Đầu tư kịp thời để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới
Cơ sở vật chất và nguồn nhân lực ở nhiều trường đang thiếu khiến chương trình giáo dục mới sẽ gặp nhiều khó khăn

Thành phố Sông Công hiện có 13 trường tiểu học nhưng chỉ có 2 giáo viên dạy môn tin học. Trong khi đó, để thực hiện chủ trương đưa môn tiếng Anh là môn học bắt buộc trong năm học 2022-2023, toàn thành phố còn thiếu khoảng 6 biên chế giáo viên dạy môn học này. Cơ sở vật chất đang thiếu thốn, vấn đề nguồn nhân lực không đảm bảo là những khó khăn đối với ngành giáo dục và đào tạo địa phương.

Cô giáo Lê Thị Hồng Vân, Hiệu trưởng Trường tiểu học Mỏ Chè, TP Sông Công thông tin: “Môn tin học nhà trường chưa có giáo viên biên chế, về cơ sở vật chất trường còn thiếu phòng học chức năng cho môn ngoại ngữ”.

Ông Trịnh Văn Dũng, Phó Trưởng phòng Phụ trách Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Sông Công cho biết: “Phòng đã tham mưu cho thành phố trong năm học tới sé trang bị cho tất cả các trường có được phòng học tin học, có đầy đủ máy tính cho các em học. Bộ môn Tiếng Anh thành phố cũng có chủ trương xin Sở Nội vụ để có định hướng tuyển dụng đối với số lượng biên chế thiếu”.

Không chỉ ở thành phố Sông Công, hiện nay nhiều trường tiểu học trên địa bàn tỉnh cũng đang phải đối mặt với những khó khăn “không nhân lực, thiếu cơ sở vật chất" phục vụ cho công tác dạy môn Tin học và tiếng Anh. Theo đại diện nhiều trường học, nếu đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu và cơ sở vật chất chưa được đầu tư thì chủ trương này khó thực hiện đồng bộ.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên thông tin: “Sở cũng như các địa phương cũng tăng cường rà soát và sắp xếp lại những trang thiết bị hiện có và tiếp tục hiện đại hóa, trang cấp và bổ sung thêm bằng các nguồn huy động hợp pháp khác để đảm bảo được yêu cầu giảng dạy bộ môn và nhu cầu thực hành, đặc biệt là đối với môn tin học cho các nhà trường”.

Việc tổ chức dạy học, cho học sinh tiếp cận với tiếng Anh và Tin học là phù hợp, cần thiết, giúp phát triển toàn diện năng lực của học sinh. Tuy nhiên, từ chủ trương đi vào thực tế thì cần sự vào cuộc của ngành Giáo dục và Đào tạo và địa phương trong việc chuẩn bị nguồn nhân lực và cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.