngày công của cán bộ, chiến sĩ, quá trình thực hiện đã phối hợp với các lực lượng, tổ chức chính trị - xã hội tổ chức sửa chữa và làm mới 141,8km đường giao thông nông thôn, nạo vét 116,5km kênh m­ương nội đồng, xây dựng nông thôn mới; xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đồng đội, dọn dẹp nhà văn hóa, tu sửa trường học, tặng quà cho đối t­ượng chính sách… trị giá gần 15 tỷ đồng.

Đồng chí Nguyễn Khắc Thành, Phó chính ủy Lữ đoàn thông tin 601, Quân khu 1 cho hay: "Ngoài việc hành quân, dã ngoại, làm công tác dân vận, chúng tôi cũng phối hợp với các doanh nghiệp để thăm hỏi, tặng quà trong các dịp lễ, tết cho các gia đình chính sách, người có công, gia đình có hoàn cảnh khó khăn".

Ông Nguyễn Thanh Phương, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Đồng Hỷ nhấn mạnh: "Qua các hoạt động, các đơn vị đã củng cố và tăng cường mối quan hệ đoàn kết gắn bó giữa đơn vị quân đội với cấp ủy chính quyền và các tổ chức chính trị từ huyện đến cơ sở, tạo dựng niềm tin của nhân dân và các dân tộc trên địa bàn đối với Đảng, Nhà nước và quân đội; đã xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh và tạo sự đồng thuận trong xã hội, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và góp phần làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng của các thế lực thù địch".

Đẩy mạnh phối hợp thực hiện công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay - đã ps cm Đưa nghị quyết 18.8
Hết năm 2019, đã có 19/63 xã, 75/94 xóm đặc biệt khó khăn hoàn thành mục tiêu Chương trình 135; có 74/114 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới.

Trong thực hiện Chương trình phối hợp công tác dân tộc giữa Ban Dân vận Tỉnh ủy và Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2015-2020, trên cở sở các nội dung được ký kết, Ban Dân vận Tỉnh ủy và Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu, đề xuất cho cấp ủy, chính quyền nhiều văn bản cụ thể hoá các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận, dân dộc và tôn giáo để triển khai, thực hiện. Nhờ đó, đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thành việc xóa các xóm, bản không có điện lưới quốc gia trên địa bàn tỉnh (76/76 xóm, bản); xây mới toàn bộ 33/33 phòng học tạm ở các xã đặc biệt khó khăn. Đến hết năm 2019, đã có 19/63 xã, 75/94 xóm đặc biệt khó khăn hoàn thành mục tiêu Chương trình 135; có 74/114 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới, góp phần đưa tỷ lệ các xã đạt chuẩn nông thôn mới vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh cao gấp đôi bình quân chung của vùng dân tộc thiểu số và miền núi toàn quốc; 15 tuyến đường vào các xóm bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống với tổng chiều dài 42,7km được hoàn thành đưa vào sử dụng; tỷ lệ hộ nghèo trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi giảm nhanh. Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi giảm nhanh, từ 25,82% năm 2016 giảm xuống còn 6,83% vào cuối năm 2019, giảm bình quân trên 4,7%/năm; trong đó, các xã hưởng Chương trình 135 giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 5%/năm.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Võ Nhai thông tin: "Chúng tôi đã thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp giữa Ban Dân vận Huyện ủy và phòng Dân tộc huyện; từ đó, ý thức của người dân được nâng lên, tạo sự thống nhất trong nhận thức và đồng thuận trong hành động, để phối hợp cùng chính quyền thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng địa phương ngày càng vững mạnh".

Trong công tác phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân, Ban Dân vận Tỉnh ủy và Ban Dân tộc tỉnh thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng trong tỉnh tuyên truyền về tác hại, hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; phòng, chống dịch bệnh COVID-19, tham gia đầy đủ và trách nhiệm cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND cấp nhiệm kỳ 2021-2026; đồng thời, hướng dẫn các địa phương, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, đồng bào dân tộc thiểu số tích cực hưởng ứng thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, phát huy truyền thống đoàn kết các dân tộc; thực hiện tốt các quy ước, hương ước và quy chế dân chủ ở cơ sở; tham gia thực hiện các chương trình dự án phát triển kinh tế, xã hội, xoá đói giảm nghèo; xây dựng các mô hình "dân vận khéo", phát huy vai trò già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng.

Ông Vi Văn Thái, Bí thư Chi bộ xóm Làng Ngòi, xã Bảo Cường, huyện Định Hóa cho hay: "Với vai trò là người có uy tín trong cộng đồng phải biết tranh thủ các nguồn vốn của Nhà nước, cố gắng tuyên truyền vận động nhân dân để thực hiện, phát huy tính dân chủ; gia đình mình phải gương mẫu thì người dân mới tin tưởng".

Đặc biệt, trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, hệ thống dân vận trên địa bàn đã tiếp tục phối hợp tích cực với các lực lượng quân đội, công an và các cơ quan, ban, ngành, địa phương trong tỉnh, phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác tuyên truyền và phòng, chống dịch; triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự các khu vực tổ chức cách ly; tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm về phòng, chống dịch bệnh. Có thể nói, chương trình phối hợp thực hiện công tác dân vận giữa Ban Dân vận và các cơ quan, đơn vị có nhiều chuyển biến tích cực. Nội dung phối hợp đã bám sát chỉ đạo của tỉnh và các nhiệm vụ trọng tâm theo chức năng, nhiệm vụ của từng ngành. Trong đó, các cơ quan, đơn vị đã phối hợp tham mưu cấp ủy chỉ đạo việc sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận; triển khai nghiêm túc quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị. Các hoạt động phối hợp hướng mạnh về cơ sở, chú trọng việc quan tâm đến chất lượng hiệu quả thực thi công chức, công vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh; chăm lo đến quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân vận trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới, các phong trào thi đua được đẩy mạnh, nhất là lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, tiếp tục xây dựng tỉnh Thái Nguyên ngày càng phát triển./.