Chuyển đổi số giáo dục – thay đổi để thích nghi
Các trường học trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dạy học và quản lý.

Năm học 2021-2022 bắt đầu khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Để đáp ứng yêu cầu trong tổ chức dạy học trực tuyến xen lẫn trực tiếp trên lớp, Sở Giáo dục và Đào tạo đã triển khai phần mềm dạy học online Microsoft Teams cho hàng nghìn giáo viên các trường trong tỉnh. Với nhiều tính năng ưu việt hơn so với các phần mềm trước đây, Microsoft Teams tạo nhiều thuận lợi trong dạy học trực tuyến.

Ông Dương Duy Hưng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trưng Vương, TP Thái Nguyên chia sẻ: "Microsoft Teams có hữu ích là lưu vết được quá trình dạy học, quá trình tương tác giữa giáo viên và học sinh; giáo viên cũng đánh giá học sinh trực tuyến trên phần mềm Microsoft Teams. Sau đó, phụ huynh học sinh có thể xem lại những nội dung lưu vết này".

Chỉ với chiếc điện thoại kết nối Internet và một màn hình tivi, lớp học tiếng Anh đã trở thành tiết học được yêu thích nhất của các em học sinh của Trường THCS Tân Thành, TP Thái Nguyên. Các em đã được làm quen và giới thiệu với các thầy, cô giáo ở nhiều quốc gia khác nhau về những địa danh nổi tiếng, nét văn hóa đặc trưng của vùng đất Thái Nguyên. Sự tự tin, giao lưu, trả lời các câu hỏi của học sinh và thầy, cô giáo nước ngoài đã cho thấy một “làn gió mới” trong phương pháp dạy và học, tiếp cận với xu thế đào tạo của thế giới.

Giáo viên Trần Mỹ Dung, Trường THCS Tân Thành, TP Thái Nguyên cho hay: "Tôi thường sử dụng các ứng dụng như: Zoom, Messenger hoặc Microsoft Teams để kết nối với các thầy khi học sinh giao tiếp; sau đó, học sinh có thể nhìn trực tiếp trên màn hình tivi hoặc qua điện thoại, máy tính để có thể giao lưu, trao đổi với các thầy cô".

Bà Bùi Thị Thanh Hoàn, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Thành, TP Thái Nguyên cho biết: "Các thầy, cô giáo luôn luôn phải học hỏi và tìm ra những điểm mới trong công nghệ. Trong 1 giờ dạy, các thầy cô sẽ ứng dụng nhiều phần mềm để có thể đáp ứng được bộ môn mình phụ trách cũng như đáp ứng được yêu cầu của ngành".

Chuyển đổi số giáo dục – thay đổi để thích nghi
Các dữ liệu của ngành Giáo dục đã được cập nhật vào hệ thống phần mềm tạo thuận lợi cho việc quản lý và sử dụng.

Nếu như thời gian trước, công tác quản lý trong giáo dục chủ yếu thông qua hồ sơ, sổ sách là chính, thì giờ đây, việc quản lý hồ sơ, sổ sách của cán bộ, giáo viên đã được đơn giản hóa bằng công nghệ thông tin. Các dữ liệu của ngành Giáo dục đã được cập nhật vào hệ thống phần mềm tạo thuận lợi cho việc quản lý và sử dụng. Thông qua sổ liên lạc điện tử, học bạ điện tử... giúp giáo viên dễ dàng tổng hợp, đánh giá, nhận xét từng học sinh; đồng thời, giúp phụ huynh quản lý con em mình thuận tiện hơn.

Giáo viên Lê Thị Loan, Trường THCS Nguyễn Du, TP Thái Nguyên cho biết thêm: "Khi đưa lên hệ thống, chúng tôi dễ dàng quản lý từ lớp 6 đến lớp 9. Các bậc phụ huynh cũng tạo điều kiện để cập nhật thường xuyên trên hệ thống, không mất nhiều thời gian như làm trên sổ sách giấy như trước nữa, phụ huynh có thể tìm hiểu trên app của điện thoại, xem toàn bộ thông tin của con".

Bà Nguyễn Thị Lượng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Phổ Yên cho hay: "Phòng Giáo dục và Đào tạo bước đầu triển khai đến các trường trung học cơ sở việc sử dụng các hồ sơ điện tử trong nhà trường, khi đã thực hiện thành công chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai đến các cấp học khác".

Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp ngành Giáo dục nâng cao hiệu quả quản lý và đổi mới chất lượng dạy và học. Tuy nhiên, để thực hiện thành công chuyển đối số trong giáo dục thì điều khó khăn nhất hiện tại là thay đổi tư duy và thói quen tại các cơ sở đào tạo.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên nhấn mạnh: "Mục tiêu của ngành Giáo dục là phải thay đổi được cách dạy, cách học, cách quản lý, quản trị nhà trường; điểm cần làm đầu tiên là nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức trong ngành và các em học sinh".

Mặc dù, còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật để ứng dụng công nghệ số trong giảng dạy và đào tạo, nhất là đối với các nhà trường ở khu vực vùng sâu, vùng xa nhưng chuyển đổi số được ngành Giáo dục và Đào tạo xác định là khâu đột phá, nhiệm vụ quan trọng để triển khai thực hiện những năm tới đây. Thực hiện tốt chuyển đổi số không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục mà quan trọng hơn là góp phần nâng cao năng suất lao động, tạo cơ hội lớn để hội nhập quốc tế./.