Phát triển nền nông nghiệp xanh, bền vững
HTX Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Saemaul Phú Nam, xã Phú Đô, huyện Phú Lương đã xây dựng mô hình sản xuất chè theo phương pháp IPHM. |
Nhằm thay đổi thói quen canh tác, hướng tới sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ, HTX Nông nghiệp -Thương mại - Dịch vụ Saemaul Phú Nam, xã Phú Đô, huyện Phú Lương đã xây dựng mô hình sản xuất chè theo phương pháp IPHM (bảo vệ sức khỏe cây trồng). Từ đó, đã giảm được chi phí sản xuất, năng suất và chất lượng sản phẩm nâng cao rõ rệt, gia tăng hiệu quả kinh tế từ cây chè cho bà con nông dân.
Bà Nguyễn Thị Hoàng, Giám đốc HTX Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Saemaul Phú Nam cho hay: "Chúng tôi phun thuốc sinh học, bón phân hữu cơ để cải tạo đất, cải tạo bộ rễ của cây chè".
Giống lúa Thụy Hương 308 phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương và cho năng suất cao hơn. |
Các giống lúa truyền thống thường không có khả năng thích ứng với thời tiết cực đoan như bão lũ, khiến nông dân gặp khó khăn trong việc duy trì sản lượng. Vì vậy, việc phát triển các giống lúa có khả năng chống chịu tốt với điều kiện thời tiết khắc nghiệt đang được ngành nông nghiệp quan tâm. Xóm Đá Bạc, xã Bàn Đạt, huyện Phú Bình có 65ha diện tích lúa, trước đây, bà con nông dân thường cấy lúa Khang Dân và một số giống lúa khác. Vụ mùa năm 2024, bà con đưa vào gieo cấy gần 1 tấn giống lúa Thụy Hương 308. Bước đầu cho thấy, giống lúa này phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương và cho năng suất cao hơn.
Ông Vũ Văn Hoà, xóm Đá Bạc, xã Bàn Đạt, huyện Phú Bình chia sẻ: "Lúa ít sâu bệnh, cứng cây. Chúng tôi mong muốn được tập huấn để nắm bắt kỹ thuật gieo cấy đúng vụ, hợp lý".
Toàn tỉnh hiện có trên 6.200ha diện tích cây nông nghiệp được chứng nhận VietGAP. Trong đó, có trên 110ha lúa, gần 4.400ha chè; 64 mã số vùng trồng, trong đó có trên 30 mã số vùng trồng chè với tổng diện tích hơn 230ha. Những năm gần đây, Thái Nguyên đã triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó hướng dẫn, tuyên truyền, khuyến cáo nông dân hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học độc hại; khuyến khích ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, hướng tới nền nông nghiệp xanh, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng cũng như người sản xuất.
Ông Nguyễn Tá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thái Nguyên thông tin: "Trong thời gian tới tiếp tục thực hiện theo kế hoạch này, nhân rộng đến các địa phương vùng chè, vùng lúa, vùng cây ăn quả chủ lực làm sao canh tác bền vững nhất, hiệu quả kinh tế cho bà con nhân dân thu lợi nhuận cao nhất".
Để nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, cùng với sự thay đổi tư duy của nông dân, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các sở, ngành và địa phương triển khai mạnh mẽ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp. Điều này giúp bà con nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản địa phương, tăng cơ hội đưa nông sản đến với những thị trường khó tính./.