Tin 24h ngày 28/12/2024
Tết Dương lịch là một ngày lễ quan trọng diễn ra vào ngày 1/1 hàng năm. Đây là dịp để mọi người trên toàn thế giới kỷ niệm sự bắt đầu của một năm mới theo lịch dương. |
Ngày này không chỉ là một sự kiện thay đổi năm tháng mà còn mang nhiều ý nghĩa về sự khởi đầu mới, sự tái sinh và mở ra những cơ hội mới trong cuộc sống.
Nguồn gốc của tết Dương lịch
Tết Dương lịch bắt nguồn từ lịch Gregorian, hệ thống lịch được Giáo hoàng Gregory XIII thiết lập năm 1582. Trước đó, các quốc gia sử dụng lịch Julius, nhưng lịch này có sự sai lệch trong tính toán thời gian, khiến mùa xuân không rơi đúng vào ngày đầu năm.
Để khắc phục vấn đề này, Giáo hoàng Gregory XIII đã quyết định sửa lại lịch và chuyển ngày 1/1 thành ngày đầu năm mới, thay thế cho ngày 25/12 của lịch Julius.
Lịch Gregorian được nhiều quốc gia theo Công giáo La Mã áp dụng, và dần dần là các nước khác. Tết Dương lịch thành ngày lễ chính thức, đánh dấu sự bắt đầu của năm mới, tượng trưng cho sự chuyển giao thời gian và một chu kỳ mới trong cuộc sống.
Ý nghĩa của tết Dương lịch
Tết Dương lịch không chỉ đơn giản là ngày bắt đầu một năm mới theo lịch, mà còn mang nhiều ý nghĩa văn hóa và xã hội sâu sắc. Đây là dịp để mọi người nhìn lại những gì đã xảy ra trong năm qua và lên kế hoạch cho năm mới.
Trong không khí lễ hội, người ta thường tổ chức tiệc tùng, gặp gỡ bạn bè, gia đình và gửi lời chúc tốt đẹp cho nhau. Tết Dương lịch là cơ hội để thể hiện tình yêu thương, sự quan tâm và mong muốn những điều tốt lành sẽ đến với mọi người trong năm mới.
Ngoài ra, tết Dương lịch còn là dịp để mỗi người tự nhìn lại bản thân, đánh giá những thành tựu và thất bại trong năm cũ, từ đó rút ra bài học và đưa ra những mục tiêu mới.
Đây cũng là thời điểm để nghỉ ngơi, thư giãn và tái tạo năng lượng cho những thử thách mới.
Ở nhiều quốc gia, tết Dương lịch được tổ chức với các hoạt động đặc sắc như bắn pháo hoa, diễu hành, lễ hội âm nhạc. Các thành phố lớn thường tổ chức các sự kiện sôi động chào đón năm mới, tạo không khí vui vẻ và hứng khởi cho người dân.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, tết Dương lịch đã trở thành một lễ hội quốc tế, không chỉ ở các quốc gia phương Tây mà còn được đón nhận ở nhiều nước Á Đông, trong đó có Việt Nam.
Tết Dương lịch ở Việt Nam
Mặc dù tết Nguyên đán vẫn là ngày lễ trọng đại nhất trong năm, nhưng tết Dương lịch đã tạo ra bầu không khí mới mẻ, đặc biệt là trong giới trẻ và các công ty, doanh nghiệp ở Việt Nam.
Nhiều người tận dụng dịp này để nghỉ ngơi, đi du lịch, hoặc tham gia các hoạt động giải trí, kết nối bạn bè và đồng nghiệp.
Vào dịp này, các gia đình Việt Nam thường tổ chức những bữa tiệc nhỏ, gửi lời chúc mừng năm mới cho nhau. Cũng giống các nơi khác, những bữa ăn ấm cúng bên gia đình và bạn bè là phần không thể thiếu trong không khí tết Dương lịch tại Việt Nam.
Miền Bắc chìm trong giá rét và dự báo thời tiết 10 ngày tới
Không khí lạnh tăng cường mạnh hơn khiến miền Bắc tiếp tục chìm trong rét diện rộng với nhiệt độ thấp nhất có nơi dưới 10 độ C.
Dự báo thời tiết 10 ngày tới trên cả nước
Sáng sớm nay 28/12, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ và hầu hết phía Tây Bắc Bộ. Vịnh Bắc Bộ có gió đông bắc mạnh cấp 7, giật cấp 8-9.
Hôm nay, không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở Tây Bắc Bộ và Trung Trung Bộ. Gió đông bắc trong đất liền mạnh cấp 2-3, vùng ven biển cấp 3-4.
Ở Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế trời tiếp tục rét, vùng núi Bắc Bộ có nơi rét đậm, rét hại. Nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh này ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến 11-14 độ C, vùng núi Bắc Bộ có nơi dưới 10 độ C, Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế 14-17 độ C.
Dự báo thời tiết các khu vực từ đến ngày 29/12, cơ quan khí tượng cho biết, Bắc Bộ và Thanh Hóa mưa vài nơi, trưa chiều hửng nắng. Trời rét, vùng núi có nơi rét đậm, rét hại.
Nghệ An đến Khánh Hòa có mưa, trong đó, Thừa Thiên Huế đến Phú Yên hôm nay 28/12 mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông, từ đêm 28/12 có mưa, mưa rào rải rác. Phía Bắc trời rét.
Các khu vực khác mưa rào và dông vài nơi.
Nhận định thời tiết từ đêm 29/12 đến ngày 6/1/2025, cơ quan khí tượng cho biết, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ mưa vài nơi, sáng sớm có nơi sương mù, trưa chiều trời nắng. Hai ngày cuối năm 2024, khu vực này trời rét, từ khoảng 1/1/2025, trời rét về đêm và sáng, vùng núi có nơi rét đậm, rét hại.
Trung và Nam Trung Bộ từ đêm 30/12/2024 đến ngày 3/1/2025 có mưa, mưa rào, cục bộ mưa vừa, mưa to và dông. Phía Bắc trời rét.
Các khu vực khác mưa rào và dông vài nơi, thời kỳ từ 31/12 đến 1/1 có mưa, mưa rào rải rác và có nơi có dông.
Dự báo thời tiết các vùng trên cả nước trong ngày và đêm 28/12/2024
Hà Nội mưa nhỏ vài nơi, trưa chiều giảm mây hửng nắng. Gió đông bắc cấp 2-3. Trời rét. Nhiệt độ thấp nhất 11-14 độ C. Nhiệt độ cao nhất 18-21 độ C.
Phía Tây Bắc Bộ mưa vài nơi. Gió nhẹ. Trời rét, có nơi rét đậm. Nhiệt độ thấp nhất 11-14 độ C, có nơi dưới 10 độ C. Nhiệt độ cao nhất 18-21 độ C, có nơi trên 22 độ C.
Phía Đông Bắc Bộ mưa vài nơi, trưa chiều giảm mây hửng nắng. Gió đông bắc cấp 2-3, vùng ven biển cấp 3-4. Trời rét, vùng núi có nơi rét đậm, rét hại. Nhiệt độ thấp nhất 11-14 độ C, vùng núi có nơi dưới 10 độ C. Nhiệt độ cao nhất 18-21 độ C.
Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế phía Bắc có mưa, mưa nhỏ rải rác. Phía Nam có mưa, mưa rào, Thừa Hiên Huế ngày có mưa, mưa vừa, cục bộ có nơi mưa to và dông. Gió bắc đến tây bắc cấp 2-3. Trời rét. Nhiệt độ thấp nhất phía Bắc 11-14 độ C, phía Nam 14-17 độ C. Nhiệt độ cao nhất 18-21 độ C.
Đà Nẵng đến Bình Thuận ngày mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông, đêm có mưa, mưa rào rải rác. Trong đó, Ninh Thuận-Bình Thuận mưa rào và dông vài nơi. Gió đông bắc cấp 2-3, phía Nam có nơi cấp 3-4.
Phía Bắc trời lạnh. Trong mưa dông khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất phía Bắc 19-22 độ C, phía Nam 23-25 độ C. Nhiệt độ cao nhất phía Bắc 22-25 độ C, phía Nam 26-29 độ C, có nơi trên 29 độ C.
Tây Nguyên mưa rào và dông vài nơi. Gió đông bắc cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 18-21 độ C. Nhiệt độ cao nhất 26-29 độ C, có nơi trên 29 độ C.
Nam Bộ mưa rào và dông vài nơi, chiều tối và tối có mưa, mưa rào rải rác và có nơi có dông. Gió đông bắc cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 23-26 độ C. Nhiệt độ cao nhất 29-31 C, có nơi trên 31 độ C.
Trưởng ban dân vận Tỉnh ủy Thái Nguyên tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi
Ông Phạm Thái Hanh, Ủy viên BTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Thái Nguyên |
Ông Phạm Thái Hanh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Thái Nguyên tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi để thuận lợi cho quá trình thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Chiều 27/12, Tỉnh ủy Thái Nguyên tổ chức Hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh lần thứ 42 và tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" (Nghị quyết 18).
Thực hiện Nghị quyết 18, tỉnh Thái Nguyên đã giảm được 3 đầu mối trực thuộc Tỉnh ủy; giảm 56 đầu mối trực thuộc các cơ quan, đơn vị và 281 lãnh đạo cấp phòng, ban và tương đương thuộc khối các cơ quan Đảng, UBND, HĐND, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện.
Số lượng biên chế cấp tỉnh, cấp huyện giảm 3.232 người (tương đương mức giảm 10,6%); giảm 25.681 người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố (giảm 57,1%).
Tổng giảm chi ngân sách nhà nước do sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế của tỉnh Thái Nguyên từ năm 2015 đến tháng 12/2021 là trên 200 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tại hội nghị, ông Phạm Thái Hanh, Ủy viên BTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy đã có phát biểu tham gia ý kiến và tự nguyện xin nghỉ chế độ trước tuổi (hơn 1 năm) để thuận lợi cho quá trình tỉnh thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Theo tìm hiểu của phóng viên, các chế độ chính sách đối với các trường hợp liên quan tinh giản, sắp xếp bộ máy vẫn chưa được ban hành. Tỉnh ủy Thái Nguyên giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Sở Tài chính tham mưu với tinh thần sẽ thực hiện đầy đủ chế độ.
Theo đề án sắp xếp, tinh gọn bộ máy chính trị tỉnh Thái Nguyên, Ban Dân vận Tỉnh ủy sẽ sáp nhập với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên.
Thanh tra phát hiện sai phạm hơn 150.000 tỉ đồng, chuyển 269 vụ sang cơ quan điều tra
Thanh tra phát hiện sai phạm hơn 150.000 tỉ đồng, chuyển 269 vụ sang cơ quan điều tra |
Sáng 28-12, Thanh tra Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình tham dự hội nghị.
Phát biểu khai mạc, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho hay năm 2024, ngành có khối lượng công việc lớn, nhất là những việc đột xuất do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Chính phủ, Thủ tướng và Thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp giao.
Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn thách thức, đoàn kết thống nhất hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kết quả này đã góp phần phòng chống tham nhũng, tiêu cực, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Báo cáo do Phó Tổng Thanh tra Dương Quốc Huy trình bày cho thấy năm 2024, ngành thanh tra triển khai trên 6.670 cuộc thanh tra hành chính và gần 119.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
Qua đó, thanh tra chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế gần 157.600 tỉ đồng, 245 ha đất; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 2.360 tập thể và trên 9.000 cá nhân. Đã chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 269 vụ, 173 đối tượng.
Năm 2024, toàn ngành Thanh tra đã đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện gần 6.800 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, trong đó có 4.468 kết luận thanh tra đã hoàn thành 100% các nội dung phải thực hiện (chiếm 66% tổng số kết luận thanh tra được đôn đốc, kiểm tra).
Qua đôn đốc, các cơ quan chức năng đã thu hồi 6.050 tỉ đồng (đạt tỉ lệ 45%), 77 ha đất; xử lý hành chính gần 3.000 tổ chức, 11.109 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 108 vụ, 106 đối tượng; khởi tố 21 vụ, 29 đối tượng; ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 399 văn bản về cơ chế, chính sách, pháp luật theo kiến nghị tại các kết luận thanh tra (đạt tỉ lệ 70%).
Với công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, theo Phó Tổng Thanh tra Dương Quốc Huy, các cấp, ngành có nhiều cố gắng, nỗ lực nâng cao chất lượng, hiệu quả.
Qua giải quyết các vụ việc khiếu nại tố cáo, kiến nghị thu hồi cho Nhà nước gần 34 tỉ đồng, hơn 19 ha đất; trả lại cho tổ chức, cá nhân hơn 106 tỉ đồng, 1,5 ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 26 tổ chức, 2.235 cá nhân; kiến nghị xử lý 543 người; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 17 vụ, 21 đối tượng.
Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Ông Dương Quốc Huy cho hay Thanh tra Chính phủ đã hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng.
Trong đó, về thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, các bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra tại trên 4.650 cơ quan, tổ chức, đơn vị; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và xử lý 164 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm.
Các cấp, các ngành cũng chuyển đổi vị trí công tác trên 18.600 cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng.
Cũng trong năm 2024, các cơ quan đã xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập với 6.775 người; từ đó đã kỷ luật 10 người do kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.
Có 46 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, đã xử lý kỷ luật 52 người.
Các cơ quan đã phát hiện 61 vụ việc, 107 người liên quan đến tham nhũng. Trong đó, qua hoạt động kiểm tra nội bộ phát hiện 11 vụ, 19 người; qua thanh tra, kiểm tra phát hiện 36 vụ, 69 người; qua giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 14 vụ, 19 người liên quan đến tham nhũng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thanh tra Chính phủ nhận diện những tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục như tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản chưa cao, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật theo kiến nghị tại kết luận thanh tra còn chậm.
Một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy định tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu; chưa quyết tâm, quyết liệt hoặc chưa có phương án phù hợp giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài.
Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn triệt để. Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế.
Ngoài ra, cơ cấu tổ chức và chất lượng đội ngũ cán bộ ngành Thanh tra còn bất cập, một số cán bộ thanh tra chấp hành kỷ cương, kỷ luật chưa tốt.
Khởi tố một phạm nhân trốn khỏi nơi giam giữ
Ngày 28/12, Công an huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang cho biết, đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Huỳnh Chí Hải (19 tuổi, ngụ xã Giục Tượng, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) để điều tra về hành vi "trốn khỏi nơi giam giữ".
Theo kết quả điều tra, Huỳnh Chí Hải là phạm nhân đang chấp hành án tại phân trại số 2, trại giam Phước Hòa (Cục C10, Bộ Công an - thuộc xã Thạnh Hòa, huyện Tân Phước, Tiền Giang).
Vào khoảng 13h15 ngày 20/11, Huỳnh Chí Hải cùng các phạm nhân khác đến khu vực rừng tràm của trại giam Phước Hòa để lao động. Trong lúc lao động Hải xin cán bộ quản giáo đi vệ sinh, khi thấy Hải đi xa khu vực cho phép, cán bộ quản giáo yêu cầu quay lại nhưng Hải đã bỏ chạy và lẫn trốn vào khu vực rừng tràm.
Sau đó, trại giam Phước Hòa đã tổ chức lực lượng để vây bắt Hải. Đến khoảng 16h50 cùng ngày thì lực lượng công an phát hiện Hải đang lẫn trốn dưới mương nước trong rừng tràm cách nơi lao động khoảng 2km.
Trước đó, Hải phạm tội "trộm cắp tài sản", bị bắt và bị tòa tuyên phạt 6 tháng tù, đang chấp hành án tù tại trại giam Phước Hòa. Hải đã chấp hành án tù còn khoảng 2 tháng nữa là hết hạn tù, đến ngày 20/11 thì bỏ trốn. Sau đó Hải được cảnh sát đưa về lại trại giam Phước Hòa để phục vụ điều tra.
Tại cơ quan công an, Hải thừa nhận hành vi vi phạm của mình và cho biết nguyên nhân trốn trại là do nhớ nhà.
Chỉ định nữ Bí thư Huyện tham gia Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên
Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng trao quyết định cho bà Vũ Thị Lệ Hằng |
Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ định bà Vũ Thị Lệ Hằng - Bí thư Huyện ủy Đồng Hỷ tham gia Ban chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Ngày 27/12, Tỉnh ủy Thái Nguyên tổ chức Hội nghị công bố quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ. Theo đó, bà Vũ Thị Lệ Hằng - Bí thư Huyện ủy Đồng Hỷ được chỉ định tham gia BCH Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng trao quyết định cho bà Vũ Thị Lệ Hằng.
Với quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng, số lượng ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên hiện là 48 ủy viên.
Bà Vũ Thị Lệ Hằng sinh năm 1976, giữ chức Bí thư Huyện ủy Đồng Hỷ từ 1/10/2024. Trước đó, bà Hằng kinh qua các vị trí công tác Phó giám đốc, Giám đốc Sở Tư pháp.
Vận hành thí điểm tàu du lịch Hà Nội - Thái Nguyên
Đoàn khảo sát đã trải nghiệm nhiều dịch vụ trên tàu như: Thưởng thức trà Thái Nguyên, bánh đặc sản Hà Nội, nghe hát then đàn tính, trải nghiệm các sản phẩm OCOP và nông sản địa phương tại các ga đến… |
Ngày 28/12, chuyến tàu hỏa khảo sát kết nối Hà Nội - Thái Nguyên gắn với mục tiêu khai thác, phát triển du lịch đã được thực hiện dưới sự phối hợp của Sở Văn hóa, thể thao và du lịch, Sở Giao thông vận tải tỉnh Thái Nguyên và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.
Hơn 120 đại biểu là lãnh đạo các sở, ngành, địa phương của tỉnh Thái Nguyên, các doanh nghiệp vận tải, lữ hành, dịch vụ của Thái Nguyên và Hà Nội đã tham gia trải nghiệm, đóng góp ý kiến cho phát triển du lịch Thái Nguyên và du lịch đường sắt.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Giám đốc Sở Văn hóa thể thao và du lịch Thái Nguyên cho biết, sau 2 tháng có ý tưởng triển khai tuyến đường sắt kết nối Hà Nội - Thái Nguyên, chuyến tàu khảo sát kết nối qua nhiều ga với 4 điểm dừng là Ga Phổ Yên, Lưu Xá, Thái Nguyên và Quán Triều. Chuyến tàu được triển khai nhanh chóng, thành công là nhờ có sự chỉ đạo của các cấp, các ngành tỉnh Thái Nguyên và các đơn vị liên quan; đặc biệt là sự phối hợp, hỗ trợ của Tổng công ty Đường Sắt Việt Nam. Thái Nguyên là tỉnh có nhiều lợi thế về giao thông kết nối đầy đủ với các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc Việt Nam, đặc biệt là kết nối với Hà Nội. Tỉnh đã và đang khai thác tốt các tuyến đường bộ, đường hàng không, đường sông và tuyến đường sắt truyền thống sẽ được quan tâm để khai thác trong thời gian tới.
Tuyến đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên trong lịch sử đã đóng góp vai trò quan trọng để phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội và an ninh, quốc phòng. Hiện nay, tuyến đường sắt này vẫn còn nguyên giá trị. Trong bối cảnh tỉnh Thái Nguyên đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, lãnh đạo tỉnh luôn ưu tiên nhiều nguồn lực để phát triển du lịch theo hướng bền vững trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ông Nguyễn Văn Ngọc hy vọng, việc triển khai tuyến đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên trong thời gian tới sẽ góp phần phục vụ nhu cầu an sinh xã hội của người dân tốt hơn, tăng cường kết nối để Thái Nguyên phát triển kinh tế, xã hội và đặc biệt tạo thêm sản phẩm dịch vụ mới góp phần phát triển du lịch Thái Nguyên.
Khi Sở Văn hóa thể thao và du lịch Thái Nguyên đặt vấn đề phối hợp khai thác tuyến đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên, đã nhận được sự đồng tỉnh của lãnh đạo tỉnh, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng như các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành, du lịch. Tuyến đường sắt này có nhiều thuận tiện cho quãng đường di chuyển với khoảng cách khoảng 80km, thời gian di chuyển khoảng 2 giờ đồng hồ. Đồng thời, tuyến đường sắt này gắn kết nhiều điểm du lịch cũng như các hoạt động du lịch nói riêng và các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nói chung...
Ông Nguyễn Chính Nam, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chia sẻ: Đường sắt Việt Nam rất hoan nghênh ý tưởng và quyết tâm của tỉnh Thái Nguyên trong việc mở lại và phát triển tuyến tàu hỏa Hà Nội - Thái Nguyên. Trước thời điểm dịch COVID-19, tuyến đường sắt Hà Nội – Thái Nguyên chủ yếu phục vụ mục tiêu dân sinh, phục vụ nhân dân các vùng khó khăn di chuyển thuận lợi. Thời điểm đó, tàu hỏa mang tính chất là tàu an sinh, xã hội. Khai thác tuyến tàu hỏa du lịch Hà Nội - Thái Nguyên là một ý tưởng mới, hứa hẹn sẽ có nhiều đóng góp cho phát triển du lịch của Thái Nguyên cũng như góp phần hoàn thiện thêm dịch vụ Đường sắt Việt Nam.
Trong chương trình khảo sát tuyến di chuyển bằng tàu hỏa Hà Nội - Thái Nguyên, đoàn khảo sát đã trải nghiệm nhiều dịch vụ trên tàu như: Thưởng thức trà Thái Nguyên, bánh đặc sản Hà Nội, nghe hát then đàn tính, trải nghiệm các sản phẩm OCOP và nông sản địa phương tại các ga đến… Sau đó, đoàn đã đến điểm du lịch cộng đồng vùng chè đặc sản Tân Cương, tọa đàm đóng góp ý kiến cho việc hoàn thiện ý tướng khai thác tuyến tàu hỏa gắn với quảng bá văn hóa Trà và phát triển du lịch Thái Nguyên./.