Cơ hội tháo gỡ thế bế tắc chính trị kéo dài tại Tây Ban Nha
Ông Pedro Sanchez. (Ảnh: THX/TTXVN) |
Ngày 2/1, ERC, một đảng ủng hộ độc lập tại vùng lãnh thổ Catalonia đã "bật đèn xanh" cho lãnh đạo đảng Xã hội Pedro Sanchez đảm nhận thêm một nhiệm kỳ Thủ tướng Tây Ban Nha, mở đường chấm dứt thế bế tắc chính trị đã kéo dài nhiều tháng qua tại quốc gia này.
Phát biểu sau cuộc họp ủy ban toàn quốc của ERC, quan chức cấp cao Pere Aragones cho biết 13 nghị sỹ đảng này sẽ bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm với ông Sanchez dự kiến diễn ra trong tuần tới. Động thái này cho phép ông Sanchez tiếp tục lãnh đạo đất nước sau hai cuộc bầu cử không cho kết quả rõ ràng hồi năm ngoái.
Trong cuộc bầu cử lại được tổ chức hồi tháng 11/2019, đảng Xã hội của ông Sanchez đã về nhất nhưng số ghế đảng này có được thấp hơn rất nhiều so với mức đa số ghế cần thiết trên tổng số 350 ghế để tự thành lập chính phủ. Đảng Xã hội sau đó đã đạt thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh với đảng cực tả Podemos.
Tuy nhiên, ngay cả khi hai đảng này liên minh thì tổng số 155 ghế hai bên nắm giữ vẫn không đủ đa số. Ông Sanchez đã vận động được sự ủng hộ của một số đảng địa phương và cũng đã tiến hành đàm phán với ERC từ sau cuộc bầu cử hồi tháng 11/2019.
Bắt đầu từ ngày 4/1, trong phiên họp hiếm hoi được tổ chức vào cuối tuần, Quốc hội Tây Ban Nha sẽ bắt đầu tranh luận về khả năng thành lập chính phủ của ông Sanchez. Ngày 5/1 sẽ diễn ra cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đầu tiên với lãnh đạo đảng Xã hội.
Tại cuộc bỏ phiếu nay, khả năng giành thắng lợi của ông Sanchez được cho là thấp bởi ông cần tới 176 phiếu ủng hộ. Sau đó, trong ngày 7/1, một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm lần thứ hai dự kiến diễn ra.
Việc các nghị sỹ ERC bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu này giúp khả năng ông Sanchez giành thắng lợi và đảm bảo được vị trí thủ tướng gần như chắc chắn bởi ông chỉ cần một đa số tối thiểu.
Tuyên bố của ERC được đưa ra sau khi đảng này và đảng Xã hội của ông Sanchez đưa ra những tuyên bố riêng rẽ về việc hai bên đã nhất trí thu xếp các cuộc đàm phán giữa chính quyền trung ương ở Madrid và chính quyền vùng Catalonia nhằm hóa giải xung đột chính trị về tương lai của vùng lãnh thổ giàu có phía Tây Bắc Tây Ban Nha và thiết lập nguyên tắc giải pháp cho vấn đề.
Việc tách ra độc lập của Catalonia nóng lên nhiều trong những năm qua. Đặc biệt, năm 2017, chính quyền vùng Catalonia đã đơn phương tuyên bố tách ra độc lập sau khi tự ý tổ chức trưng cầu dân ý bất chấp sự phản đối của chính quyền trung ương, buộc Madrid phải tạm đình chỉ quy chế tự trị của Catalonia và tổ chức bầu cử sớm ở vùng này để thành lập chính quyền mới.
Sau nỗ lực bất thành này, ERC nhận thấy cần chuyển hướng ủng hộ độc lập trong dài hạn và có động thái hòa hoãn với chính quyền trung ương, dẫn tới quyết định có lợi kể trên cho đảng Xã hội của ông Sanchez. Dù thừa nhận việc đàm phán với chính quyền trung ương là một quá trình khó khăn và phức tạp nhưng ông Aragone, người cũng là phó thủ hiến vùng Catalonia, cho rằng đây là một cơ hội "đáng để thử."
Trước năm 2015, về cơ bản Tây Ban Nha có hệ thống chính trị gồm hai đảng chính là đảng Xã hội và đảng Nhân dân (PP). Tuy nhiên, sau đó, các đảng mới dần lớn mạnh và có ghế trong quốc hội, dẫn tới sự phân mảnh quyền lực trong cơ quan lập pháp, gây ra những thách thức ngày càng lớn trong các nỗ lực thành lập chính phủ.
Ông Sanchez bắt đầu lên nắm quyền hồi tháng 6/2018 sau khi người tiền nhiệm Mariano Rajoy thuộc đảng PP buộc phải từ chức vì không vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội. Tuy nhiên, đến tháng 4/2019, ông Sanchez cũng phải kêu gọi bầu cử sớm vì các đảng ủng hộ độc lập tại vùng Catalonia phản đối dự thảo ngân sách do chính phủ của ông đề xuất.
Kết quả, không có đảng nào giành thế đa số trong cuộc bầu cử này dẫn tới một cuộc bầu cử lại vào tháng 11/2019. Dù tổ chức tới bốn cuộc bầu cử trong vòng bốn năm, cuối cùng chính trường Tây Ban Nha vẫn bế tắc và chỉ có cơ hội được tháo gỡ sau khi ông Sanchez chấp nhận đàm phán với phe ủng hộ độc lập ở Catalonia./.