Cảnh báo tình trạng mất an toàn chở khách trên Hồ Gò Miếu
Hồ Gò Miếu thuộc xã Ký Phú, Đại Từ được xây dựng năm 1993 với tổng vốn xây dựng khoảng 4 tỷ đồng với mục đích cung cấp nước sản xuất nông nghiệp cho 4 xã gồm: Ký Phú, Cát Nê, Văn Yên và Vạn Thọ. Hồ rộng 17 km2, với trữ lượng nước trên 5 tỷ m3. Việc xây hồ đã làm chia cắt đường đi vào các đồi, bãi chè của một số hộ dân các xóm: Dứa, Chuối, Soi và Cả. Để thuận lợi trong việc đi lại, người dân trong xóm đã tự đóng những chiếc tàu, thuyền nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của gia đình.
Trao đổi với ông Trần Văn Khoát, Trưởng Công an xã Ký Phú được biết, hiện nay xã có 38 hộ làm kinh tế phía trong khu vực Hồ Gò Miếu, các hộ này chủ yếu là trồng chè (khoảng trên 10ha) và một số trại cá do người dân ngăn suối chăn nuôi. Để thuận lợi cho việc đi lại, người dân nơi đây tự đóng thuyền, tàu nhỏ mục đích để phục vụ cho gia đình. Cũng theo ông Khoát, nhằm đảm bảo an toàn đường thủy ở Hồ Gò Miếu, Công an huyện Đại Từ đã phân công cán bộ phụ trách địa bàn thường xuyên tuyên truyền các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa, đồng thời tiến hành kiểm tra hoạt động của các tàu thuyền ở đây. Ngoài ra, hằng năm các chủ phương tiện đều được Sở Giao thông vận tải phối hợp với Cảnh sát giao thông huyện và chính quyền địa phương ký cam kết nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Luật giao thông đường thủy nội địa; tổ chức tập huấn về kỹ thuật an toàn sử dụng phương tiện đường thủy và bảo vệ môi trường theo đúng quy định, tàu thuyền phải có đủ dụng cụ cứu sinh và không chở quá số người quy định….Được biết hiện nay, toàn xã có 11/13 hộ chủ tàu, thuyền được cấp chứng chỉ và tất cả đều chưa đăng ký hoạt động kinh doanh với cơ quan chức năng….
Qui định là vậy, nhưng thời gian gần đây do nhu cầu của nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến khám phá vẻ đẹp sinh thái thiên nhiên của Hồ, đặc biệt là vào dịp nghỉ lễ, ngày cuối tuần, vậy là bất chấp qui định và sự nguy hiểm, người dân sinh sống tại khu vực này đã sử dụng tàu thuyền của gia đình phục vụ khách với mục đích kinh doanh và trên hồ Gò Miếu đã xuất hiện một bến thuyền để đáp ứng những nhu cầu đó.
Tìm hiểu vấn đề này, đầu tháng 10/2016, chúng tôi đã đến khu vực Hồ. Theo quan sát, có khoảng chục chiếc thuyền tự đóng đang neo đậu tại bến và những chiếu thuyền này đều được đóng khá đơn giản, trên thuyền thì không có bất cứ một vật dụng cứu hộ nào được trang bị theo qui định.
Một góc bãi neo tàu, thuyền hồ Gò Miếu và trên các tàu thuyền này không có vật dụng cứu hộ theo quy định. Ảnh Lệ Hằng |
Tại đây chúng tôi đã gặp anh Ngô Văn Thanh - một chủ thuyền ở đây (lúc này anh Thanh đang dẫn một đoàn khách lên tàu để trở vào phía trong Hồ). Khi được hỏi, anh Thanh cho biết đây chỉ là những người dân vào Hồ làm kinh tế thôi, thế nhưng khi vào vai du khách ngỏ ý muốn vào tham quan khu phía trong Hồ, thì lập tức anh Thanh thỏa thuận luôn “…nếu đi vào trong đó mất chừng 15 phút, anh sẽ đưa đoàn vào đó, khi nào về gọi điện thoại anh sẽ đón và giá một chuyến gồm 6 người là 150 nghìn đồng". Từ thực tế trên cho thấy mặc dù hằng năm các chủ tàu, thuyền đều được Công an huyện Đại Từ cho ký cam kết nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Luật giao thông đường thủy nội địa…vậy nhưng những chủ tàu thuyền này vẫn cố tình vi phạm, đây là vấn đề cần được bàn, đặc biệt là sự mất an toàn cho người khi tham gia giao thông đường thủy trên khu vực hồ.
Các chủ phương tiện chở quá số người qui định, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông đường thủy Ảnh Lăng Khoa |
Mặc dù Hồ Gò Miếu chưa xảy ra vụ tai nạn tàu, thuyền nào, nhưng nếu như ý thức trách nhiệm và nhận thức của người dân nơi đây không được nâng cao và các cơ quan chức năng liên quan không có những biện pháp siết chặt hơn nữa đối với bến thuyền không phép này và những chiếc tàu, thuyền không có đăng ký, không đủ điều kiện an toàn vẫn tự do hoạt động kinh doanh đưa khách qua Hồ thì sẽ không tránh khỏi những hậu quả đáng tiếc xảy ra.