Sức lan tỏa từ mô hình “Ngôi nhà 3 sạch nông thôn mới”
Người dân và các hội viên phụ nữ xóm Tiên Trường 2 dọn dẹp vệ sinh khu dân cư

Cứ vào chiều thứ 6 hàng tuần, hội viên phụ nữ xóm Tiên Trường 2, xã Tiên Hội, huyện Đại Từ cùng nhau dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm. Việc làm này đã trở thành nền nếp trong vài năm trở lại đây. Ngoài việc vệ sinh, nhân dân tự giác phân loại rác thải để thu gom, trồng hoa hai bên đường, các gia đình cũng tự ý thức không thả gia súc ra đường, để xe đúng nơi quy định. Nhờ vậy, xóm Tiên Trường 2 đã tạo được cảnh quan sạch, đẹp.

Chị Lục Hậu Lệ, xóm Tiên Trường 2 chia sẻ: “Những thành viên trong gia đình có ý thức hơn, lúc nào về nhà cũng muốn gọn gàng, sạch sẽ, cố gắng hoàn thành chương trình 3 sạch.”

Bên cạnh hoạt động tham gia bảo vệ môi trường, hội phụ nữ xóm Tiên Trường 2 còn tích cực tham gia mô hình ngôi nhà 3 sạch do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam phát động. Thông qua mô hình này đã giúp người dân trong xóm có ý thức hơn trong giữ gìn nhà cửa, bếp núc, ngõ xóm gọn gàng, sạch sẽ, thông thoáng. Từ đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, phụ nữ được chị em hưởng ứng tích cực.

Chị Triệu Thị Hương, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm Tiên Trường 2 cho biết: “Mỗi tháng thực hiện vệ sinh một lần vào ngày 15, chị em trong xóm đều tích cực hưởng ứng rất nhiệt tình và tích cực.”

Sức lan tỏa từ mô hình “Ngôi nhà 3 sạch nông thôn mới”
Cán bộ và hội viên Hội LHPN trao đổi về mô hình “Ngôi nhà 3 sạch nông thôn mới” tại xã Tân Đức

Năm 2020, Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên triển khai mô hình “Ngôi nhà 3 sạch nông thôn mới” tại xã Tân Đức, huyện Phú Bình và xã Tiên Hội, huyện Đại Từ. Đến nay, 4 mô hình mẫu tại 2 xã đã có 64 hộ tham gia. Các hộ được lựa chọn tham gia sẽ được tập huấn, ký cam kết, chỉnh trang tại hộ và tổ chức bình xét. Các chi hội tại địa phương cũng tham gia vận động nhân dân thực hiện vệ sinh, giữ gìn cảnh quan môi trường nơi cư trú... Qua thời gian triển khai thực hiện, mô hình đã dần đi vào cuộc sống và được chính quyền cơ sở ghi nhận, đánh giá cao.

Ông Dương Văn Hậu, Chủ tịch UBND xã Tân Đức cho biết: “Người dân đã chuyển đổi được nhận thức, từ xây dựng nông thôn mới là trách nhiệm của Nhà nước chuyển sang là trách nhiệm của chính mình để xây dựng địa bàn là miền quê đáng sống và phát triển hài hòa, bền vững.”

Sức lan tỏa từ mô hình “Ngôi nhà 3 sạch nông thôn mới”
Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên trao quà, động viên hội viên hoàn thiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới

Xác định sức sống lâu bền của mô hình không chỉ được thể hiện ở những con số mà bằng chính nếp nghĩ, cách làm cụ thể của mỗi một hội viên, phụ nữ và các thành viên trong gia đình nhằm mang lại lợi ích thiết thực đối với bản thân, gia đình và cộng đồng, xã hội. Các cấp Hội đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và từng nội dung của mô hình; về khả năng và những việc mà phụ nữ cần làm để giúp gia đình đạt được các tiêu chí, dựa trên nhận thức mới, tư duy mới về phát triển kinh tế, về tổ chức cuộc sống gia đình.

Bà Hứa Thị Châu Giang, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên cho biết:” Kết quả triển khai bước đầu cho thấy, các hộ gia đình và nhân dân đã tích cực thực hiện, có hiệu ứng tốt. Đây là cơ sở để chúng tôi tiếp tục nhân rộng mô hình này trong thời gian tiếp theo.”

Để mô hình ngày càng phát huy hiệu quả, trong thời gian tới, cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, các cấp Hội sẽ tiếp tục cụ thể hóa từng nội dung của mô hình bằng các hoạt động cụ thể gắn với đẩy mạnh phong trào thi đua “ chung sức xây dựng nông thôn mới” trong các tầng lớp phụ nữ; duy trì, nhân rộng các cách làm hay, điển hình về xây dựng gia đình hạnh phúc,…Đó cũng là cách tốt nhất để khẳng định vai trò, trách nhiệm của phụ nữ và tổ chức Hội trong tham gia thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh. Qua đó, hội viên phụ nữ thêm tin tưởng, gắn bó với tổ chức Hội, tích cực tham gia xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh./.