Chung tay vì tương lai hoà nhập của trẻ tự kỷ
Công việc dạy trẻ tự kỷ là một hành trình đầy khó khăn và thử thách, đòi hỏi các giáo viên không chỉ chuyên môn, kỹ năng tốt mà còn cần một trái tim nhân ái, trao yêu thương cho các em.

Dịch COVID-19 đã làm gián đoạn các quyền lợi, cũng như các dịch vụ hỗ trợ mà trẻ tự kỷ đang được hưởng. Hệ quả kéo theo đó là nhiều khó khăn và trở ngại mà các gia đình và đội ngũ y, bác sĩ gặp phải. Chị Trần Thị Oanh, huyện Chợ Mới, BắcKạn chia sẻ: “Vừa rồi, hai mẹ con cũng bị Covid, thì cũng bị gián đoạn mất một thời gian, khỏi mới cho vào đây học. Nói chung gia đình cũng khó khăn lắm, ở xa thì phải thuê trọ ở đây, cũng mong muốn là cho con theo học ở đây, để con được phát triển toàn diện như các bạn”.

Thời gian gần đây, trung bình mỗi tháng, Khoa Tâm bệnh, Bệnh viên Trung ương Thái Nguyên tiếp đón và nhận điều trị cho khoảng 40 đến 50 lượt trẻ mắc hội chứng tự kỷ. Con số này giảm nhiều so với thời điểm trước khi dịch COVID-19 bùng phát. Sự gián đoạn của quá trình điều trị cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tiến trình hoà nhập cộng đồng của trẻ.

BSCKII Nguyễn Thị Phước Bình, Trưởng khoa Tâm bệnh, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết: “Chúng tôi mong muốn được can thiệp trẻ liên tục, muốn những đứa trẻ khỏe mạnh để chúng tôi làm tốt công tác can thiệp, dậy trẻ; và cũng rất mong muốn rằng, khi ở nhà, các bậc ch mẹ cố gắng can thiệp trẻ giúp chúng tôi như những lý thuyết, hoặc những kiến thức ở những khóa huấn luyện chúng tôi đã truyền đạt cho gia đình. Phải có sự phối hợp giữa bố mẹ, ông bà ở nhà và các cô can thiệp ở lớp thì trẻ mới tiến bộ nhanh”.

Để có thể giúp đỡ nhiều hơn các trẻ tự kỷ và tạo được môi trường học tập cho các em, nhiều trung tâm cũng đã được thành lập và trở thành ngôi trường đặc biệt của các em. Công việc dạy trẻ tự kỷ là một hành trình đầy khó khăn và thử thách, đòi hỏi các giáo viên không chỉ chuyên môn, kỹ năng tốt mà còn cần một trái tim nhân ái, trao yêu thương cho các em, để giúp các em cảm nhận và giao tiếp với thế giới theo cách riêng của mình. Tuy nhiên, việc điều trị cho trẻ tự kỷ bên cạnh sự nỗ lực của giáo viên cũng rất cần sự kết hợp chặt chẽ từ gia đình và xã hội.

Bà Vũ Thị Vân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học Tâm lý - Giáo dục Khánh An Thái Nguyên thông tin thêm: “Chúng tôi mong muốn, cộng đồng sẽ có cách nhìn nhận đúng đắn hơn về hội chứng tự kỷ. Bởi vì đôi khi mọi người xung quanh hoặc cộng đồng xã hội chưa có nhìn nhận đúng đắn, họ nghĩ tự kỷ là gì đó rất khủng khiếp. Tuy nhiên, nếu chúng ta biết phát huy thế mạnh của các em, thì các em vẫn có thể học được những gì chúng ta dạy, bằng cách của các em”.

Chủ đề của Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ năm nay là “Giáo dục hòa nhập cho tất cả”, với mục đích nhấn mạnh, người tự kỷ cũng có quyền được hưởng một nền giáo dục hoàn toàn bình đẳng như những người khác. Mặc dù dịch bệnh COVID-19 vẫn đang tác động khá lớn đến quá trình cũng như chất lượng trong giáo dục trẻ tự kỷ, tuy nhiên, qua ngày này, cũng giúp nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong việc chung tay giúp trẻ tự kỷ có thể phát triển một cách toàn diện vì tương lai của các em./.