Các làng nghề tạo việc làm cho 800.000 lao động
Tuy nhiên, việc phát triển làng nghề hiện nay tại Hà Nội cũng đang gặp không ít thách thức. Đại diện cho làng nghề mộc Phù Yên (huyện Chương Mỹ), ông Nguyễn Chí Điền cho biết: “Hiện, xưởng sản xuất tại làng mộc Phù Yên cũng như các làng nghề khác chủ yếu được xây dựng tại gia đình nên mặt bằng chật hẹp. Trong khi tiền thuê đất trong các cụm công nghiệp cao mà nguồn vốn đầu tư sản xuất kinh doanh chủ yếu là vốn tự có nên khó thuê mặt bằng để mở rộng quy mô”.
Theo tìm hiểu của phóng viên NTNN, hiện nay phần lớn các làng nghề ở Hà Nội đều có máy móc, thiết bị sản xuất, song các phương tiện này đều đã cũ, công nghệ lạc hậu. Thêm khó khăn nữa là hệ thống giao thông nhiều nơi còn chật hẹp... ảnh hưởng không nhỏ đến sức cạnh tranh của làng nghề. Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm khí, bụi, tiếng ồn, nguồn nước, chất thải rắn... ở một số nơi đã đến mức nghiêm trọng.
Nhằm thu hút du khách đến Hà Nội, ngành du lịch đã xây dựng một số tour du lịch làng nghề như gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc… Tuy nhiên, do còn hạn chế về cơ sở vật chất như mặt bằng để xây dựng trung tâm giới thiệu sản phẩm, bãi đỗ xe, khu vệ sinh… nên việc xây dựng tour du lịch làng nghề chưa phát triển như kỳ vọng.
Ông Nguyễn Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết: “Để thúc đẩy sự phát triển nghề và làng nghề trong năm 2017, thành phố đã ban hành Kế hoạch số 36/KH-UBND ngày 16.2.2017. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách về phát triển nghề, làng nghề; đẩy mạnh công tác đào tạo, nhân cấy, truyền nghề; tiếp tục tập trung nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thực hiện việc kết nối ngân hàng – doanh nghiệp; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm... Bên cạnh sự hỗ trợ từ thành phố, tôi cũng đề nghị các làng nghề cần tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật, tạo ra các sản phẩm chất lượng cao. Đồng thời quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường; bố trí mặt bằng giới thiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề, gắn việc phát triển làng nghề với phát triển du lịch...”.